Rà soát, kiến nghị SĐBS các quy định pháp luật cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, đời sống xã hội

29/04/2021
Công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội
Thực hiện nhiệm vụ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại mục II.3 Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 514/TTg-PL ngày 22/4/2021 về rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, ngày 29/4/2021, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1291/BTP-KTrVB đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản đã nêu, trong đó lưu ý một số nội dung như sau:
1. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ
Tiếp theo Công văn số 1199/BTP-KTrVB ngày 23/4/2021 của Bộ Tư pháp, để thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 514/TTg-PL, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật, nghị định, thông tư) đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần xác định cụ thể nội dung quy định (điều, khoản, văn bản) gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung và khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
2.1. Các cơ quan chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại mục II.3 của Nghị quyết số 45/NQ-CP liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện đã được Chính phủ chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan mình.
2.2. Trên cơ sở thực tiễn quản lý, điều hành, khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật, nghị định, thông tư) đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó cần xác định cụ thể nội dung quy định (điều, khoản, văn bản) gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở đó, Quý Cơ quan khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả rà soát, thống kê và đề xuất, kiến nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15/5/2021 (kèm theo file điện tử qua email: tocongtac236@moj.gov.vn) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin liên hệ: Cục Kiểm tra văn bản văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật khối Nội chính), số 60 Trần Phú, Ba Đình, TP. Hà Nội, số điện thoại: 024.62739658.