Thực tiễn cuộc sống cũng như những yêu cầu mới của pháp luật trong những năm gần đây cho thấy, quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa ngày càng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời góp phần phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan, tổ chức, phục vụ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, thống kê tư pháp.
Đáp ứng nhu cầu đó, Luật Lý lịch tư pháp đã được thông qua ngày 17/6/2009 tại kỳ họp của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII. Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Để đưa Luât Lý lịch tư pháp vào cuộc sống, một trong những yêu cầu đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lý lịch tư pháp vững chuyên môn để đảm đương tốt công việc. Theo đó, thực hiện kế hoạch đào tạo các chức danh tư pháp năm 2010 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, Học viện Tư pháp đã tiến hành xét tuyển và triệu tập học viên lớp đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp khóa I tại thành phố Hà Nội.
Ngày 21/4/2010, Học viện Tư pháp trang trọng tổ chức Lễ khai giảng lớp học. Đến dự Lễ khai giảng, về phía Bộ Tư pháp có Thứ trưởng Đinh Trung Tụng; Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Trần Thất; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Trần Văn Quảng. Về phía các Bộ, ngành khác có các đại biểu: ông Đỗ Cảnh Thìn – Tổng Biên tập Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an; thượng tá Phạm Văn Cấp – Phó trưởng Phòng Tàng thư, Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Tổng cục cảnh sát; bà Đàm Thị Kim Hạnh – Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Cùng đến tham dự buổi lễ còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan bộ, ngành khác. Về phía Học viện Tư pháp, Ban Giám đốc và các cán bộ, giảng viên cũng đến chung vui cùng các học viên của khóa học.
Thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp, PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Học viện báo cáo tình hình lớp học. Đây là khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp đầu tiên trong cả nước và Học viện Tư pháp vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức lớp đào tạo này. Học viện Tư pháp đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc tổ chức lớp.
Về chương trình giảng dạy, với thời gian đào tạo là 02 tháng, các học viên được trang bị những vấn đề chung về lý lịch tư pháp; kiến thức về kỹ năng của cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp; đạo đức nghề nghiệp trong nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Ngoài ra, học viên còn được trang bị những hiểu biết cơ bản về hệ thống tổ chức, quản lý, lập và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua các buổi đi thực tế tại Sở Tư pháp, Cục quản lý hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát. Cơ cấu chương trình được chia thành 3 phần: Phần chung, phần kỹ năng và phần kiến thức bổ trợ.
Về đội ngũ giảng viên, cùng tham gia giảng dạy với đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện còn có các giảng viên kiêm nhiệm đến từ Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Cục Quản lý hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Học viện Cảnh sát, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương.... Đây là những giảng viên nhiệt tình, có bề dày công tác, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn về công tác lý lịch tư pháp. Để chuẩn hóa phương pháp giảng dạy đối với khóa đào tạo mới này, Học viện Tư pháp đã tổ chức tập huấn phương pháp giảng dạy nghiệp vụ lý lịch tư pháp cho đội ngũ giảng viên vào ngày 11/4/2010 với hình thức gọn nhẹ, hiệu quả. Nội dung tập huấn tập trung vào việc giới thiệu các phương pháp đào tạo; các quy chế đào tạo, quản lý, đánh giá học viên; thống nhất giới hạn kiến thức trong mỗi bài học và thực hiện song giảng mẫu bài học tình huống tại hội nghị. Qua buổi tập huấn các giảng viên đã nhất trí cao về các phương pháp giảng dạy và các nội dung khác của hội nghị.
Học viện Tư pháp đã hoàn tất việc biên soạn và tổ chức nghiệm thu Tập bài giảng Lý lịch tư pháp với 21 bài gồm 5 bài chuyên đề chung, 3 bài chuyên đề bổ trợ và 13 bài kỹ năng nghiệp vụ lý lịch tư pháp theo đúng kết cấu và nội dung chương trình đào tạo đã được phê duyệt. Tham gia biên soạn Tập bài giảng là đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp đang công tác tại Cục Quản lý hồ sơ nghiệp vụ của Bộ Công an, giảng viên lâu năm, giàu kinh nghiệm của Học viện Cảnh sát và các cán bộ thuộc Vụ Hành chính tư pháp. Song song với việc biên soạn Tập bài giảng, việc xây dựng bộ phiếu kỹ thuật và hướng dẫn giảng dạy cho từng bài cũng đã được hoàn tất. Học viện Tư pháp cũng đã hoàn thành việc biên tập Hồ sơ tình huống sử dụng cho lớp đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Những hồ sơ này được khai thác từ các Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương. Hiện nay, Học viện Tư pháp cũng đang khẩn trương thực hiện việc nhân bản tài liệu giảng dạy và học tập phục vụ lớp học.
Phát biểu chỉ đao tại Lễ khai giảng, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng biểu dương Học viện Tư pháp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan để chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Thời hạn Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực đang đến gần, đây là đạo luật góp phần thắng lợi cho công cuộc cải cách tư pháp. Chính phủ đã tin tưởng giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp, đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ này, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp là một việc quan trọng. Lãnh đạo Bộ chia sẻ những khó khăn mà Học viện Tư pháp gặp phải khi tổ chức khóa học đầu tiên này. Vượt lên những khó khăn đó, Thứ trưởng mong rằng cả thầy và trò cùng nhau khắc phục để lớp học đạt được kết quả tốt. Thứ trưởng cũng chúc mừng các học viên được tham dự khóa học đầu tiên vì đây là một vinh dự nghề nghiệp. Các học viên của khóa đầu tiên sẽ là những hạt nhân nòng cốt cho đội ngũ cán bộ lý lịch tư pháp.
TS. Phan Chí Hiếu - Q. Giám đốc Học viện Tư pháp thay mặt lãnh đạo Học viện quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Đồng chí cảm ơn lãnh đạo Bộ Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc chuẩn bị tổ chức lớp học, cảm ơn các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ Học viện Tư pháp trong thời gian qua. Nhân dịp này, đồng chí cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Tư pháp, của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan hữu quan để khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp đầu tiên thành công tốt đẹp và Học viện Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo các chức danh tư pháp nói chung.
Thanh Ngân