Bài phát biểu chỉ đạo của TTCP Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017

10/02/2017
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thưa các đồng chí,
Trước hết, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017. Ngành Tư pháp là Ngành đầu tiên tổng kết công tác năm 2016 và triển khai công tác năm 2017. Sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo của tất cả các địa phương và lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng cho thấy, công tác tư pháp đang rất được quan tâm.
Công tác của ngành tư pháp của chúng ta liên quan đến người dân rất nhiều từ công tác thi hành án dân sự, công tác hộ tịch, công tác luật sư đều có liên quan đến dân, đều vô cùng quan trọng. Chúng ta tiến hành xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân đòi hỏi mọi công việc đều phải được sự ủng hộ của người dân, vì lợi ích của người dân. Nếu người dân không đồng tình với cách làm của chúng ta, phản ứng với chúng ta thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của chế độ, của nhà nước.
Qua nhiều năm theo dõi công tác tư pháp và hôm nay nghe Báo cáo tổng kết của ngành, tôi rất vui mừng nhận thấy, công tác tư pháp năm 2016 tiếp tục có nhiều tiến bộ, có nhiều chuyển biến tích cực và có nhiều đổi mới. Các nhiệm vụ được Bộ, Ngành Tư pháp triển khai một cách toàn diện, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được Bộ, Ngành Tư pháp quán triệt và triển khai trong suốt thời gian qua.
Năm 2016, Bộ Tư pháp có Bộ trưởng mới, đồng chí Lê Thành Long thay đồng chí Hà hùng Cường, Bộ, Ngành tiếp tục phát huy truyền thống ổn định, phát triển tốt. Sự đoàn kết của Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp được giữ vững, nề nếp công tác, uy tín và quan hệ của Bộ Tư pháp và của tư pháp các địa phương được duy trì.
I. VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2016:
Những kết quả đạt được của ngành Tư pháp đã được nêu cụ thể trong Báo cáo. Tại Hội nghị hôm nay, tôi nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như sau:
1. Ngay từ đầu năm, xác định vai trò quan trọng của thể chế đối với sự phát triển của đất nước, của từng địa phương nhất là thể chế liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã tập trung và chú trọng nhiều hơn cho xây dựng và thực thi thể chế. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển. Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các vấn đề về thể chế luôn được ưu tiên bàn bạc, trao đổi trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Với tinh thần này, Bộ, Ngành Tư pháp đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, khuôn khổ pháp lý ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Năm 2016 là năm đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
2. Với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, phản ứng chính sách pháp luật trong kinh tế thị trường, nhất là đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất đã được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện kịp thời hơn. Nhiều vấn đề cản trở, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đều được Bộ, Ngành Tư pháp có ý kiến kịp thời. Các ý kiến của Bộ Tư pháp về các văn bản, chính sách liên quan đến người dân, doanh nghiệp được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
3. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh chúng ta thực hiện Nghị quyết 19, được Ngành triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Đáng chú ý là năm 2016, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/TTg về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Có thể nói Quyết định này đã tạo bước đột phá trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phòng tránh nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời nâng cao chất lượng cải cách hành chính công, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân đã được dư luận rất hoan nghênh.
4. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả tốt. Năm 2016, Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, qua đó đã góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống THADS đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tập trung giải quyết các vụ việc thu hồi tài sản cho nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.
5. Các mặt công tác khác như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quan hệ quốc tế, đào tạo… đều được triển khai với nhiều hình thức mới đạt nhiều kết quả. Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng. Quản lý nhà nước đối với công tác luật sư có nhiều chuyển biến tốt, nhất là ngay trong năm đầu tiên sau đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Bộ, Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2016.
II. VỀ HẠN CHẾ, TỒN TẠI
Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi lưu ý một số điểm chính về những hạn chế, bất cập của Ngành Tư pháp như sau:
Một là, công tác xây dựng pháp luật có tiến bộ nhưng nhìn chung pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Chúng ta cần lưu ý là, vấn đề không phải là ở chỗ chúng ta ban hành được bao nhiêu luật mà chính là trình độ người trình luật đó, trình độ thẩm tra, thẩm định luật, quyết định đối với văn bản luật đó. Vấn đề hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này là do công tác chuẩn bị vẫn còn sai sót.
Hai là, việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa có hiệu quả cao, vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình. Bộ, Ngành khi đề xuất làm luật chưa xác định được nội hàm văn bản, nên gặp khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và quá trình xây dựng các dự thảo. Bộ, Ngành cần xác định xây dựng pháp luật là một quá trình phức tạp, phải nghiên cứu kỹ, thận trọng, vì vậy những vấn đề nào chưa xác định được nội hàm hoặc chưa rõ ràng thì ngay từ đầu không đề xuất đưa vào chương trình để tránh tình trạng bị động, lúng túng như trong thời gian qua.
Ba là, công tác thẩm định tại nhiều Bộ, địa phương còn yếu kém nên còn có nhiều sai sót trong văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong chính sách. Nhân dịp này, tôi xin nhấn mạnh rằng, điều đáng buồn đối với tất cả chúng ta, những người làm công tác pháp luật là Bộ luật hình sự năm 2015 phải tạm dừng hiệu lực do có nhiều sai sót, phải sửa đổi ngay khi chưa có hiệu lực thi hành - đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Tôi đề nghị các đồng chí cần thẳng thắn trao đổi, để qua đó rút kinh nghiệm chung, kịp thời khắc phục trong thời gian sắp tới, rà soát để tránh những sai sót trong tương lai.
Bốn là, thực thi pháp luật vẫn còn yếu, việc thi hành pháp luật không nghiêm dẫn đến tình trạng nhờn luật trong xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đối tượng tác động trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật còn rất chung chung, có nhiều hạn chế.
