Quy định “ngược” về hỗ trợ thu hồi đất
Đây không phải là lần đầu tiên Cục Kiểm tra VBQPPL phải đốc thúc, nhắc nhở các cơ quan, địa phương thực hiện nghĩa vụ “tự kiểm tra, xử lý các VB có nội dung trái pháp luật”. Thực tế, qua công tác hậu kiểm của Cục, rất nhiều VB bị phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, không chỉ về hình thức mà cả nội dung. Song việc xử lý VB luôn bị chậm chễ, thậm chí bị “tảng lờ” vì nhiều lý do. Điều đó gây ra hậu quả không hề nhỏ cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức và xã hội.
Mới đây, Cục Kiểm tra VBQPPL lại một lần nữa phải thực hiện việc nhắc nhở đối với HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai sau hơn 2 tháng mà các đơn vị này không có động thái thực hiện kết luận của đoàn công tác liên ngành (do lãnh đạo Cục Kiểm tra VBQPPL và một số bộ, ngành TƯ đã làm việc với UBND, một số Sở của tỉnh Đồng Nai) về 1 Nghị quyết của HĐND và 5 Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai có nội dung trái pháp luật.
Trong số các VB đó, riêng về lĩnh vực hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất và giao đất, UBND tỉnh Đồng Nai có 2 Quyết định 20 và 21 (ngày 5/4/2010) bị đưa vào danh sách những VB cần phải kiểm tra, xử lý vì có dấu hiệu trái pháp luật. Quyết định 20 quy định “ngược” với khoản 1 Điều 19 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (ngày 13/8/2009).
Theo Nghị định 69, chủ thể được nhận một trong các khoản hỗ trợ như tiền chênh lệch giữa trị giá suất tái định cư tối thiểu, tiền bằng giá trị suất đầu tư hạ tầng… là những hộ gia đình, cá nhân “không nhận” đất ở, nhà ở tại khu tái định cư nếu số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu mà tự lo chỗ ở. Song khoản 4 Điều 4 Quyết định 20 của UBND tỉnh Đồng Nai lại dành các khoản hỗ trợ này cho các hộ gia đình, cá nhân “nhận đất ở, nhà ở tái định cư”.
Lỗi quy định “không đúng thẩm quyền”
Còn Quyết định 21 lại mở rộng thẩm quyền của Sở Tài nguyên & Môi trường không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT (ngày 01/10/2009) khi cho phép Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định những dự án thuộc thẩm quyền của Phòng Tài nguyên & Môi trường.
Ngoài ra, vì ban hành dựa trên Nghị quyết số 158/2009/NQ-HĐND (ngày 10/12/2009) của HĐND tỉnh Đồng Nai về xây dựng trường trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, Quyết định số 66/2010/QĐ-UBND, Đoàn kiểm tra liên ngành nhận thấy, việc HĐND tỉnh Đồng Nai cũng mắc những lỗi quy định phụ cấp “tăng thêm” cho các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là “không đúng thẩm quyền và không có căn cứ pháp lý”.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện khoản 1 Điều 17, 18 Quyết định số 79/2006/QĐ-UBND quy định phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh cũng bị chỉ ra không phù hợp với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (ngày 25/4/2006).
Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND (ngày 12/2/2009) về thu phí đấu giá tài sản đã không phù hợp với Thông tư 96/2006/TT-BTC (ngày 16/10/2006) khi cho phép “không thu phí đối với người có tài sản là quyền sử dụng đất đưa ra bán đấu giá…”, trong khi Thông tư 06 quy định “thu phí đấu giá” đối với người tham gia đấu giá (dù đó chỉ là phí hồ sơ).
Nhưng với công văn đề nghị HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai “nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, khẩn trương tổ chức tự kiểm tra, xử lý các VB có nội dung trái pháp luật” trên, không biết đến khi nào các VB đó mới được xử lý theo quy định của pháp luật. Một phần của tình trạng “phớt lờ” thông báo về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cũng do chế tài trong việc này còn chưa cụ thể, chưa thực sự “túm” được trách nhiệm cá nhân để việc xử lý VB bị “nhắc nhở” được nhanh chóng, kịp thời.
Huy Anh
Phú Thọ: Quy định “cưỡng chế” không có căn cứ pháp lý (?!)
Cùng ngày, ông Sơn cũng cho biết, qua kiểm tra và sau khi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường), một số Vụ của Bộ Tư pháp, Cục KTVB nhận thấy, quy định “cưỡng chế” đối với người đang sử dụng đất cố tình không “chấp hành thông báo kế hoạch khảo sát, đo đạc lập bản trích đo địa chính và kế hoạch kiểm đếm” như điều 28 Quyết định số 1467/2011/QĐ-UBND (ngày 27/4/2011) của UBND tỉnh Phú Thọ “là không có cơ sở pháp lý”.
Điều 28 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1467 quy định, trường hợp mà người đang sử dụng đất trong khu vực dự án cố tình không chấp hành thông báo kế hoạch khảo sát, đo đạc, lập bản trích đo địa chính và kế hoạch kiểm đếm để phục vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ bị “cưỡng chế” là “không có cơ sở pháp lý”. Bởi theo Điều 32 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (ngày 13/8/2009), việc tổ chức cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan cơ thẩm quyền. Bên cạnh đó, hành vi được nêu tại Điều 12 của Quy định trên chưa được quy định là hành vi vi phạm hành chính bị xử lý theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài ra, văn bản này còn được quy định “có hiệu lực sau 3 ngày kể từ ngày ký ban hành là không phù hợp với pháp luật”. Bởi theo Điều 51 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004, văn bản có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Như vậy, về nguyên tắc, Quyết định 1467 được ký ngày 27/4 thì sẽ có hiệu lực từ ngày 7/5 chứ không phải ngày 30/4 như Điều 2 của Quyết định 1467. |