Công văn hướng dẫn giải quyết vướng mắc về cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”

17/06/2015
Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế và báo cáo của Ban Tổ chức cuộc thi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Tổ chức cuộc thi các địa phương (gọi là Ban Tổ chức cuộc thi) về cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi là cuộc thi) cho thấy, sau một thời gian phát động và tổ chức, đến nay cuộc thi đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều bài dự thi có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, công tác tổ chức cuộc thi cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời. Để góp phần tổ chức thành công cuộc thi, sau khi nghiên cứu, xem xét các kiến nghị, phản ánh, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương có ý kiến như sau:

1. Về việc nộp bài dự thi không đúng địa chỉ tiếp nhận

Theo phản ánh của một số Ban Tổ chức cuộc thi, tại nhiều cơ quan, đơn vị có bài dự thi người dự thi vừa nộp theo ngành dọc cho Ban Tổ chức cuộc thi của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, vừa nộp cho Ban Tổ chức địa phương. Căn cứ Thể lệ cuộc thi, đề nghị xử lý theo hướng tất cả các bài dự thi của cá nhân đang công tác trong hệ thống Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ nộp về Ban Tổ chức Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các bài dự thi của các đối tượng còn lại sinh sống, học tập và làm việc tại địa phương nào thì nộp cho Ban Tổ chức địa phương đó. Bài dự thi nộp sai địa chỉ tiếp nhận đề nghị gửi lại đúng nơi có thẩm quyền tiếp nhận theo quy định trong Thể lệ cuộc thi để thực hiện các thủ tục rà soát, chấm thi theo quy định; đảm bảo việc thống kê số lượng chính xác, tránh một cá nhân gửi bài dự thi đến nhiều nơi.

2. Về lập danh sách bài tham gia dự thi

Tại Công văn số 164/BTC ngày 13/4/2015 của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương về việc trả lời một số vướng mắc về cuộc thi đã hướng dẫn cụ thể việc lập danh sách bài tham gia dự thi. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn đề nghị không lập danh sách tất cả những người tham gia dự thi, mà chỉ lập danh sách người tham gia dự thi có bài thi hợp Thể lệ và được chấm điểm.

Để tạo thuận lợi cho công tác tổ chức, đảm bảo quyền lợi của người dự thi, đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi thực hiện việc tập hợp danh sách tất cả những người có bài tham gia dự thi như đã được hướng dẫn. Trong trường hợp cần thiết, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương có thể trực tiếp kiểm tra để nắm bắt số lượng bài dự thi; xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của các Ban Tổ chức cuộc thi.

3. Về việc xem xét, rà soát bài dự thi hợp lệ trước khi chấm

- Đối với bài thi do nhiều người hoặc một tập thể cùng làm và đứng tên, vẫn thực hiện chấm thi. Tuy nhiên, trường hợp bài dự thi đó đạt điểm cao, theo quy định tại phần I (đối tượng dự thi) và phần III, mục 3 của Thể lệ cuộc thi đã được công bố, thì phải xác định rõ một cá nhân cụ thể (đại diện nhóm tập thể) thực hiện. Nếu không xác định được thì không xem xét để tổ chức trao giải đối với bài dự thi đó.

- Đối với bài dự thi thực hiện không đúng theo yêu cầu về hình thức quy định tại Thể lệ cuộc thi (mục 2 phần III), cụ thể là: thiếu một số thông tin cá nhân người tham gia dự thi (chỉ ghi họ và tên, địa chỉ, không ghi những thông tin khác như tuổi, giới tính, dân tộc); không đánh số trang, không đóng thành từng quyển... Do đây là những chi tiết nhỏ về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung bài dự thi, đề nghị vẫn xem xét, chấp nhận là bài dự thi hợp lệ và tổ chức chấm theo quy định.

- Đối với bài dự thi trả lời không đủ 09 câu hỏi, do Thể lệ cuộc thi không  quy định bắt buộc người dự thi phải trả lời đủ 09 câu hỏi nên bài thi vẫn được coi là hợp lệ. Riêng câu hỏi số 9 nếu viết không đủ hoặc dài hơn số trang quy định (viết không quá 1.000 từ tương đương 3 trang A4 viết tay hoặc đánh máy tính cỡ chữ 14 Times New Roman), đề nghị vẫn được coi là hợp lệ.

