Hợp nhất và pháp điển hóa quy phạm pháp luật: Thống nhất, đơn giản và dễ tiếp cận

26/06/2010
Trong 2 ngày 23 - 24/6/2010, phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã tổ chức hội thảo góp ý về 2 dự thảo Pháp lệnh pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) và Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL.

Tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Dự thảo Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL của Việt Nam quy định, mục đích của việc hợp nhất văn bản QPPL là nhằm góp phần tăng cường tính thống nhất, tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống văn bản QPPL, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu và thực thi văn bản QPPL. Còn theo bà Elisabeth Catta - Ủy ban Pháp điển hóa tối cao của Cộng hòa Pháp, việc hợp nhất có rất nhiều lợi ích như làm cho hệ thống văn bản pháp luật dễ tiếp cận và dễ hiểu; hình thành các văn bản chứa đựng tất cả các nội dung sửa đổi, bổ sung được cập nhật nhằm tránh sai sót khi thi hành, tranh chấp; tạo điều kiện phổ biến và nắm vững quy định pháp luật trong nước và quốc tế. Vì vậy, mục đích cuối cùng của việc hợp nhất là giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, trước mắt việc hợp nhất sẽ chỉ tiến hành đối với các văn bản do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo những nguyên tắc nhất định, trong đó quan trọng hơn cả là không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của các quy định trong văn bản được hợp nhất. Cũng theo bà Thoa, dự kiến văn bản hợp nhất được áp dụng trong thực tiễn. Trường hợp nội dung văn bản hợp nhất khác với văn bản được hợp nhất thì áp dụng văn bản được hợp nhất.

Tuy nhiên, theo bà Beatrice Blein (Cục Thông tin pháp luật và hành chính, Ban Tổng thư ký Chính phủ, Cộng hòa Pháp), kinh nghiệm của nhiều nước, là không hợp nhất tất cả các văn bản đăng trên Công báo bởi sự đa dạng của các loại văn bản như văn bản quốc tế, ý kiến, quyết định, văn bản bổ nhiệm. Chẳng hạn như ở Pháp sẽ phân định các văn bản, nếu văn bản nào không sửa đổi, bổ sung thì sẽ đưa vào lưu trữ, còn những văn bản có sửa đổi bổ sung được dành cho các cơ quan ban hành văn bản. Đặc biệt, công tác hợp nhất tại Pháp được thực hiện trên một hệ thống tin học cho phép tích hợp các nội dung sửa đổi, bổ sung vào văn bản gốc. Đây là cách làm hay mà Việt Nam có thể áp dụng!

Có được soạn thảo lại các quy định giống nhau?

Theo dự thảo Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, việc pháp điển sẽ giúp cho việc tra cứu, áp dụng, thi hành pháp luật được thuận lợi do thông qua pháp điển hóa, hệ thống QPPL được tổ chức lại thành các chủ đề pháp luật. Nhưng ông Mattias Guyomar, Tham Chính viện Cộng hòa Pháp lại nhấn mạnh 2 lý do của việc pháp điển hóa. Đó là để đấu tranh chống lại hiện tượng lợi dụng sự rườm rà của pháp luật và để hợp lý hóa pháp luật.

Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long, dự thảo Pháp lệnh pháp điển của Việt Nam quy định, trường hợp phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn của các QPPL thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện pháp điển chỉ được đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản trong pháp điển hóa của nhiều nước châu Âu cho phép xóa bỏ các quy phạm đã được pháp điển hóa và soạn lại các quy định giống nhau, đồng thời được bãi bỏ các quy phạm hết hiệu lực hay không còn phù hợp cũng như xác nhận bộ pháp điển có hiệu lực bắt buộc và thay thế các văn bản đã được pháp điển hóa.

Cẩm Vân