Quy chế tiếp nhận không qua thi tuyển tại Bộ Tư pháp

04/04/2020
Ngày 17 tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế tiếp nhận công chức, tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức, thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công tác tại Bộ Tư pháp.

Quy chế này quy định về: Nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục tiếp nhận công chức; tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức (sau đây gọi chung là tiếp nhận); thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công tác tại các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là thu hút). Trên cơ sở Quy chế này, Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng văn bản quy định riêng hoặc áp dụng trực tiếp Quy chế để thực hiện việc tiếp nhận công chức; thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự.
Tuyển chọn người có năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm
Đây là một trong những nguyên tắc tiếp nhận, thu hút, ngoài ra, việc tiếp nhận, thu hút còn phải bảo đảm những nguyên tắc như: Nhu cầu, chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm của các đơn vị; Thủ trưởng đơn vị chủ động trong việc phát hiện, đánh giá, đề xuất nhu cầu và nhân sự tiếp nhận, thu hút;  Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Điều kiện, tiêu chuẩn tiếp nhận công chức
Quy chế quy định người có nguyện vọng tiếp nhận vào công tác tại Bộ Tư pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
Đang là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ, có thời gian công tác ít nhất 03 năm (không kể thời gian tập sự) tại các cơ quan, đơn vị không thuộc thẩm quyển quản lý của Bộ Tư pháp có nguyện vọng chuyển công tác về Bộ Tư pháp.
Đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tiếp nhận.
Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 03 năm gần nhất.
Không trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc đang bị thi hành quyết định kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Toà án mà chưa được xoá án tích, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Các trường hợp tiếp nhận phải sát hạch và không phải sát hạch khi thực hiện tiếp nhận
Quy chế cũng quy định cụ thể các trường hợp phải sát hạch và không phải sát hạch khi thực hiện tiếp nhận. Theo đó, trường hợp người có nguyện vọng tiếp nhận đang công tác tại vị trí việc làm tương đương với vị trí việc làm cần tiếp nhận hoặc đã từng có ít nhất 03 năm công tác tại vị trí việc làm tương đương với vị trí việc làm cần tiếp nhận (nếu thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn) thì không phải sát hạch khi thực hiện tiếp nhận.
Người có nguyện vọng tiếp nhận không thuộc trường hợp quy định nêu trên phải sát hạch trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện tiếp nhận.
Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức của Bộ Tư pháp
Để được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức của Bộ Tư pháp, người có nguyện vọng phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 1 (*) Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và đáp ứng yêu cầu theo khung năng lực vị trí việc làm cần tuyển.
 
An Như - TTTT
 
Chú thích:          
(*): Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:
Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;
Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
b) Trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.