Ngày 19/01/2016, trên cơ sở rà soát Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BTP ngày 17/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) với những quy định mới của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp (kèm theo Quyết định số 92/QĐ-BTP ngày 10/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) thay thế Quy chế năm 2007, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.
Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp năm 2016 gồm 04 chương, 21 Điều, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đảm bảo quyền làm chủ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy chế này, bảo đảm thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị có hiệu quả, thực chất, gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ Thủ trưởng.
Nguyễn Tùng Phong - Phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