Chúng ta đã và đang chuyển trạng thái sang chủ động tấn công trên cơ sở kết hợp hài hòa với phòng thủ. Hiện nay, “chiến tuyến tấn công” vẫn vững vàng và đang ngày càng được tăng cường, được triển khai bài bản hơn, chặt chẽ hơn.
Trận chiến trước đợt dịch COVID-19 thứ 4 này vô cùng gian nan, bởi tốc độ lây lan mạnh hơn, rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ như dài hơn, ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong mỗi ngày (lên tới 3 con số) với sự xuất hiện của chủng virus biến thể kép.
Dù dịch mạnh hơn, nhưng khác với 3 đợt dịch trước, phản ứng của các cơ quan chức năng trong đợt dịch thứ 4 này dường như bình tĩnh hơn. Có lẽ là vì đã trải qua nhiều đợt dịch với kinh nghiệm chống dịch nhuần nhuyễn hơn.
Chiến sĩ cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ trên đường phố, đã đứng nghiêm, giơ tay chào khi đoàn xe chở cán bộ y tế Quảng Ninh chi viện cho Bắc Giang đi qua.
Sự bình tĩnh cần thiết sẽ giúp đưa ra những quyết sách phù hợp, những “đòn phản công” đúng và trúng. Trên mặt trận y tế, các chiến sĩ áo trắng thay đổi phương thức và tăng cường khả năng truy vết diện rộng, xét nghiệm diện rộng để sàng lọc COVID-19, áp dụng xét nghiệm nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. Quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày và với “cách đánh” xét nghiệm gộp, chúng ta có thể nâng năng lực lên nhiều lần (nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày).
Trên tuyến biên giới, “vành đai chống dịch” được gia cường, làm dày thêm thành lũy chống dịch. Hiện nay, toàn quân kích hoạt hệ thống chống dịch ở mức cao nhất. Các lực lượng thường xuyên duy trì hơn 1.800 tổ chốt, với khoảng 12.000 người, tăng cường phương tiện quan sát, tổ chức kiểm tra, kiểm soát biên giới trên biển, trên bộ. Không chỉ vậy, chúng ta sẽ tăng cường hệ thống camera để có thêm “tai mắt” ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, vốn là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với phòng tuyến chống dịch.
Tất cả dồn cho tiền tuyến. Phát huy tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, các tỉnh, thành phố có kinh nghiệm, có điều kiện tiếp tục chi viện, giúp đỡ các “điểm nóng” chống dịch… Cuối tuần qua, đoàn xe chở 200 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều trang thiết bị y tế đã lên đường “chi viện” cho Bắc Giang. Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại khoảnh khắc một chiến sĩ cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ trên đường phố, đã đứng nghiêm, giơ tay chào khi đoàn xe chở cán bộ y tế Quảng Ninh chi viện cho Bắc Giang đi qua, đã khiến cộng đồng mạng vô cùng xúc động. Với tinh thần thần tốc, ngay sau khi có mặt tại Bắc Giang, 200 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh đã chia làm 10 tổ công tác làm việc xuyên đêm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 11.000 công nhân… Hà Nội, Hải Dương và nhiều địa phương khác đã và đang tiếp tục chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược vaccine, theo đó chúng ta nỗ lực tiếp cận vaccine nhanh nhất bằng nhiều nguồn lực, sớm nhất có thể tiêm vaccine cho người dân, một trong những vũ khí quan trọng nhất để phòng chống dịch. Chiều 16/5, gần 1,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZenceca qua nguồn COVAX facility được chuyển giao cho Việt Nam. Tính đến ngày 15/5, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 với 977.032 liều cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và bố trí nguồn lực thực hiện.
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, chúng ta phải dựa vào các phòng tuyến quan trọng là ý thức của người dân. Chúng ta đã chuẩn bị cho kịch bản có tới 30.000 ca mắc COVID-19, gấp hàng chục lần con số hiện tại qua cả bốn đợt dịch. Nhưng đó sẽ là tình huống xấu nhất không ai muốn và cố gắng không để xảy ra.
Nên dù hiện tại không phong tỏa diện rộng như những đợt dịch trước, nhưng mỗi người dân giờ đang thực sự bước vào cuộc chiến cam go nhất. Mà nếu để “thất thủ” sẽ không hình dung được hậu quả nguy hại đến mức nào.
Vừa qua, chúng ta liên tục bắt gặp những những hình ảnh nhân viên y tế làm việc quên mình, những chiến sĩ quân hàm xanh “ăn lán ngủ rừng”, dầm mưa nắng để lo sức khỏe cho nhân dân. Trong khi đó, vẫn còn đó những tổ chức, cá nhân chủ quan, phớt lờ những nguyên tắc và quy định của việc phòng chống dịch. Đó là các hoạt động đưa người vượt biên trái phép và cư trú bất hợp pháp; không khai báo y tế rõ ràng, kịp thời khi đi từ vùng dịch, vùng nguy cơ cao trở về; không thực hiện nghiêm theo khuyến cáo 5K, lơ là chủ quan… Điều ấy đã góp phần khiến cho dịch bệnh phát tán, lây lan trong cộng đồng nhanh hơn, mạnh hơn.
Mỗi người dân phải là một “pháo đài” gang thép, mà trong trận chiến “sinh tử” này, mỗi người hãy biết sống yêu thương và trách nhiệm, chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi về chính mình, như đã từng được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử ngàn năm. Mọi sự chủ quan, mất cảnh giác lúc này sẽ phải trả giá không chỉ kéo lùi cơ hội phát triển kinh tế-xã hội… mà còn bằng cả tính mạng con người. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân mình, với cộng đồng là mình đang thể hiện lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm với quốc gia- dân tộc./.
https://moh.gov.vn