Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022

28/02/2018
Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022 (Quyết định số 242/QĐ-TTg).

Mục tiêu chung của Đề án là triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Đề án là cơ sở để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định hiện hành về tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới. Nâng cao chất lượng một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời bảo đảm các điều kiện cần thiết để phục vụ việc tổ chức thi hành pháp luật nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách tinh giản biên chế, tiết kiệm chi, đầu tư công.
Về đối tượng, Đề án tập trung điều chỉnh về một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Về phạm vi, Đề án triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến hết năm 2022.
Trên cơ sở bám sát các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, Đề án đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành;
2. Hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật;
3. Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật;
4. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật;
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật;
6. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật;
7. Bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Để bảo đảm thực thi các nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2018 - 2022, Đề án đã xác định rõ thời gian, cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể; đồng thời xác định cụ thể trách nhiệm triển khai Đề án của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án trong phạm vi cả nước.
Chi tiết Quyết định có file đính kèm.
 
Cục QLXLVPHC và TDTHPL


File đính kèm