Công văn về việc xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại

20/05/2015

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015, Công văn số 5652/BTC-NSNN ngày 27/4/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại, Bộ hướng dẫn các nội dung có liên quan đến tổ chức thực hiện của các đơn vị dự toán thuộc Bộ quản lý, cụ thể như sau:

1. Đối tượng thực hiện

Các đơn vị dự toán đã được giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2015 chủ động rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi đã được giao để thực hiện tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên của 8 tháng cuối năm 2015 nhằm chủ động điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015.

2. Phạm vi tính tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên của 8 tháng cuối năm 2015, gồm:

a) Tạm giữ lại 10% chi thường xuyên theo các lĩnh vực chi.

b) Tạm giữ lại 10% chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu quốc gia bố trí cho các nhiệm vụ chi đoàn ra, chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi tham quan, học tập.

3. Cách thức xác định số dư dự toán chi thường xuyên năm 2015 tạm giữ lại

Các đơn vị xác định số chi thường xuyên của 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại như sau:

3.1. Tạm giữ lại 10% chi thường xuyên theo các lĩnh vực chi

Trong đó:

A: Là dự toán chi thường xuyên năm 2015 đã được cấp có thẩm quyền giao theo các lĩnh vực chi (không bao gồm chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia).

B: Là tổng số chi lương tính theo mức tiền lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng, phụ cấp, tiền công và các khoản chi khác cho con người theo chế độ (học bổng học sinh, sinh viên; tiền ăn, tiền thưởng theo chế độ quy định, tiền thuê chuyên gia; các khoản phụ cấp đặc thù của từng ngành kể cả bằng tiền hoặc hiện vật; kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí theo chế độ quy định...).

C: Là số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống năm 2015 (Bộ đã hướng dẫn các đơn vị tại Công văn số 1199/BTP-KHTC ngày 14/4/2015).

D: Là các khoản bố trí trong dự toán chi thường xuyên để thu hồi kinh phí đã ứng trước.

E: Là tổng số các khoản chi đặc thù khác không xác định tạm giữ lại, gồm:

- Kinh phí tài trợ báo, tạp chí, xuất bản, chi trợ giá;

- Chi từ nguồn vốn ngoài nước;

- Kinh phí đào tạo cán bộ công chức; kinh phí đào tạo lưu học sinh nước ngoài ở Việt Nam và đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài diện Hiệp định; kinh phí thực hiện Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý… ở nước ngoài (Đề án 599, Đề án 165, Đề án 911, Đề án 1558…);

- Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ hợp tác khoa học kỹ thuật với một số nước theo Hiệp định hoặc Nghị định thư…;

- Kinh phí mua sắm trang phục ngành; kinh phí thuê trụ sở;

- Kinh phí vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn sự nghiệp), kinh phí đóng niên liễm hoặc đóng góp cho các tổ chức, diễn đàn quốc tế, kinh phí nộp các loại thuế theo quy định;

- Các khoản chi đặc thù quốc phòng, an ninh, đặc biệt và cơ quan Đảng;

3.2. Tạm giữ 10% chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu quốc gia (vốn trong nước) bố trí cho các nhiệm vụ chi đoàn ra, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi tham quan, học tập

Đơn vị được giao dự toán chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ dự toán chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu quốc gia (vốn trong nước) bố trí cho các nhiệm vụ chi đoàn ra, hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi tham quan, học tập, chi quản lý chương trình còn lại 8 tháng năm 2015, thực hiện tạm giữ lại 10% dự toán kinh phí còn lại phân bổ cho các nhiệm vụ chi này.

4. Quản lý dự toán chi thường xuyên tạm giữ lại

Số dự toán chi thường xuyên tạm giữ lại theo hướng dẫn tại Công văn này được quản lý tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Đến tháng 8 năm 2015, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế - NSNN và tác động giá dầu đến thu NSNN, sẽ xem xét, sử dụng số tạm giữ lại này theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Rà soát, sắp xếp, bố trí lại các nhiệm vụ chi thường xuyên trong phạm vi dự toán còn lại (sau khi đã thực hiện tạm giữ 10% dự toán chi thường xuyên):

Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm trong điều kiện thực hiện tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên theo Chỉ thị của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ yêu cầu các đơn vị dự toán thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi thường xuyên đã được giao đầu năm, tăng cường quản lý chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, trên cơ sở đó:

- Đảm bảo nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và an sinh xã hội.

- Thực hiện nghiêm quy định không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác.

- Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu... cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, sơ kết, tổng kết, đi công tác nước ngoài.

- Ngưng các khoản chi cho các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách.

6. Tổ chức thực hiện

Các đơn vị dự toán xác định số tiết kiệm theo hướng dẫn tại Công văn này gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính) trước ngày 22/5/2015 để Bộ tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính theo đúng thời hạn quy định tại Công văn số 5652/BTC-NSNN (Báo cáo của đơn vị gửi kèm biểu tổng hợp theo Phụ lục đính kèm Công văn này).

Sau khi kiểm tra phương án tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị, Bộ sẽ thông báo cho đơn vị biết để tổ chức thực hiện. Trong trường hợp đơn vị không gửi báo cáo kịp trong thời hạn nêu trên, Bộ sẽ xác định số tạm giữ của đơn vị theo dự toán đã giao đầu năm.

Bộ thông báo cho đơn vị biết để khẩn trương tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để hướng dẫn, giải quyết./.