Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Nhận lỗi” vì chậm trả lời, hướng dẫn trong lĩnh vực công chứng

29/12/2008
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Nhận lỗi” vì chậm trả lời, hướng dẫn trong lĩnh vực công chứng
Sau khi dự Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2009 tại TP.HCM. Ngày 25/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dành khoảng thời gian ít ỏi của mình đến thăm và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của tập thể cán bộ Phòng Công chứng (PCC) số 1, TP.HCM trong suốt 20 năm hình thành và phát triển.

·        Bất cập trong thực tiễn

Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng PCC số 1 - đại diện 46 cán bộ, công chức, chuyên viên trình bày tổng hợp những ý kiến, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác như: “Căn cứ vào thực tiễn chứng nhận các giao dịch về di sản, căn cứ vào thẩm quyền, trình tự ban hành và hiệu lực văn bản pháp luật, để góp phần cải cách thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ đợi của người dân”. Ông Thắng đề nghị cho áp dụng thời hạn công chứng giao dịch về di sản theo quy định của Luật Công chứng và không phải niêm yết di sản trước khi chứng nhận, trừ trường hợp thấy cần xác minh hay giám định.

Việc khai nhận di sản của Ấn kiều, Hoa kiều hiện ở TP.HCM đã phát sinh “vấn đề” trong việc khai nhận di sản thừa kế mà người nhận di sản là người nước ngoài - những người này từ trước đến nay vẫn chỉ cư trú tại Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong lĩnh vực bất động sản thì họ không thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà đất. tuy nhiên xét về đạo lý và thực tế thì chỉ cho họ khai nhận thừa kế để hưởng giá trị là chưa hợp lý. Về vấn đề này, PCC đã có công văn đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ về khai nhận di sản thừa kế đối với trường hợp của ông Abdoul Hamid, Quốc tịch Ấn độ, khai nhận di sản tại phường Bến nghé, quận 1– ông Thắng nói.

Ngoài ra, theo ông Thắng, Điều 44 Luật Công chứng quy định: “Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng giao dịch đó và phải được công chứng”. Điều 588 Bộ luật Dân sự thì quy định: “Nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian thích hợp”. Ông Thắng cho rằng, ở đây đã có sự xung đột pháp luật giữa Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng, dẫn đến nhiều công chứng viên không đồng ý chứng nhận việc đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Nhưng điều đáng nói là trường hợp này hiện khá phổ biến tại PCC số 1. Vì vậy, ông Thắng cho rằng, quan điểm của PCC số 1 là có thể thực hiện trường hợp trên theo Bộ luật Dân sự. Bởi, đối tượng giao dịch trong hợp đồng uỷ quyền không phải là tài sản, mà chỉ là việc giao quyền của chủ tài sản. Nay chủ tài sản thấy không nên uỷ quyền nữa thì có thể huỷ bỏ, trừ trường hợp có thù lao...

·        Bộ trưởng xin lỗi PCC

Về vấn đề trách nhiệm của Công chứng viên, ông Thắng cho rằng, hiện các PCC, Văn phòng Công chứng, các phường, xã chưa được nối mạng về giao dịch với nhau, các thông tin về chứng thực – công chứng thì cơ quan nào chỉ biết được trong cơ quan đó. Nếu tài sản được chứng nhận tại một cơ quan này nhưng các bên không trước bạ, đăng bộ theo quy định mà đem bán, cho, chuyển dịch...  Nếu các công chứng viên không biết được các giao dịch đó mà chứng nhận thì hậu quả rất lớn. trong trường hợp này công chứng viên có chịu trách nhiệm hay không, đề nghị Bộ hướng dẫn để hạn chế hậu quả xấu có thể xảy ra?...

Ông Thắng cũng mạnh dạn trình bày với Bộ trưởng, những lúc gặp vướng mắc trong công việc thì PCC thường có văn bản gửi Bộ đề nghị trả lời, hướng dẫn cho phòng nhưng lại rất lâu mới được hồi âm, thậm chí có trường hợp không nhận được trả lời. Điều này làm cho PCC không biết phải giải thích thế nào với người dân. Vì vậy, kiến nghị Bộ nên quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực công chứng – vốn khá phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường, chúc mừng “sinh nhật” PCC số 1 sau 20 năm hình thành và phát triển. Bộ trưởng nói, là PCC lâu đời nhất của cả nước, không chỉ được TP.HCM mà cả Trung ương cũng quan tâm, điều đó cho thấy vai trò của PCC số 1 trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là rất đáng ghi nhận. Được biết, năm 2008, chỉ riêng PCC số 1 đã tiếp nhận và giải quyết hơn 51 ngàn hồ sơ, với tổng tiền thu lệ phí nộp ngân sách Nhà nước lên đến hơn 14 tỷ đồng. Bộ trưởng ghi nhận những ý kiến phản ánh, đóng góp của tập thể PCC và thẳng thắn nhìn nhận, “xin lỗi PCC số 1 vì (Bộ Tư pháp) đã chậm trả lời và hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà PCC gặp phải trong công tác”. Bộ trưởng cho biết, sẽ xem xét và có phản hồi những đề nghị của PCC trong thời gian sớm nhất – đó cũng là sự mong mỏi của người dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh, mọi giao dịch mang tính chất hợp đồng về bất động sản (đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, cây lâu năm...) cần trả lại cho đúng việc, đúng tên của công chứng. Công chứng phải là công chứng nội dung – đó chính là tinh thần của Luật Công chứng. Điều đó giải thích tại sao nghề công chứng tại TP.HCM phát triển mạnh so với cả nước. Bộ trưởng khẳng định: “Với việc thực thi Luật Công chứng, nghề công chứng có bước phát triển rõ rệt. Cụ thể, trong thời điểm khó khăn, nghề công chứng vẫn phát triển tốt. Nói như thế để thấy rằng, nghề công chứng liên quan đến nhiều lĩnh vực của xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định – đó cũng chính là đóng góp của ngành tư pháp”. “Phủ sóng” công chứng trên cả nước, cụ thể đến năm 2015 có thêm khoảng 600 PCC ở các huyện, xã – đó cũng là chỉ đạo của Chính phủ - Bộ trưởng cho biết.

Phong Trần