Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật công chứng năm 2014 về việc chuyển đổi Văn phòng công chứng (VPCC) do một công chứng viên thành lập theo quy định của Luật công chứng năm 2006 thành VPCC có 02 công chứng viên hợp danh trở lên, một số Sở Tư pháp đã chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm chuyển đổi VPCC tại địa phương đúng thời hạn Luật định.
Bên cạnh một số địa phương đã hoàn thành chuyển đổi VPCC thì hiện nay việc chuyển đổi VPCC tại nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn công chứng viên. Ngày 10/10/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1001/BTTP-CC đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số công việc liên quan đến việc chuyển đổi VPCC, đồng thời báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình chuyển đổi VPCC tại địa phương mình, nêu rõ đề xuất, kiến nghị (nếu có)
trước ngày 26/10/2016. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Tư pháp chỉ nhận được Báo cáo của 34/63 địa phương. Nhiều địa phương chưa nghiêm túc trong việc thực hiện báo cáo về Bộ Tư pháp. Vấn đề này dẫn đến việc tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bị chậm so với kế hoạch (
xin gửi kèm theo Danh sách các địa phương chưa gửi Báo cáo).
Để có cơ sở đầy đủ về tình hình chuyển đổi VPCC trên phạm vi cả nước, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương chưa có Báo cáo về việc chuyển đổi VPCC khẩn trương gửi Báo cáo về Bộ Tư pháp
chậm nhất là ngày 07/01/2017.
Trong thời gian Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét về những khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi VPCC, đề nghị các Sở Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng, khẩn trương các hồ sơ đề nghị chuyển đổi cho các VPCC đang tiến hành thủ tục chuyển đổi hoặc bổ sung công chứng viên để tiến hành chuyển đổi. Đối với những VPCC không thể chuyển đổi đúng thời hạn, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện.