Ngày 24/12/2009, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức Hội nghị tổng kết để đánh giá kết quả đạt được trong năm 2009 trên các mặt công tác và đưa ra định hướng công tác trong năm 2010.
Đến dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong năm 2009, toàn bộ hoạt động của Cục đã được triển khai toàn diện, tương đối kịp tiến độ, đúng kế hoạch và đạt được những kết quả khả quan.
Về công tác xây dựng thể chế: Cục Kiểm tra văn bản đã chính thức bắt tay vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tập trung khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 135. Đến nay, Dự thảo Nghị định đã được Bộ trưởng trình Chính phủ theo đúng tiến độ. Việc quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng có hiệu quả, phát huy được vai trò, vị trí góp phần tiến tới đạt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Về việc triển khai kiểm tra văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến: Cục chủ động tổ chức các cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của văn bản và hướng giải quyết đã đưa công tác kiểm tra, xử lý đi vào nề nếp hơn có hiệu quả rõ rệt. Hầu hết các cơ quan ban hành văn bản (có dấu hiệu trái pháp luật) tiếp thu ý kiến của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đã tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo đúng yêu cầu, quy định của pháp luật.
Cùng với việc thực hiện kiểm tra văn bản do cơ quan ban hành văn bản gửi đến, Cục đã giúp Lãnh đạo Bộ chủ trì tổ chức Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL, đồng thời, cử Lãnh đạo và chuyên viên của Cục tham gia Đoàn Kiểm tra. Phương thức kiểm tra này giúp Đoàn Công tác và địa phương trao đổi trực tiếp, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức triển khai nhiệm vụ cũng như đôn đốc thực hiện công tác này tốt nhất tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo và những người trực tiếp làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Đồng thời, qua kiểm tra theo địa bàn, Đoàn Công tác cũng nắm được tình hình thực tế triển khai công tác này tại các địa phương, tập hợp các kiến nghị, đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây là phương thức kiểm tra mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực và được các địa bàn (nơi Đoàn đến kiểm tra) rất ủng hộ, hoan nghênh.
Cục cũng đã triển khai kiểm tra và kiến nghị xử lý nhiều văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật theo các nguồn thông tin. Trên cơ sở số văn bản tiếp nhận, Cục đã phân loại và giao kiểm tra 1.908 văn bản (trong đó gồm 399 văn bản cấp Bộ và 1.509 văn bản của địa phương), đã kiểm tra 1.291 văn bản (293 văn bản cấp bộ chiếm 23% số văn bản đã được kiểm tra và 998 văn bản của địa phương, chiếm 77% số văn bản đã được kiểm tra), kết quả bước đầu phát hiện 433 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 34% số văn bản đã được kiểm tra (trong đó có 77 văn bản cấp bộ: chiếm 18% số văn bản phát hiện sai trái và 356 văn bản của địa phương: chiếm 82% số văn bản phát hiện sai trái) theo các nội dung quy định tại Điều 3 của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP, cụ thể như sau: về căn cứ pháp lý: 114 văn bản; về thể thức và kỹ thuật trình bày: 232 văn bản; về nội dung: có 164 văn bản không phù hợp với văn bản pháp luật cấp trên và có 29 văn bản ban hành sai thẩm quyền. Hiệu quả của phương thức kiểm tra này không những góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn giúp giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của xã hội nói chung đối với một số văn bản có dấu hiệu sai trái, củng cố thêm lòng tin của tổ chức và công dân vào nhà nước, vào pháp luật.
Về công tác rà soát, hệ thống hoá: Kết quả nổi bật là đã tổ chức chỉ đạo triển khai bước đầu cho công tác tổng rà soát hệ thống pháp luật bằng việc tham mưu chỉ đạo thí điểm tổng rà soát tại một số Bộ, ngành và địa phương, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, là bước đệm quan trọng cho công tác tổng rà soát hệ thống pháp luật trong phạm vi toàn quốc sau khi chủ trương tổng rà soát hệ thống pháp luật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các kết quả này là một yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả trong công tác soạn thảo, ban hành cũng như kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho việc tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân, có hiệu ứng tốt đối với dư luận xã hội, được cơ quan, tổ chức và công dân tin tưởng, ủng hộ, đây cũng chính là động lực quan trọng đối với những người làm công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Mặt khác, hoạt động của các tổ chức đoàn thể thuộc Cục được triển khai tích cực, có hiệu quả đã tác động tích cực đến tinh thần, tư tưởng của cán bộ, công chức thuộc Cục góp phần vào việc thực hiện và hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác của Cục. Với nhiệm vụ chính trị của mình, mỗi tổ chức đoàn thể đều có các hình thức thi đua khen thưởng phù hợp, khích lệ, động viên thành viên của mình phấn khởi, hăng hái trong công tác, thường xuyên tổ chức các cuộc họp, thực hiện sơ kết, tổng kết hoạt động, giáo dục chính trị tư tưởng, giao nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức mình.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện nhiệm vụ của Cục, vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới như: việc tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản theo địa bàn còn chậm so với kế hoạch và chưa thực hiện hết theo kế hoạch; chưa tổ chức triển khai kiểm tra theo chuyên đề; hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra vẫn còn đang trong quá trình xây dựng nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản; một số nội dung rà soát, hệ thống hóa văn bản theo chuyên đề đôi khi còn chậm, chưa bám sát kế hoạch... Hoạt động của các tổ chức đoàn thể đôi khi chưa chủ động, chưa thực sự sôi nổi, chưa tổ chức được các phong trào độc lập ...
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là do Cục Kiểm tra văn bản phải kiểm tra, xử lý cũng như rà soát một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn, đồng thời, giúp Bộ trưởng quản lý công tác này tại các bộ, ngành và địa phương. Trong khi số lượng công chức của Cục hiện tại còn thiếu nhiều, nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Ngoài ra, việc lập kế hoạch công tác chưa bám sát thực tế nên một số phần việc chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng tiến độ.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được Lãnh đạo Bộ quan tâm xem xét, chỉ đạo, giải quyết. Bên cạnh đó Cục Kiểm tra văn bản cũng đề ra phương hướng công tác năm 2010 tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; Tổ chức bộ máy, biên chế; Công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền; Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản; Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra văn bản.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng ghi nhận và biểu dương những thành quả mà Cục đã đạt được trong năm qua. Bản Báo cáo toàn diện, đầy đủ về các hoạt động của năm 2009 và dự thảo công tác năm 2010 đã được Thứ trưởng đánh giá cao về công tác chuẩn bị. Dù nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng các cán bộ của Cục luôn thể hiện tâm huyết của mình cho công việc, góp phần làm cho hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn và khả thi hơn, không còn những văn bản sai phạm, "làm sạch" hệ thống pháp luật. Thứ trưởng nhất trí với những phương hướng công tác năm 2010 mà Cục đưa ra. Thứ trưởng nhấn mạnh Cục nên có những cuộc kiểm tra theo chuyên đề, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra rà soát các văn bản sao cho hoạt động đó có hiệu quả, tác động vào xã hội khẳng định vị trí trong hoạt động chuyên ngành của Cục. Bên cạnh đó phải ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cục, phối kết hợp với Cục CNTT để thực hiện tốt các phần mềm quản lý, kiểm tra văn bản. Qua cuộc họp Thứ trưởng thay mặt Lãnh đạo Bộ chúc tập thể cán bộ của Cục một năm mới mạnh khỏe, đạt nhiều thành tích trong công tác.
Cục Công nghệ thông tin