Công văn về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên NSNN năm 2017 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP

26/04/2017
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017; căn cứ Công văn số 4494/BTC-HCSN ngày 04/4/2017 của Bộ Tài chính về thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung chính có liên quan đến việc triển khai thực hiện của các đơn vị dự toán trong Ngành, cụ thể như sau:
1. Về việc dừng triển khai và hủy dự toán đối với các khoản chi thường xuyên (không bao gồm: phần vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, chi từ nguồn thu phí được để lại, nguồn thu sự nghiệp theo quy định)
1.1. Hủy dự toán đối với các khoản chi thường xuyên được giao đầu năm cho đơn vị dự toán cấp I mà sau ngày 30/6/2017 chưa phân bổ để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương; trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (phân bổ, cấp phát theo tiến độ thực hiện…) và các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.
1.2. Dừng thực hiện và hủy dự toán đối với các khoản chi phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa triển khai thực hiện (chưa có quyết định phê duyệt dự án), chưa được phê duyệt dự toán, chưa được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; trừ một số trường hợp: Kinh phí mua hàng dự trữ quốc gia; kinh phí phòng, chống dịch bệch, khắc phục hậu quả thiên tai; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; các khoản kinh phí được phép thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (phân bổ, cấp phát theo tiến độ thực hiện…); trường hợp điều chỉnh dự toán đối với các nội dung công việc đã được phân bổ dự toán đầu năm để thực hiện cho phù hợp thực tiễn phát sinh  và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các đơn vị dự toán có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ (Vụ Kế hoạch-Tài chính) các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa chưa triển khai thực hiện  nêu trên trước ngày 10/7/2017 để Bộ có quyết định hủy dự toán của đơn vị và tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch trước ngày 20/7/2017 (theo mẫu tại Phụ lục số 01 đính kèm).
1.3. Thủ trưởng các đơn vị dự toán chỉ đạo việc triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 được giao, không để tình trạng chậm triển khai thực hiện các kế hoạch, các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ giải ngân tránh tập trung vào những tháng cuối năm. Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện cắt giảm dự toán đối với các khoản dự toán chi thường xuyên đã được giao từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách theo quy định vẫn còn dư dự toán, trừ các khoản kinh phí mới được Bộ Tài chính bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
1.4. Đối với việc mua sắm tài sản nhà nước (bao gồm cả mua xe ô tô):
- Về nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức, phương thức mua sắm tài sản thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 751/BTP-KHTC ngày 9/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017.
- Về việc phân bổ kinh phí, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước: thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này.
2. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công
2.1. Các đơn vị dự toán thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là các nội dung chi sau: chi đi công tác nước người, chi đi công tác trong nước: chi văn phòng phẩm: chi phí sử dụng điện; chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, dự án theo quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí năm 2017 và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tư pháp.
2.2. Thực hiện báo cáo, công khai  tài chính, ngân sách nhà nước tại cơ quan, đơn vị,
- Nội dung và thời gian công khai: Các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công và đi công tác nước ngoài; định kỳ 6 tháng và hàng năm, các đơn vị phải báo cáo tình hình sử dụng kinh phí (dự toán đã bố trí, kinh phí đã phân bổ, sử dụng, số lượng đoàn đi công tác nước ngoài) gửi Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch-Tài chính) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính (theo mẫu tại Phụ lục số 02).
- Hình thức công khai: Phù hợp với hoạt động của đơn vị (niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, hoặc công khai bằng văn bản, công khai trên trang thông tin điện tử...).
3. Đối với các chương trình, dự án sử dụng từ nguồn vốn ngoài nước (không bao gồm: nguồn vốn vay, viện trợ theo phương thức ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước) thực hiện như nguồn vốn trong nước; trừ trường hợp hiệp định có quy định khác thì thực hiện theo hiệp định.
4. Về chế độ báo cáo: Các đơn vị dự toán có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo nêu tại Mục 1.2 và Mục 2.2 Công văn này.
Trên đây là hướng dẫn một số điểm chính về thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ để các đơn vị dự toán biết, tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
 

File đính kèm