Thay mặt nhóm tác giả, TS. Lê Mai Anh - Trưởng khoa đào tạo Thẩm phán, Chủ nhiệm đề tài - khẳng định việc tổ chức nghiên cứu đề tài này tại Học viện Tư pháp là hết sức cần thiết trong chiến lược chung của Học viện giai đoạn 2010 - 2020. Nội dung đề tài hướng đến ba mục tiêu: Luận giải nhu cầu khách quan của việc xây dựng mô hình đào tạo chung 3 chức danh; Tạo dựng nền tảng cơ bản về lý luận và thực tiễn cho mô hình đào tạo chung ba chức danh dành cho thí sinh tự do; Thuyết trình tính khả thi của việc thực hiện thí điểm mô hình đào tạo chung ba chức danh dành cho thí sinh tự do.
Với ba mục tiêu đó, nhóm tác giả đề tài đã có những nghiên cứu công phu, bám sát thực tế và có được kết quả mang tính khả thi. TS. Hoàng Ngọc Thỉnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Theo ông, nếu đề tài này được công nhận và áp dụng thì sẽ không còn những hạn chế do sự nhỏ lẻ trong đào tạo các chức danh tư pháp mang lại. Với mong muốn đề tài được thí điểm thành công và nhân rộng, ông đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu bổ sung vào đề tài đề xuất đối với Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc tiếp nhận vào công tác đối với học viên tốt nghiệp các khoá đào tạo theo mô hình đào tạo chung. PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đề nghị nhóm tác giả phân tích cụ thể và sâu hơn một số giải pháp trong trường hợp Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa gửi cán bộ về Học viện Tư pháp đào tạo, từ đó đề xuất hướng áp dụng đề tài này trong hoạt động đào tạo tại Học viện Tư pháp trong trường hợp các cơ sở đào tạo khác vẫn tiếp tục đào tạo riêng. LS Nguyễn Huy Thiệp cũng có băn khoăn về hạn chế của việc không tập trung đào tạo các chức danh tư pháp tại một cơ sở. Ông đề nghị nhóm tác giả nêu sự gắn kết đặc thù khi hành nghề 3 chức danh này để từ đó khẳng định mô hình chung sẽ khắc phục được hạn chế của việc không tập trung đào tạo tại một cơ sở. Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu ghi nhận sự cấp thiết và tính ứng dụng cao của đề tài trong giai đoạn hiện nay. Đề tài đã phân tích được vai trò của việc đào tạo chung ba chức danh trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc cải cách tư pháp. Cấu trúc chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo chung ba chức danh tư pháp Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu bổ sung để khắc phục một số hạn chế của đề tài mà các uỷ viên Hội đồng đã nêu, đồng thời bổ sung thêm một số vấn đề: Nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về mô hình đào tạo chung ba chức danh tư pháp; nêu khó khăn vướng mắc trong thực hiện chương trình đào tạo chung; những yếu tố tác động, đề xuất giải pháp đột phá đề xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh, hoàn thiện thể chế về giảng viên.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài “Thí điểm mô hình đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư dành cho thí sinh tự do” với kết quả đánh giá xếp loại xuất sắc.
Thanh Hương