Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kiểm tra công tác tư pháp tỉnh Bắc Giang

14/07/2009
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kiểm tra công tác tư pháp tỉnh Bắc Giang
Ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác đã làm việc với Tư pháp tỉnh Bắc Giang về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009. Theo đánh giá của Bộ trưởng, Tư pháp Bắc Giang đã thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, nâng cao dân trí pháp lý để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa kinh tế và xã hội.

Theo Báo cáo của Sở Tư pháp, thực hiện Kế hoạch công tác năm 2009, trong 6 tháng đầu năm, Tư pháp Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác trọng tâm của ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện công tác kiểm tra văn bản, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, công tác thi hành án dân sự và đặc biệt là tăng cường công tác tư pháp ở cơ sở.

Với vai trò là “người gác cửa” cho UBND tỉnh về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Sở Tư pháp đã giúp HĐND, UBND tỉnh tự kiểm tra 51 VBQPPL ban hành trong năm 2008, phát hiện nhiều văn bản có lỗi trong quá trình xây dựng. Trong đó, Sở Tư pháp đã kiến nghị hủy bỏ 6 văn bản, sửa đổi, bổ sung 3 văn bản. Với việc kiểm tra văn bản được thực hiện kịp thời đã ngăn chặn được nhiều hệ quả không có lợi cho công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn gặp không ít khó khăn do điều kiện người dân còn khó khăn về kinh tế, là địa phương mà dân trí còn thấp, nhiệm vụ đưa pháp luật đến với dân càng nặng nề. Trong thời gian vừa qua, Tư pháp Bắc Giang đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhân dân, thi hòa giải viên giỏi, phát tài liệu tuyên truyền pháp luật đến tận tay người dân, phối hợp với các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội để phổ biến pháp luật cho nhiều đối tượng khác nhau.

Công tác thi hành án dân sự luôn là nhiệm vụ trọng tâm đối với Tư pháp Bắc Giang. Trong 06 tháng đầu năm 2009, các cơ quan thi hành án của tỉnh đã thụ lý hơn 6.100 vụ việc yêu cầu thi hành án. Trong đó, số án tồn từ năm 2008 chuyển sang chiếm 2/3 số việc thụ lý. Tổng số án có điều kiện thi hành là hơn 3.100 vụ, các cơ quan thi hành án đã thi hành được gần 2.400 vụ. Kết quả thi hành án đạt trên 76% là kết quả đáng khích lệ so với kết quả thi hành án của các địa phương khác.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp của Bắc Giang cũng còn gặp nhiều khó khăn riêng. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Tư pháp, việc kiểm tra văn bản của ngành còn chưa “đầu xuôi, đuôi lọt” do sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan soạn thảo văn bản. Khi Sở Tư pháp đề nghị cung cấp văn bản quy phạm đang xây dựng để tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật thì lời “đề nghị” lại không được cơ quan soạn thảo phúc đáp kịp thời hoặc chỉ được làm chiếu lệ. Vì thế, trong năm 2008, có đến 17/44 văn bản quy phạm được ban hành nhưng không được gửi đến Sở Tư pháp để thẩm định trước khi ban hành.

Do sự đánh giá chưa đúng về vai trò kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp nên không chỉ việc phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm định chưa tốt mà kinh phí dành cho công tác kiểm tra văn bản cũng chưa được quan tâm thỏa đáng.

Phát biểu trong buổi làm việc với ngành Tư pháp Bắc Giang, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, trong thời gian vừa qua, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang có nhiều khởi sắc. Công tác tư pháp và thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2009 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Trên nhiều mặt công tác, Tư pháp Bắc Giang đã triển khai tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Bắc Giang cũng là một trong các địa phương mà công tác tư pháp còn gặp khó khăn, chưa đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra văn bản, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ trọng tâm của ngành được thực hiện tốt nhưng công tác quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp còn mờ nhạt. Đây là thực trạng chung của các địa phương và Tư pháp Bắc Giang cũng chưa có đột phát trong các công tác này. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp vốn gắn liền đời sống và nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, là điều kiện quan trọng để phát triển xã hội. Vì thế, trong thời gian tới, ngành Tư pháp Bắc Giang cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ này.

Xuân Bính