Tọa đàm: “Những khía cạnh pháp lý của hoạt động đấu giá tài sản phục vụ cho mục đích từ thiện”

13/12/2010
Thời gian gần đây, có nhiều phiên đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện không thành công do người trúng đấu giá đã từ chối việc thanh toán cho các vật phẩm đã được đấu giá, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xuất phát từ nguyên nhân đó và nhận định hoạt động đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện là một hoạt động mang tính đặc thù, ngày 10/11/2010, Học viện Tư pháp đã tổ chức buổi tọa đàm: “Những khía cạnh pháp lý của hoạt động đấu giá tài sản phục vụ cho mục đích từ thiện”.

Buổi tọa đàm được tổ chức với mục đích làm rõ các khía cạnh pháp lý của hoạt động đấu giá phục vụ mục đích từ thiện, xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân, từ đó khuyến cáo người tham gia đấu giá, khuyến nghị các ban tổ chức đấu giá áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo trật tự pháp luật. Mặt khác, đây cũng là dịp để tạo diễn đàn cho giảng viên, học viên Học viện Tư pháp trao đổi, gắn công tác đào tạo với các vấn đề xã hội, hiểu rõ thêm trách nhiệm của những người thực thi pháp luật.

Đến dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các thẩm phán, luật sư và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý. Ngoài ra, các đấu giá viên của các Trung tâm đấu giá tài sản của các tỉnh và thành phố như Hải Phòng, Hải Dương và đại diện các công ty tổ chức đấu giá cũng được mời tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề: Làm thế nào để đảm bảo tính pháp lý trong việc tổ chức hoạt động đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện. Các cuộc đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện không thành công cho thấy các quy định pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện đang có nhiều lỗ hổng đòi hỏi phải có những biện pháp chấn chỉnh. Nhiều ý kiến cũng nêu vấn đề về trách nhiệm pháp lý của người thắng cuộc đấu giá khi không thực hiện việc thanh toán tiền mua tài sản. Về vấn đế này, TS. Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, hoạt động đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện thực chất cũng là một hợp đồng mua bán nhưng được thực hiện theo phương thức đặc biệt, người mua được hàng là người đồng ý trả giá cao nhất cho món hàng đó. Theo Bộ luật Dân sự, khi hai bên đã đồng ý mua và bán thì hợp đồng đã được xác lập. Do hợp đồng đã được hình thành, đáp ứng đầy đủ các quy định thì về nguyên tắc bên trúng đấu giá phải thanh toán tiền theo hợp đồng đã giao kết, nếu không thực hiện thì phải bồi thường thiệt hại.

Ghi nhận những ý kiến của các vị đại biểu, buổi tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi, đạt được mục đích của buổi tọa đàm đã đề ra với một số kết quả cụ thể. Ý kiến đa dạng của các đại biểu tập trung đề cập đến nhiều nội dung của khía cạnh pháp lý trong hoạt động bán đấu giá tài sản, từng bước làm rõ các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động bán đấu giá tài sản nói chung và hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện nói riêng. Hoạt động đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện mang nhiều đặc thù. Mặc dù chưa có quy định cụ thể nhưng thực chất đây là hợp đồng mua bán tài sản vì vậy có thể linh hoạt áp dụng các quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại…để xử lý những phát sinh trong và sau khi tổ chức phiên đấu giá. Các đại biểu cũng đồng ý với ý kiến cho rằng nếu các nhà tổ chức phiên đấu giá áp dụng các quy định của pháp luật để xây dựng nội quy, quy định cụ thể và phổ biến trước khi phiên đấu giá diễn ra thì sẽ hạn chế được rủi ro phát sinh và việc xử lý những người vi phạm là hoàn toàn có thể theo quy định của pháp luật. Vấn đề được các đại biểu đặt ra tại buổi toạ đàm là các phiên đấu giá tài sản có mục đích từ thiện sẽ áp dụng quy định của pháp luật như thế nào.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp nêu kinh nghiệm của một số nước trong hoạt động đấu giá tài sản. Theo đó, không có sự phân biệt giữa đấu giá với mục đích từ thiện và đấu giá mang tính thương mại, bất kỳ một cuộc đấu giá nào cũng phải được cấp giấy phép và phải tuân theo các quy định của pháp luật về hoạt động đấu giá. Khi diễn ra hoạt động đấu giá, người tham gia đấu giá bao giờ cũng phải đảm bảo về điều kiện thanh toán. Người đấu giá qua điện thoại thì phải có tài khoản tín dụng và chứng minh được số tiền đảm bảo tham gia. Ở Việt Nam, các quy định về đấu giá hiện nay được thực hiện cơ bản theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản. Tuy nhiên trong Nghị định vẫn còn thiếu các quy định cho từng loại hình hoạt động đấu giá cụ thể. Trong tương lai, bắt buộc phải xây dựng Luật Đấu giá, trong đó có đầy đủ các quy định điều chỉnh hoạt động đấu giá. Bà Minh hi vọng là khi Luật Đấu giá ra đời thì sẽ không còn rủi ro cho những nhà tổ chức đấu giá cũng như những người tham gia đấu giá.

TS. Phan Chí Hiếu cho biết, Ban tổ chức buổi tọa đàm ghi nhận tất cả ý kiến của các đại biểu trong buổi tọa đàm này, đây là cơ sở để Ban tổ chức tổng hợp và báo cáo, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá nói riêng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung.

Thanh Hương