Ngoài ra, một số mặt công tác khác vẫn còn nhiều bất cập. Đáng chú ý như thi hành án mặc dù có tiến bộ nhưng dư luận về tiêu cực, nhũng nhiễu vẫn còn nhiều; một số thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực Ngành Tư pháp phụ trách vẫn còn phức tạp; phản ứng chính sách về một số vấn đề còn bị động, chưa kịp thời; phong cách, ứng xử của một bộ phận cán bộ Ngành Tư pháp còn có hạn chế, một số cán bộ chưa làm gương trong tiếp xúc, xử lý công việc với nhân dân.
III. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2017
Đất nước ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Tình hình trong nước và thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học công nghệ phát triển mạnh với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Về lĩnh vực Tư pháp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật... Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”. Năm 2017 cũng là năm chúng ta phải phấn đấu để năng lực cạnh tranh Quốc gia đạt mức ASEAN4, trong đó tập trung vào: đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, lập lại trật tự kỷ cương, phép nước.
Với tinh thần đó, Chính phủ quyết tâm chuyển hướng mạnh mẽ từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, triển khai đồng bộ mọi giải pháp để thúc đẩy phát triển KT-XH, hướng vào thị trường, có phản ứng chính sách kịp thời với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội, chủ động và tập trung hơn nữa vào xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thực thi có hiệu quả.
Bối cảnh trên, yêu cầu Bộ, Ngành Tư pháp phải tiếp tục tham mưu hiệu quả hơn nữa cho Chính phủ, các địa phương trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được phân công.
Tôi cơ bản, nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong Báo cáo. Tại Hội nghị hôm nay, tôi đề nghị Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Bộ, Ngành Tư pháp phải triển khai các giải pháp để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, không để thể chế cản trở sự phát triển. Trong đó, Bộ, Ngành cần chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để thể chế hoá đầy đủ, kịp thời nội dung, tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 Cần chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong việc xây dựng, lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm tính ổn định, chất lượng, tiến độ của công tác xây dựng thể chế, tránh tình trạng xin lùi, xin rút dự án ra khỏi Chương trình; chủ động, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, tham gia sâu vào quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh bảo đảm tính dự liệu, đồng bộ, ổn định của hệ thống pháp luật.
Bộ, Ngành Tư pháp đặc biệt lưu ý nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung, mà là để phục vụ mục đích riêng của Bộ, ngành. Trong đó, đặc biệt chú ý tới nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, khi trao quyền cho bất cứ chủ thể nào cần phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó.
Tổ chức rà soát những bất cập, hạn chế, khó khăn qua thực tế thi hành Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thứ hai, cần tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, tham mưu cho Chính phủ và chính quyền các cấp các giải pháp để khắc phục tình trạng nhờn luật trong chính bộ máy nhà nước và trong toàn xã hội.
Thứ ba, Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp cần chủ động tham mưu với Chính phủ, chính quyền các địa phương về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển KT-XH cũng như trong chỉ đạo điều hành hàng ngày. Trong đó, đặc biệt chú ý tới hoạt động phản ứng chính sách, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất để chúng ta có các phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KT-XH của đất nước, đáp ứng yêu cầu: quyết liệt hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp mà Ngành Tư pháp phụ trách (công chứng, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, giám định, hộ tịch, quốc tịch, thi hành án...); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch; kiên quyết chống nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thứ năm, thi hành án dân sự phải phấn đấu tốt hơn nữa trong năm 2017. Chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn Hệ thống. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ chấp hành viên.
Thứ sáu, thực hiện tốt chức năng thẩm định các điều ước quốc tế và tham mưu với Chính phủ, chính quyền các địa phương các khía cạnh pháp lý để hạn chế các rủi ro trong thương mại, đầu tư quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để phòng, tránh và giải quyết tốt nhất các tranh chấp quốc tế. Phải khắc phục ngay tình trạng cứ có tranh chấp quốc tế là ta thua hầu hết các vụ kiện.
Thứ bảy, đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp… Chú trọng việc tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, qua tuyên truyền, phổ biến, ta có kênh phản hồi để từ đó có phản ứng chính sách kịp thời.
Thứ tám, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề ra các giải pháp để Bộ, Ngành Tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao, nhất là trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng thể chế và thực thi thể chế; tạo động lực để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, Ngành tư pháp phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm.
Thứ chín, rà soát, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy của Bộ, Ngành tư pháp, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi, mạnh, chuyên nghiệp.
Nhân Hội nghị này có Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm hơn đến tổ chức pháp chế và cán bộ làm công tác pháp chế. Quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong tổng số biên chế được giao để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có biện pháp thiết thực, tình cảm để động viên anh em, giúp anh em an tâm công tác, cống hiến cho ngành, cho đất nước.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, tôi rất trăn trở với thu nhập của cán bộ, công chức nói chung và Ngành Tư pháp nói riêng. Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng ngược lại, thì chưa lo được đời sống tốt hơn cho các đồng chí. Tuy nhiên, trong điều kiện KT-XH hiện nay, chúng ta đang triển khai Đề án cải cách tiền lương, thực hiện Kết luận 63-KL/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, tôi đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cả nước cần quan tâm hơn đến cán bộ pháp chế, dù là vật chất hay tinh thần.
Thưa các đồng chí,
Năm 2017 và những năm tiếp theo, đất nước đứng trước những cơ hội, thách thức và vận hội mới. Toàn Nghành Tư pháp cần tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 về chống suy thoái, tự diễn biến, xây dựng Ngành ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của toàn ngành, công tác tư pháp sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, công tác tư pháp không phải là việc riêng của Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp. Tôi đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp, coi công tác tư pháp là công việc chung của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng Ngành Tư pháp nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2017, thay mặt Chính phủ, tôi chúc các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các vị đại biểu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.