1. Về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014
1.1. Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục ngay trong năm 2014, cụ thể:
a) Đối với các cơ sở giáo dục: Rà soát, xác định cụ thể mức kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập do sửa đổi, bổ sung đối tượng và thay đổi phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ với quy định tương ứng tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP; trong đó đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc Bộ xác định mức cấp bù học phí trên cơ sở danh sách đối tượng được miễn học phí, giảm học phí và mức thu học phí của từng ngành, nghề đào tạo được cấp có thẩm quyền quyết định (Trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt miễn, giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập thực hiện theo Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính -Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).
b) Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự hành chính: Đánh giá tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn; thuận lợi, khó khăn và kiến nghị (nếu có).
1.2. Đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa, tập trung phân tích xu hướng và tính bền vững hiệu quả kinh tế - xã hội đã đạt được. Với một số lĩnh vực có điều kiện xã hội hóa nhanh cần tập trung phân tích kỹ nguyên nhân, đề xuất những giải pháp khả thi ngay trong năm 2014.
Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội: Đánh giá kỹ các cơ chế, chính sách điều tiết thu nhập đang thực hiện của Trường, các cơ chế tự chủ lựa chọn nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm, thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể:
- Rà soát, lựa chọn các nhiệm vụ giao cho các trường tự quyết định và chịu trách nhiệm phù hợp, gắn với chuẩn kết quả thực hiện để phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ theo hướng tiếp tục giao tự chủ thực hiện đối với các nhiệm vụ đã được giao và mở rộng hợp lý hoặc từng bước với nhiệm vụ được phân cấp. Những công việc được thu tiền dịch vụ, những công việc không được thu thêm ngoài học phí phải được công khai, quản lý chặt chẽ, phục vụ đúng mục đích. Rà soát mức thu học phí trên cơ sở chi phí thực tế và khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo theo từng nhóm ngành. Các chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chi phí đào tạo theo yêu cầu và sự thỏa thuận giữa người học và cơ sở đào tạo.
- Phân tích các tồn tại hạn chế của cơ chế phân phối tài chính, phân phối thu nhập (chi tiền thưởng, tiền hỗ trợ, khuyến khích động viên nâng cao năng suất lao động, sáng kiến cải tiến lao động, cơ chế dành một phần nguồn thu để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất giảng dạy).
2. Báo cáo về kinh phí thực hiện mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng
Báo cáo về biên chế, quỹ lương, nguồn đảm bảo mức tiền lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và xác định nguồn cải cách tiền lương còn dư chuyển sang năm 2015 (nếu có). Đơn vị thực hiện báo cáo theo Biểu số 01 đính kèm Công văn này.
3. Về xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2015
a) Năm 2015 sẽ tiến hành Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2016, căn cứ qui định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị xây dựng dự toán và cân đối kinh phí để thực hiện. Đồng thời, năm 2015 cũng là năm tròn, năm chẵn của nhiều sự kiện, yêu cầu các đơn vị dự toán tổ chức lễ kỷ niệm trên tinh thần triệt để tiết kiệm và hiệu quả.
b) Xây dựng và tổng hợp dự toán chi đảm bảo hoạt động của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong dự toán chi thường xuyên lĩnh vực tương ứng của đơn vị (nếu có).
c) Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo: Thuyết minh rõ cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo dục, chi thực hiện cơ chế miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; kinh phí triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục (Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 về hỗ trợ học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2010 phê duyệt Đề án Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016...). Biểu mẫu lập dự toán kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí thực hiện theo Biểu số 02 đính kèm Công văn này.
d) Đối với kinh phí thực hiện các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần thuyết minh các nội dung:
Tổng kinh phí được phê duyệt cho Chương trình đề án; Dự toán kinh phí đã bố trí đến hết năm 2014; Kinh phí đã thực hiện của từng chương trình, đề án hết năm 2013 và dự kiến thực hiện đến hết năm 2014; Số kinh phí đề nghị bố trí năm 2015.
Bộ thông báo cho đơn vị biết và khẩn trương tổ chức thực hiện