Báo cáo về công tác 6 tháng vừa qua, Phó Tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến cho biết, Báo đã đẩy mạnh việc đổi mới về nội dung và hình thức của các ấn phẩm từ báo ngày, số chủ nhật đến chuyên đề Doanh nhân và pháp luật. Đặc biệt, từ ngày 20/5/2010, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử đã hòa mạng internet. Sau khi lấy ý kiến của bạn đọc về phiên bản thử nghiệm, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử đã công bố bản chính thức vào ngày 2/7/2010 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số đầu tiên của Báo.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác phát hành ấn phẩm có nhiều bước đột phát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế báo chí. Bên cạnh tổ chức phát hành đến các tổ chức hành nghề luật sư và tiếp tục chương trình “Báo Pháp luật Việt Nam đến vùng sâu, vùng xa”, Báo đã mở rộng bán lẻ được hơn 4.000 tờ/kỳ tại Hà Nội và khu vực phụ cận.
Ngoài ra, Báo liên tục thực hiện các hoạt động xã hội và xây dựng hình ảnh, thương hiệu qua việc tổ chức thành công các sự kiện, chương trình như Bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm”, thi viết “Gương sáng Tư pháp”, Hội thảo về cải cách thủ tục hành chính tại Hải Phòng... Báo còn trao quà và nhà tình nghĩa cho một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Trị.
Tuy nhiên, thời gian tới, Phó Tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến cũng nhắc nhở, Báo cần khắc phục một số điểm như đưa thông tin kịp thời hơn, chấn chỉnh kỷ luật làm việc…
Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Nguyễn Văn Tuân cho rằng, Báo Pháp luật Việt Nam đã ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, đội ngũ phóng viên ngày càng trưởng thành lớn mạnh. Với tư cách một độc giả, ông Tuân nhận thấy nội dung của Báo phong phú hơn và qua báo cáo có nhiều điểm đáng ghi nhận trong hoạt động của Báo là đạt 65% kế hoạch kinh doanh của cả năm, phát hành ra sạp bán lẻ… Tuy nhiên, báo cáo chưa thể hiện được nhiều việc mà Báo đã làm và phương hướng trong thời gian tới nên đặt ra vấn đề phối hợp công tác với các đơn vị trong Bộ. Đồng thời đề xuất Bộ trưởng khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 25 năm vừa qua.
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Lưu Bình Nhưỡng nhận xét, thời gian gần đây, Báo đã cải tiến rất mạnh về cách trình bày ấn phẩm, nội dung tin bài. “Chúng tôi sẽ thường xuyên gắn bó, đón đọc Báo, việc làm này có lợi cho cả 2 bên. Chúng tôi ủng hộ cho Báo một phần về tinh thần, vật chất, giúp cho Báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị truyền tải thông tin của ngành. Còn về phía chúng tôi, những thông tin đăng tải trên Báo chính là một cách rất tốt để cán bộ, công chức trong ngành được trang bị kiến thức pháp luật”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh, những hoạt động trong 6 tháng vừa qua của Báo đúng là mang tính xã hội cao, truyền tải được những thông tin pháp luật thiết thực. Ông cũng đồng ý với ông Tuân là Báo nên có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị liên quan thuộc Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ chung của cả 2 phía.
Là công chức của Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật lại từng cộng tác nhiều năm với Báo, ông Uông Ngọc Thuẩn khẳng định luôn coi Báo như anh em một nhà. Ông phân tích, cùng với sự nhạy bén, trí tuệ của đội ngũ phóng viên, Báo cần phát triển mạng lưới cộng tác viên để thông tin đa dạng hơn. Vì vậy, sắp tới ông mong muốn Báo sớm xây dựng cơ chế thu hút sự hợp tác tích cực của đội ngũ cộng tác viên.
Phó Tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu là vô cùng quý báu để Báo có thể đưa ra phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm một cách rõ ràng hơn. Cuối cùng, Hội nghị cũng nhất trí đề cử Phó Tổng biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ III sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay.
Cẩm Vân