Theo báo cáo số 209, kết quả hệ thống hóa văn bản được cập nhật đến hết ngày 31/7/2014 (trên cơ sở số liệu các Bộ, ngành và địa phương đã gửi thông tin, báo cáo về Bộ Tư pháp) như sau:
1. Tại các Bộ, ngành
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 7 981 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần: 5 996 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 1 313 văn bản.
2. Tại các địa phương
- Tổng số văn bản còn hiệu lực: 21 578 văn bản;
- Tổng số văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần: 15 558 văn bản;
- Tổng số văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới: 4 575 văn bản.
Cũng tại Báo cáo số 209, Bộ Tư pháp cũng đã có những nhận định, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc mà các Bộ, ngành và địa phương gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, có đánh giá chung về chất lượng của kết quả hệ thống hóa văn bản.
Bên cạnh những Bộ, ngành địa phương tích cực, chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định, cũng còn nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa tích cực, chưa chủ động trong tổ chức, thực hiện, kết quả còn nhiều hạn chế. Tính đến ngày 30/7/2014, vẫn còn 04 Bộ, ngành và 03 địa phương chưa có thông tin, báo cáo về Bộ Tư pháp; trong 18 Bộ, ngành và 60 địa phương có thông tin, báo cáo về Bộ Tư pháp thì còn 11 Bộ và 18 địa phương chưa công bố kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ đầu (chi tiết tại các Phụ lục kèm theo Báo cáo 209). Qua Báo cáo, ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ đầu khẩn trương hoàn thành việc rà soát văn bản QPPL bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản trong thời gian tới.
Phòng rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL
Vũ Thị Hồi