Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ và Vụ Thi đua - Khen thưởng

10/06/2009
Ngày 8/6/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/huyennt/QUYET+DINH/&file=QD+Van+phong+Bo+(ban+ky).doc" 1237/QĐ-BTP/a và a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/huyennt/QUYET+DINH/&file=Quy+che+Vu+Thi+Dua+08-6-09.doc" 1238/QĐ-BTP/a quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ và Vụ Thi đua - Khen thưởng

1. Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Chức năng của Văn phòng được xây dựng căn cứ vào Nghị định số 178/2007/QĐ-BTP ngày 3/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Quy chế làm việc của Bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 880/QĐ-BTP ngày 28/4/2009), cụ thể như sau:

“Văn phòng Bộ (sau đây gọi là Văn phòng) là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ; tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ; tổ chức thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ; quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, kinh phí hoạt động, bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ chung cho hoạt động của Bộ và công tác quản trị nội bộ”.

Trên cơ sở cụ thể hoá chức năng được quy định tại Điều 1, căn cứ các quy chế, quy định chế độ làm việc của Bộ Tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Điều 2 của Quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng. Theo đó, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn chung như các đơn vị khác thuộc Bộ, các nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù trong lĩnh vực công tác văn phòng đặc thù bao gồm:

- Xây dựng, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ;

- Giúp Lãnh đạo Bộ điều hành và quản lý các hoạt động của Bộ;

- Công tác hành chính, văn thư, lưu trữ;

- Công tác lễ tân, quản trị;

- Quản lý nguồn kinh phí nhà nước giao, nguồn kinh phí nước ngoài tài trợ, các nguồn kinh phí khác và thực hiện công tác kế toán - tài chính theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan Bộ và việc thực hiện Quy chế làm việc, Quy chế văn minh công sở và các Quy chế khác của Bộ theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và Công đoàn cơ quan Bộ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ.

Về cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Văn phòng gồm có Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng. Cơ cấu các phòng và tương được được xác định theo Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của Văn phòng giai đoạn 2009-2011 (ban hành kèm theo Quyết định số 988/QĐ-BTP ngày 11/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Cơ cấu tổ chức của Văn phòng gồm có 09 đơn vị, trong đó thành lập mới Phòng Lễ tân và Quan hệ công chúng, Phòng Bảo vệ; đổi tên Phòng Hành chính thành Phòng Tổ chức - Hành chính với việc bổ sung thêm nhiệm vụ về quản lý cán bộ thuộc Văn phòng.

Về mối quan hệ công tác

Ngoài các quy định chung về trách nhiệm phối hợp và mối quan hệ công tác của đơn vị với Bộ trưởng và Thứ trưởng Thường trực, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định quy định mối quan hệ công tác phối hợp giữa Văn phòng Bộ với một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan, bao gồm:

- Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo các đề án, văn bản);

- Vụ Kế hoạch - Tài chính (kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm của Ngành Tư pháp; phối hợp trong công tác thống kê các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp;  xây dựng chế độ, chính sách về tài chính, kế toán);

- Vụ Hợp tác quốc tế (trong việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế);

- Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Thi đua - Khen thưởng

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Quyết định quy định Vụ Thi đua - Khen thưởng là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Thi đua - Khen thưởng được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 4/10/2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua - khen thưởng, trên cơ sở kế thừa Quyết định số 1153/QĐ-BTP ngày 28/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Vụ Thi đua - Khen thưởng.

Về cơ cấu tổ chức

Vụ Thi đua - Khen thưởng không tổ chức thành các phòng độc lập theo quy định Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Vu Thi đua - Khen thưởng gồm Vụ trưởng, không quá 03 Phó Vụ trưởng và các công chức chuyên môn khác.

Về mối quan hệ công tác

Ngoài các quy định chung về trách nhiệm phối hợp và mối quan hệ công tác của đơn vị với Bộ trưởng và Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định quy định mối quan hệ công tác phối hợp giữa Vụ Thi đua - Khen thưởng với một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan, bao gồm:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Khu vực thi đua, Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức phát động, theo dõi, kiểm tra phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Bộ, Ngành;

- Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thi đua, khen thưởng;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo chí, xuất bản của Bộ, Ngành của Bộ tuyên truyền, phổ biến, nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua của Ngành;

- Chủ trì, phối hợp với Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai công tác thi đua, khen thưởng ở các tỉnh phía Nam theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ trong việc kiểm tra, xem xét, đánh giá thành tích, đề nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lưu trữ các hồ sơ, tài liệu, hiện vật về thi đua, khen thưởng và di tích lịch sử của Ngành;

Phối hợp với Văn phòng Bộ quản lý Quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự trong việc xây dựng các chỉ tiêu thi đua; theo dõi, kiểm tra, xem xét, đánh giá thành tích, đề nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với tập thể và cá nhân của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và Thi hành án dân sự Bộ Quốc phòng;

- Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính trong việc quản lý kinh phí thi đua, khen thưởng;

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi, đánh giá thành tích thi đua, khen thưởng để đề nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ.

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật xem xét, đánh giá và đề nghị Bộ trưởng khen thưởng đối với tập thể, cá nhân của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành Trung ương;

- Phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Thi hành án dân sự và các đơn vị khác thuộc Bộ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng.

Trần Thu Hường - Vụ Tổ chức cán bộ