Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2019

19/07/2019
Ngày 19/7/2019, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo số 186/BC-BTP về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2019. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, ngay từ đầu năm, toàn Ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2019 và xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Bộ, ngành Tư pháp đã thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và rất nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh thêm.
Trên cơ sở tình hình công tác và ý kiến thảo luận tại Hội nghi sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm (tổ chức ngày 12/7/2019), toàn ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ công tác chủ yếu 6 tháng cuối năm 2019 như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng 08 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định tại Báo cáo số 13/BC-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019, nhất là đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện, bao gồm:
- Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức tốt sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
- Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết. Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự; theo dõi thi hành án hành chính. Tập trung thi hành các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng bảo đảm hài hòa giữa xã hội hóa và công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động hành nghề. Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; chỉ đạo tổ chức tốt đại hội các Đoàn luật sư, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ ba.
- Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021; phấn đấu tất cả 63 tỉnh/thành phố tham gia Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trong ngành Tư pháp. Tập trung giải quyết tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp tại Bộ và các Sở Tư pháp.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp chủ động phòng ngừa và nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, bảo đảm hỗ trợ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ hai, tiển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ mới phát sinh của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó tập trung:
- Thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tổng kết Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Thực hiện tốt vai trò thành viên Tiểu Ban kinh tế - xã hội chuẩn bị Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Xây dựng các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Chương trình bổ sung 06 tháng cuối năm.
- Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng các chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật” (Chỉ số B1); phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nâng xếp hạng chỉ số “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” (Chỉ số A9) và chỉ số “phá sản doanh nghiệp” (Chỉ số A10). Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Xây dựng và tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
- Tăng cường quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi. Khắc phục việc chậm trả lời địa phương về đề nghị xác minh thông tin lý lịch tư pháp.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất phương án xây dựng, sửa đổi, bổ sung VBQPPL khi tham gia các hiệp định mới ký kết, nhất là  Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA)...
(Gửi kèm theo Báo cáo và các phụ lục để các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố và các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện).
Tuấn Phong