4. Một số kiến nghị liên quan đến việc chấm thi theo đáp án

4.1. Về tình trạng phần lớn người dự thi không trả lời đúng theo đáp án câu 2:

Đáp án cuộc thi đã được Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng và huy động trí tuệ, sự tham gia góp ý nghiêm túc, có trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện đáp án và tổ chức Hội đồng thẩm định đáp án. Đáp án cuộc thi đã được công bố chính thức, các địa phương đã tổ chức chấm sơ khảo. Vì vậy, đề nghị các Ban Tổ chức cuộc thi tiến hành chấm điểm bài dự thi theo đúng đáp án do Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương công bố để bảo đảm tính thống nhất.

4.2. Về đề nghị chia thang điểm theo 04 bậc (0,25; 0,5; 0,75; 1) để dễ chấm và đảm bảo chuẩn xác bởi chia thang điểm 02 bậc: 0,5 và 1 điểm rất khó chấm; chấm điểm đối với trường hợp không trả lời đủ ý đối với một số câu mà đáp án quy định thang điểm tối đa là 0,5 điểm:

Xuất phát từ tính chất cuộc thi và mức điểm theo đáp án là 100 điểm, việc chia điểm thấp nhất theo mức 0,5 là hợp lý, chia quá nhỏ tới 0,25 sẽ ảnh hưởng đến việc chia nhỏ đáp án cũng như gây khó khăn trong việc tổng hợp điểm. Do vậy, việc chấm điểm cần sự linh hoạt của Ban Giám khảo, một mặt dựa trên thang điểm của đáp án, mặt khác có thể chủ động chia nhỏ điểm nếu thấy cần thiết, nhưng phải cân nhắc để tránh lạm dụng chia nhỏ điểm, đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo thang điểm đáp án đã được công bố.

Đối với câu trả lời trình bày đầy đủ ý theo đáp án thì được 0,5 điểm. Trường hợp trình bày thiếu ý, Ban Giám khảo có thể linh hoạt để quyết định cho điểm thấp hơn mức điểm tối đa theo đáp án.  

4.3. Về cách thức tổ chức chấm bài dự thi:

Một số địa phương phản ánh do số lượng bài dự thi quá lớn nên việc 02 Giám khảo chấm độc lập là rất khó khăn. Theo Quy chế chấm thi ban hành kèm theo Quyết định số 851/QĐ-BTC ngày 05/5/2015 của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương, các Ban Tổ chức cuộc thi tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức chấm thi, đảm bảo chính xác, khách quan, đúng tiến độ.

5. Về việc tăng số lượng bài dự thi vòng chung khảo của một số Ban Tổ chức cuộc thi có số lượng bài dự thi lớn

Một số Ban Tổ chức cuộc thi có số lượng bài dự thi lớn (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…) đề nghị tăng số lượng bài dự thi được gửi về tham gia vòng chung khảo của ngành, địa phương mình. Sau khi xem xét, cân nhắc, để đảm bảo công tác tổ chức cuộc thi được thực hiện thống nhất, tuân thủ nghiêm túc Thể lệ cuộc thi đã đề ra, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương quyết định giữ nguyên số lượng bài dự thi vòng chung khảo đã được quy định tại Thể lệ cuộc thi. Đối với các Ban Tổ chức cuộc thi thực sự có nhiều bài tham dự, khi tổng kết, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương có thể xem xét để trao giải tập thể.

6. Về kinh phí chấm thi

Một số địa phương phản ánh không bố trí được đủ kinh phí để phục vụ tổ chức chấm thi do số lượng bài dự thi quá nhiều. Với tính chất quan trọng của cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi tỉnh, thành phố quan tâm bố trí kinh phí cho cuộc thi nói chung, phục vụ việc chấm thi nói riêng. Nội dung chi, mức chi phục vụ các hoạt động liên quan đến việc tổ chức cuộc thi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Bên cạnh đó, để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động chính trị - pháp lý có ý nghĩa này, đề nghị các địa phương tiếp tục khuyến khích, huy động các tập thể, cá nhân tài trợ cho cuộc thi.

Trên đây là một số ý kiến giải quyết vướng mắc trong quá trình tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương gửi Ban Tổ chức cuộc thi Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức cuộc thi Bộ Công an và Ban Tổ chức cuộc thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nghiên cứu, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tiếp tục phản ánh về Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, 58 – 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) để phối hợp tháo gỡ kịp thời./.