PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các cơ sở y tế cần sẵn sàng chủ động, ứng phó với các tình huống dịch trong tình huống khẩn cấp.
Chiều ngày 11/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp giữa Bộ Y tế với các Sở y tế, các bệnh viện trung ương và địa phương ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 kiêm Trưởng tiểu ban điều trị chủ trì hội nghị. Hội nghị kết nối với 700 điểm cầu trên 63 tỉnh thành trên cả nước.
Chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tiến công
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 2 tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 3507 ca, điều trị khỏi 2618 ca, đang điều trị 850 ca. Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã có khoảng 500 ca, chỉ trong 15 ngày, tốc độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, xuất hiện các ca bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và BV K Tân Triều. Dịch bệnh đã tấn công vào “thành trì” cuối cùng của chúng ta và lan rộng ra nhiều tỉnh thành.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước tình thế đó chúng ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tiến công. “Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không đến với chúng ta”, PGS Nguyễn Trường Sơn nói. Với kịch bản 30.000 ca nhiễm, ngành y tế cần chuẩn bị mọi cấp độ sẵn sàng ứng phó, đặc biệt ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Các Sở y tế xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan Bộ Y tế bên cạnh việc theo dõi, giám sát việc chấp hành công điện của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ Y tế tại các cơ sở, cần đặc biệt xây dựng phương án tổng thể đối phó kịch bản Việt Nam có 30.000 ca; Tiếp tục triển khai đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vắc xin. Ngoài ra, các địa phương cần tập huấn, xây dựng và tổ chức phương án xét nghiệm, ca bệnh nào xét nghiệm gộp mẫu, trường hợp nào xét nghiệm test nhanh… Hướng dẫn các địa phương đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chống dịch.
PGS TS Nguyễn Trường Sơn lưu ý với các Sở y tế, cần xây dựng các phương án ứng phó như trong trường hợp không có dịch, có ca lẻ tẻ, hoặc dịch lan rộng. Tuy nhiên chống dịch không được cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Về việc chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến, các sở y tế nên chủ động đề xuất với địa phương, sẵn sàng nhân lực trang thiết bị, thuốc theo tinh thần 4 tại chỗ.
Tại các bệnh viện, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo, cần thực hiện nghiêm công tác sàng lọc, phân loại bệnh nhân, giãn cách tại các bệnh viện…. .
Kiên quyết tạm dừng hoạt động các bệnh viện không an toàn
Phát biểu tại hội nghị, Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, có thể còn có ca dương tính trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Nên cần siết chặt công tác đảm bảo lây nhiễm trong bệnh viện.
Ông Khoa cho biết bệnh viện là nơi có khả năng lây nhiễm cao, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân và người nhà đến từ nhiều tỉnh thành, việc phân luồng sàng lọc bệnh nhân đến khám vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, có khoảng 80% ca COVID-19 không có triệu chứng nên khả năng lọt các trường hợp nghi nhiễm rất dễ xảy ra. ….
Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa đề nghị, các cơ sở y tế bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng kiểm soát lây nhiễm của Bộ Y tế, cần chọn 1 đơn vị cơ sở khám chữa bệnh tập trung điều trị COVID-19 khi dịch bùng phát… Điều này sẽ giúp các địa phương vừa tiết kiệm nhân lực và các nguồn lực khác để ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn hướng dẫn, kiểm tra giám sát các bệnh viện, đặc biệt những bệnh viện có nguy cơ cao như bệnh viện phổi, sản, nhi… Địa phương cần kiên quyết tạm dừng hoạt động các bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế phải chủ động thực hiện nghiêm xét nghiệm định kỳ đối với những bệnh nhân, người nhà thường xuyên ra vào bệnh viện, trong đó cần quan tâm đến vấn đề sàng lọc. Chỉ chuyển tuyến với bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Kinh nghiệm tại BV K cho thấy, chính nhờ xét nghiệm định kỳ mà bệnh viện đã phát hiện ra một số ca COVID-19, đây là bài học cho thấy xét nghiệm định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ.
Các cơ sở y tế cần chú ý tới vấn đề giãn cách trong bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo. Tại khu cấp cứu, cần bố trí vùng đệm, cách ly tạm thời để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS C0V-2. Bộ Y tế cho hay, qua kiểm tra vùng đệm trong khu cấp cứu nhiều bệnh viện chưa làm tốt, Ths Khoa cho biết.
Hải Yến
https://ncov.moh.gov.vn