Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2014-2018 đạt nhiều kết quả tích cực

14/06/2019
Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước  kỳ 2014-2018 đạt nhiều kết quả tích cực
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 được ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tiến hành hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 – 2018.
     Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 được ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tiến hành hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 – 2018. Kết quả cụ thể như sau:
     Tính đến ngày 31/5/2019, đã có 21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (đạt 95.4%), 62/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 98.4%) công bố kết quả hệ thống hóa văn bản. Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định. Theo đó, kết quả hệ thống hóa ở trung ương và địa phương như sau:
     Tại Trung ương:
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 8748 văn bản (trong đó có: 2437 văn bản trình cơ quan cấp trên ban hành, 5772 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành; 538 văn bản do các cơ quan chủ trì soạn thảo để liên tịch ban hành);
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 5215 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 1207 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 1097 văn bản .
     Tại cấp tỉnh
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 27974 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 15962 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 2073 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 4614 văn bản.
     Tại cấp huyện
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 12844 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 13810 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 399 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 1545 văn bản.
     Tại cấp xã
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 11726 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 59040 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 77 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 636 văn bản.
     Kết quả này được Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 145/BC-BTP ngày 31/5/2019.
Việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản cơ bản đã được các cơ quan chuẩn bị sớm, có kế hoạch chi tiết (việc xây dựng Kế hoạch hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 đã được 90.9% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ), 100% Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật (63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), có sự kế thừa những kết quả đạt được của kỳ hệ thống hóa văn bản đầu tiên thống nhất trong cả nước năm 2013. Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản đối với việc chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như để bảo đảm sự minh bạch, thống nhất của hệ thống pháp luật. Chất lượng kết quả hệ thống hóa văn bản, các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
     Tuy nhiên, kết quả hệ thống hóa văn bản cũng cho thấy tình trạng văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, không xác định được tình trạng hiệu lực vẫn còn tồn tại cần kịp thời xử lý theo quy định. Việc thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa kỳ 2014-2018 còn một số khó khăn, vướng mắc như: một số Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng về cách thức triển khai, kỹ năng nghiệp vụ; việc xác định và tập hợp đầy đủ các văn bản phục vụ hệ thống hóa gặp nhiều khó khăn, việc khai thác văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật còn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số Bộ, cơ quan ngang Bộ không thực hiện đúng quy định về thời điểm công bố kết quả hệ thống hóa (có 10/21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 17/62 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố kết quả hệ thống hóa không đúng thời hạn; còn 01/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 01/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa thực hiện công bố kết quả hệ thống hóa văn bản); một số cơ quan, đơn vị thiếu chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong triển khai hệ thống hóa văn bản; cán bộ làm công tác hệ thống hóa văn bản ở tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều; cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ngành ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, nhân sự không ổn định; kinh phí cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản còn hạn chế.
     Từ kết quả hệ thống hóa văn bản của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản nói riêng và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản nói chung: (i) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương chưa hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản khẩn trương hoàn thành và thực hiện công bố kết quả hệ thống hóa theo đúng quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; (ii) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản (trường hợp văn bản thuộc thẩm quyền xử lý) hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản (trường hợp văn bản không thuộc thẩm quyền xử lý) để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật; (iii) Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ý thức trách nhiệm đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa, bảo đảm kinh phí theo quy định pháp luật cho công tác này./.