Học viện Tư pháp: Tổ chức thành công Hội nghị giảng viên năm 2006.

16/10/2006
Sáng ngày 13/10/2006, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị giảng viên năm 2006. Dự Hội nghị gồm tất cả các Giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và các Giảng viên kiêm nhiệm.

Về dự Hội nghị Giảng viên của Học viện Tư pháp năm 2006 có các đồng chí: Vũ Văn Quý-Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp; Đ/c Nguyễn Thị Hồng Tươi-Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Toà án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, trường đại học và viện nghiên cứu có cán bộ tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp như: Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; Trường Đại học Luật Hà Nội … và các đồng chí Lãnh đạo Học viện Tư pháp. 

 

Hội nghị giảng viên là một hoạt động thường xuyên được Học viện Tư pháp tổ chức để đánh giá hoạt động giảng dạy cũng như ghi nhận công sức đóng góp của đội ngũ giảng viên đối với sự nghiệp đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp. Hội nghị giảng viên năm 2006 diễn ra vào ngày 13/10/2006 còn nhằm mục đích tiếp thu kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của đội ngũ giảng viên về thực hiện chương trình đào tạo; thảo luân phương hướng triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo năm 2007 và những năm tiếp theo.  

 

TS. Phan Hữu Thư, Giám đốc Học viện Tư pháp thay mặt lãnh đạo Học viện báo cáo tình hình và kết quả hoạt động giảng dạy năm 2006; phương hướng triển khai công tác giảng dạy năm 2007. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò và những đóng góp của đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng của Học viện Tư pháp trong những năm qua.  

 

Hiện nay số giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp là 48 người, về cơ bản đều có trình độ thạc sĩ trở lên nhưng để giảng dạy trong một môi trường đào tạo đặc thù như Học viện Tư pháp thì đa số giảng viên cơ hữu còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì bất cập đó, chương trình đào tạo nghiệp vụ phần lớn do giảng viên kiêm chức đảm nhiệm. Hiện nay, có 279 giảng viên kiêm nhiệm thường xuyên và nhiệt tình tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo và bồi dưỡng do Học viện Tư pháp tổ chức. Có thể nói, đội ngũ giảng viên kiêm chức đã có đóng góp rất lớn vào thành quả đào tạo của Học viện Tư pháp trong những năm qua, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển và trưởng thành của Học viện  Tư pháp. 

 

Tại hội nghị, các đại biểu và các giảng viên đưa ra các ý kiến thảo luận nhằm động viên, cổ vũ những điển hình tiên tiến, các sang kiến, cải tiến phương pháp giảng dạy; đồng thời tìm ra những hạn chế cụ thể trong quá trình giảng dạy. 

 

Phân tích những hạn chế của đội ngũ giảng viên trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng một số giảng viên chưa nắm bắt được nguyên lý, yêu cầu đào tạo của Học viện Tư pháp nên bài giảng chưa có tính thuyết phục cao; một số giảng viên giảng dạy dựa trên kinh nghiệm thực tế mà chưa viện dẫn, phân tích được theo pháp luật điều chỉnh; có những trường hợp bất đồng quan điểm giữa các giảng viên vì lý do các văn bản pháp luật quy định chưa rõ, chưa đầy đủ nên có nhiều cách hiểu khác nhau; nghiệp vụ sư phạm của các giảng viên kiêm nhiệm cũng có hạn chế, ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học viên  … 

 

Tổng kết được những hạn chế còn tồn tại như vậy, lãnh đạo Học viện Tư pháp đã đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2007. Phương hướng này dựa trên bốn yếu tố quyết định chất lượng đào tạo: chương trình đào tạo, giảng viên, học viên và các công tác hỗ trợ. 

 

 Trong năm 2007, Học viện Tư pháp sẽ tiến hành rà soát lại đội ngũ giảng viên kiêm chức và quyết định công nhận giảng viên kiêm chức dựa trên cơ sở thống nhất với các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Đoàn Luật sư, Phòng Thi hành án, Phòng Công chứng, từ quyết định công nhận đó để xây dựng chế độ cho giảng viên kiêm chức. Các tổ bộ môn, các khoa tổ chức họp bàn để thống nhất phân công lịch giảng năm 2007, khắc phục những bất cập đã gặp phải trong thời gian qua. Các giảng viên trong các tổ bộ môn, trong các khoa chuyên môn phải thống nhất quan điểm về giáo trình và hồ sơ tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập .  

 

Về phương pháp giảng dạy thì vẫn duy trì phương pháp song giảng nhưng chỉ ở một số bài với mức độ hợp lý. Một vấn đề cũng rất quan trọng là cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc cử giảng viên tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp rất cần sự hợp tác của các cơ quan trong vấn đề này.  

 

Song song với các hoạt động đó Học viện Tư pháp cũng sẽ từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ giảng dạy để hỗ trợ cho công tác đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp. 

 

Kết thúc Hội nghị, Giám đốc Học viện Tư pháp một lần nữa cảm ơn sự có mặt và ghi nhận những đóng góp của các đại biểu và đội ngũ giảng viên. Giám đốc cũng mong rằng các cơ quan liên quan và đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hộ Học viện Tư pháp trong thời gian tới để Học viện Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao