Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp với diễn biến tình hình để bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân và vì sự phát triển lâu dài của TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch và cả nước dành những gì tốt nhất cho Thành phố chống dịch.
Sau khi Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm đặc biệt tới TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam về phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh, ngay từ khi dịch chưa bùng phát tại khu vực này.
Kể từ khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên cho đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia luôn quan tâm, bám sát tình hình dịch bệnh và thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ Thành phố.
Quan tâm ngay từ khi dịch chưa bùng phát
Ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hoạt động đầu tiên tại các địa phương trên cương vị mới, khi ông đích thân đi động viên lực lượng tuyến đầu, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, một số bộ ngành Trung ương và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới Tây Nam.
Ở thời điểm đó, đợt dịch thứ tư đã bùng phát tại Việt Nam và đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, song ở phía Nam, tình hình vẫn tương đối yên ổn. Mặc dù vậy, Người đứng đầu Chính phủ vẫn yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ các nước láng giềng.
Tới ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM. Đây cũng là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với các địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. Ở thời điểm đó, Thành phố mới chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam. Song, Thủ tướng vẫn yêu cầu Thành phố phải đi đầu trong thực hiện mục tiêu kép, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh, đồng thời quan tâm những người yếu thế, những đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngay sau đó, Thủ tướng tiếp tục có các cuộc làm việc tại các tỉnh phía Nam như Cần Thơ, Trà Vinh, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng chống dịch, động viên các lực lượng tuyến đầu và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện mục tiêu kép. Tại các hội nghị toàn quốc về phòng chống dịch, trong mối quan tâm chung tới cả nước, Thủ tướng cũng luôn dành sự quan tâm hơn cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, trong đó có TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát tại phía Nam, trong hai ngày 26-27/6, Thủ tướng tiếp tục vào kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và tổ chức họp trực tuyến với 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tới thăm, làm việc, động viên một số địa điểm cách ly, cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine và các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép tại các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Ngày 4/7, từ trụ sở Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương này. Ngày 8/7, giữa kỳ họp Trung ương 3, Thủ tướng triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với riêng TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, sau khi Thành phố đề xuất và Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn từ 0h ngày 9/7. Đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết vào lúc này để có điều kiện giúp TP Hồ Chí Minh dập dịch dứt điểm.
Dồn sức, ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh
Có thể khẳng định, cùng với Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Lý do không chỉ vì những nguy cơ, diễn biến dịch bệnh phức tạp tại đây mà còn vì vị trí, vai trò đặc biệt của Thành phố này – một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước.
Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo chung công tác phòng chống dịch, Thủ tướng còn giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại TPHCM. Trong những ngày này, cả hai Phó Thủ tướng cùng phối hợp với lãnh đạo Thành phố trong chỉ đạo công tác chống dịch tại Thành phố, cụ thể là thực hiện Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng dành thời gian trực tiếp chỉ đạo công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với việc Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, bảo đảm thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tế và với tinh thần ưu tiên, đáp ứng tối đa yêu cầu của Thành phố về các nguồn lực cho phòng, chống dịch, về vaccine tiêm cho người dân. Như cam kết của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, về thiết bị, Bộ sẽ nỗ lực cao nhất để cung cấp cho Thành phố nhanh nhất có thể, về con người, “Thành phố thiếu bao nhiêu, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”.
“Những vấn đề kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp. Những vấn đề tầm chiến lược, chiến dịch, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày nào cũng gọi điện cho lãnh đạo Thành phố, “bất kể sáng, trưa, tối” để thăm hỏi tình hình, động viên, chia sẻ và chỉ đạo các giải pháp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ về sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Thành phố những ngày qua.
Quyết định khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp
Mặc dù trong nửa đầu năm, chúng ta về cơ bản đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, nhưng Thủ tướng đã xác định thời gian tới, khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn nhiều so với thuận lợi và thời cơ. Theo Thủ tướng, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, sớm ổn định tình hình. Trong bối cảnh dịch bệnh phía Bắc đã cơ bản được đẩy lùi, cần tập trung cao độ, dồn tổng lực chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này, chúng ta mới thực hiện Chỉ thị 16 với toàn bộ TP Hồ Chí Minh? Đây cũng là vấn đề được Thường vụ Thành ủy và Thường trực Chính phủ cân nhắc thận trọng trước khi quyết định.
Để trả lời câu hỏi này, phải nhìn nhận việc thực hiện mục tiêu kép tại TP Hồ Chí Minh cần hết sức linh hoạt, cân nhắc kỹ khi nào ưu tiên chống dịch, khi nào thực hiện phát triển kinh tế và khi nào thực hiện đồng thời vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch. Với TP Hồ Chí Minh – một đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, việc chỉ đạo chống dịch càng khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước.
Khó khăn, bởi TP Hồ Chí Minh là trung tâm giao thương rất lớn, với những đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư… rất đặc thù và mối liên hệ chặt chẽ về mọi mặt với các địa phương lân cận. Như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần cho Thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.
TP Hồ Chí Minh luôn có ảnh hưởng rất lớn tới cả vùng và cả nước. Là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt tại Thành phố có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên. Vào thời điểm này, chống dịch tại TP là ưu tiên số 1, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng nhất, là trước hết và trên hết.
Tất cả vì sự phát triển của Thành phố, vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Thành phố, các bộ, ngành Trung ương đã chủ động phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, với sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và đã đạt được một số kết quả bước đầu, tiếp tục thực hiện khá hiệu quả mục tiêu kép. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó kiểm soát và đang lây lan ra các địa phương.
Tình hình đặc biệt đòi hỏi có giải pháp đột phá phù hợp; hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình. Trong lúc này, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết, đây là quan điểm xuyên xuốt, không thay đổi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và cả nước sẽ luôn sát cánh hằng ngày với Thành phố, ưu tiên cao nhất, dành những gì tốt nhất cho Thành phố chống dịch. Đã nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, đúng hướng, hiệu quả hơn.
“Tất cả vì TP Hồ Chí Minh”, với mục tiêu quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất, chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh COVID-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh sáng ngày 8/7 vừa qua.
Mục tiêu cuối cùng là tính mạng, sức khỏe, ấm no, hạnh phúc của nhân dân./.
Hà Văn
baochinhphu.vn