Hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi: Sẽ công khai, minh bạch tài chính

10/08/2010
Là một trong những nội dung được bàn luận tại Hội thảo tham vấn xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi (NCN) do Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã tổ chức trong 2 ngày 4 - 5/8/2010 dưới sự hỗ trợ của UNICEF.

Lệ phí đăng ký - sẽ tăng vài lần

Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, một điểm mới đáng lưu ý của Luật NCN là Luật đã yêu cầu phải công khai, minh bạch tài chính, tiền bạc liên quan đến quá trình giải quyết việc NCN. Người Việt Nam và người nước ngoài đều phải nộp lệ phí đăng ký NCN tại cơ quan có thẩm quyền do Chính phủ quy định. Riêng người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi Việt Nam sẽ phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết NCN nước ngoài.

Phó cục trưởng Nguyễn Công Khanh nhận định, mức lệ phí đăng ký NCN hiện hành đã quá lạc hậu với 20 nghìn đồng/ trường hợp con nuôi trong nước (thực chất chỉ là lệ phí đăng ký hộ tịch) và 2 triệu đồng/ trường hợp con nuôi nước ngoài. Vì vậy, rất cần thiết phải tăng và dự kiến sẽ tăng nhiều lần so với mức lệ phí đăng ký hiện nay. Bên cạnh đó, ông Khanh cho biết thêm, nhóm soạn thảo Nghị định của Cục đang băn khoăn về cơ quan thu lệ phí, chi phí giải quyết NCN nước ngoài giữa 3 phương án là UBND cấp tỉnh hay tập trung ở Bộ Tư pháp hay phân cấp Bộ và Sở Tư pháp cùng thu.

Đa số các ý kiến tán thành chủ trương tăng lệ phí đăng ký. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình Trương Quang Thêm đề nghị, mức tăng ra sao thì phải tính toán trên cơ sở khoa học. “Mặt bằng chi phí giải quyết NCN nước ngoài nên ngang bằng với các nước trong khu vực, tránh thấp quá bị người ta cho rằng mình cạnh tranh, còn cao quá thì không ai dám vào”, ông Thêm phân tích. Về cơ quan thu lệ phí, chi phí, ông Bình mong muốn thu tập trung tại Bộ Tư pháp vì “Sở Tư pháp nhiều việc lắm rồi, những 35 đầu việc. Hơn nữa Sở mà thu, lúc nộp ngân sách yêu cầu được trích lại thường bị HĐND từ chối, coi đấy là công việc hàng ngày phải làm”.

Theo ông Trần Anh Tuấn (Bộ Tài chính), Nghị định chỉ nên quy định mức thu chung, mức thu cụ thể “để dành” cho Thông tư liên tịch hướng dẫn. Mức thu chung này cũng không được quá cứng nhắc mà có thể thiết kế thêm điều khoản miễn giảm trong một số trường hợp cần khuyến khích, động viên. Ông Tuấn bình luận: “Để UBND cấp tỉnh thu sẽ không đúng Luật, cơ quan nào quản lý nhà nước về lĩnh vực này thì là cơ quan thu. Nhưng nếu để cả 2 cơ quan là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp cùng thu, nước ngoài nhìn vào sẽ bảo ta không chuyên nghiệp. Phương án thống nhất Bộ Tư pháp thu rồi phân bổ cho các địa phương là hợp lý nhất”.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Tư pháp) Phạm Văn Trọng, chi phí giải quyết NCN nước ngoài cho phép linh hoạt sẽ tạo ra tâm lý “ghen tỵ” lẫn nhau. “Để vươn tới công bằng, cho dù chỉ tương đối, nên có điều tra, đánh giá, khảo sát nhằm đưa ra một khung chi phí chấp nhận được. Như vậy, vừa tránh sự tùy tiện vừa dễ quản lý hơn”, ông Trọng lý giải.

Cho trẻ đi làm con nuôi là hết quyền?

Theo quy định của Luật, việc cho trẻ đi làm con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của trẻ. Trường hợp cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không xác định được cha mẹ đẻ, chỉ cần ý kiến của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó về việc cho trẻ em làm con nuôi. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã tiến hành lấy ý kiến được và phải lập thành văn bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến. Trường hợp NCN nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm lấy ý kiến và trong trường hợp cần thiết thì Sở đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh.

Có ý kiến cho rằng, để thực sự đảm bảo nguyên tắc “chỉ cho làm con người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước” nên chăng cần có thêm quy định tại lễ bàn giao trẻ sẽ hỏi ý kiến cha mẹ đẻ một lần nữa. Tuy nhiên, chuyên gia Philippines - bà Luwalhati Pablo khẳng định, quy định như thế là bất công với cha mẹ nuôi người nước ngoài đã lặn lội đường xa tới Việt Nam nhận trẻ. Theo kinh nghiệm của Philippines và Luật NCN Việt Nam cũng đã quy định, trẻ được làm con nuôi khi có đủ điều kiện. Vì vậy, Việt Nam có thể quy định theo hướng cho cha mẹ đẻ suy nghĩ lại trong vòng 3 tháng sau khi quyết định cho con nuôi. Ông Bình cũng nhấn mạnh: “Anh có quyền, nghĩa vụ với con mình nhưng từ bỏ cho xã hội, cho Nhà nước rồi thì không có quyền thể hiện ý chí đồng ý hay không của mình. Nếu ta tiếp tục duy trì quy trình hiện nay là toàn bộ Luật vô giá trị”.

Việc xác minh nguồn gốc của trẻ bị bỏ rơi thông thường bao giờ cũng được lập biên bản và có xác minh của công an cấp xã. Nhưng trường hợp NCN nước ngoài thì Luật lại quy định công an cấp tỉnh xác minh khiến ông Thêm rất băn khoăn. “Nếu công an cấp xã làm đúng rồi, PA35 (thuộc công an tỉnh) vẫn vào và xác minh không khác gì cấp xã thì kết quả của công an xã bị phủ quyết sao? Hơn nữa, để PA35 làm rất mất thời gian, không đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng của dân”, ông Thêm nói.

Hoàng Thư