Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại

14/10/2009
Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại
Hôm qua (ngày 13/10), Hội nghị triển khai công tác thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.HCM đã được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua.

Đầu năm 2010, chế định Thừa phát lại sẽ được thí điểm triển khai tại 5 quận của TP.HCM và 5 Văn phòng Thừa phát lại chỉ được phép hoạt động trong phạm vi địa hạt được cấp phép.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại TP.HCM, sẽ có 5 Văn phòng Thừa phát lại được cấp phép thành lập đóng trên các địa bàn quận 1, 5, 8, Tân Bình và Bình Thạnh. Theo giải thích của Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM: Sở dĩ thành phố chọn 5 địa phương này để thí điểm mở Văn phòng Thừa phát lại là do lượng án và việc ở những địa phương này là rất lớn. Bà Hồng cho biết thêm, phạm vi hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại sẽ không giống Văn phòng công chứng mà bị giới hạn theo địa hạt (chỉ được tác nghiệp trong phạm vi quận mà văn phòng trú đóng). Mặc dù trong giai đoạn thí điểm chỉ có 5 văn phòng được cấp phép nhưng đến nay đã có vài chục người (hơn 30 người) đã đăng ký tham gia lớp tập huấn về Thừa phát lại để được xem xét bổ nhiệm.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: việc ra đời chế định Thừa phát lại sẽ tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn trong quá trình thực hiện và giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế và thi hành án. Theo đó, tạo cơ sở và điều kiện để người dân xác lập các chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp tại tòa án cũng như trong việc thực hiện các giao dịch, cam kết dân sự. Thông qua đó, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân bảo đảm hơn. Đối với hoạt động thi hành án dân sự, người dân sẽ có điều kiện lựa chọn phương thức thi hành án thích hợp, hiệu quả nhất; được quyền lựa chọn tổ chức Thừa phát lại hoặc cơ quan Thi hành án dân sự hiện hành thi hành bản án, quyết định của tòa. Thông qua đó, làm cho việc thi hành bản án, quyết định nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền, lợi ích các bên đã được bản án, quyết định ghi nhận. Trong lĩnh vực tòa án và thi hành án, việc tống đạt các văn bản tố tụng có ý nghĩa quan trọng mà nếu giao cho tổ chức Thừa phát lại thực hiện sẽ đáp ứng được những yêu cầu chặt chẽ về hình thức của thủ tục tố tụng cũng như đảm bảo quyền, lợi ích của các bên đương sự.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “mô hình thừa phát lại đã tồn tại ở nhiều nước trên thế giới cũng như đã có mặt ở Sài Gòn trước năm 1975; việc triển khai mô hình này cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo người dân, các tổ chức xã hội,  nên việc thí điểm sẽ thành công”.

Phát biểu chỉ đạo các quận, huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: “Việc hình thành chế định thừa phát lại sẽ “giải phóng” sức lực rất lớn cho công chức Nhà nước. Hàng nghìn vụ tranh chấp trong xây dựng là ảnh hưởng đến công trình liền kề nếu đợi thanh tra xây dựng, Chủ tịch phường đến lập biên bản thì rất lâu bởi mấy ổng cũng “trăm công nghìn việc”. Nay có thừa phát lại làm thay, vừa có giá trị pháp lý, vừa không phải đợi, mà chính quyền cũng bớt việc. Hay những việc tranh chấp trong dân như bảo hiểm tai nạn, thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi trước tòa… sẽ trở thành đơn giản khi có Thừa phát lại”.

Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Đua yêu cầu: không chỉ cấp ủy các quận được chọn làm thí điểm, mà tất cả các quận, huyện còn lại cũng phải nắm vững chủ trương về Thừa phát lại để có những chỉ đạo, hướng dẫn sao cho chế định này phát huy tối đa hiệu quả. Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng của TP.HCM phải quán triệt tư tưởng không ngồi chờ mà phải năng động, gợi mở, hướng dẫn người có đủ điều kiện đăng ký tham gia thừa phát lại. “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm”, ông Đua nói.

Phong Trần