Tại Hội thảo về ứng dụng kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học pháp lý (KHPL) của Bộ Tư pháp do Viện KHPL tổ chức mới đây, một chuyên gia đã không ngần ngại cho rằng, việc gắn kết và ứng dụng chúng vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật còn có nhiều hạn chế.
Chậm trễ và thiếu thực tiễn
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, hoạt động xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đóng góp vào thành công đó phải kể tới vai trò không nhỏ của hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu KHPL. Tuy nhiên, ông Huệ nhận định, việc xây dựng kế hoạch và triển khai nghiên cứu một số đề tài còn chậm trễ khiến cho kết quả nghiên cứu khoa học chưa được sử dụng một cách triệt để vào việc xây dựng VBQPPL. Để khắc phục hạn chế trên, bà Đinh Bích Hà (Viện KHPL) cho biết, Viện đang xúc tiến thành lập Trung tâm dịch vụ nghiên cứu khoa học để xã hội hóa các kết quả nghiên cứu và để các cán bộ có thể sử dụng những kiến thức thu được từ nghiên cứu vào các tình huống cụ thể.
Từ góc nhìn của cán bộ tư pháp địa phương, bà Lê Thị Phương Hoa (Sở Tư pháp Vĩnh Phúc) đánh giá, chưa có sự gắn kết nghiêm túc, hiệu quả giữa việc nghiên cứu khoa học với chuyển giao, sử dụng các kết quả nghiên cứu. Bà Hoa thẳng thắn, ở Trung ương cũng như tại tỉnh nhà thời gian qua, có không ít chính sách mới nghe thấy rất hay, rất ưu việt, song do thiếu tính thực tiễn, không dự tính được nguồn lực và mang tính chủ quan nên còn thiếu tính khả thi. Ví dụ, chính sách nhà ở cho sinh viên, cho người thu nhập thấp, cho công nhân trong các khu công nghiệp của Chính phủ; chính sách đất dịch vụ, chính sách hỗ trợ 108 kg thóc/sào cho người dân bị thu hồi đất của Vĩnh Phúc…
Là biện pháp tăng thu nhập?
Bà Nguyễn Thị Thuận (Trường Đại học Luật Hà Nội) nêu thực tế, sau khi cất công tìm kiếm được sản phẩm khoa học, người quan tâm rơi vào trạng thái thất vọng bởi nhiều nội dung đã lỗi thời, nhiều chuyên đề trong đề tài đã xuất hiện trong các ấn phẩm khác… Điều này làm mất lòng tin, giảm nhiệt huyết của người quan tâm
Còn theo bà Hoa, đang còn phổ biến tình trạng coi việc nghiên cứu khoa học như một cách thức, biện pháp để tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Vì vậy, trong không ít đề tài, phần đánh giá thực trạng được “copy” gần như nguyên bản các báo cáo tổng kết; phần giải pháp, đề xuất, kiến nghị được nhặt nhạnh từ các thông tin trên mạng hoặc được cóp nhặt từ những đề tài khác.
Cẩm Vân