Bộ Tư pháp công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013

10/03/2014

Thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ đầu thống nhất trong cả nước quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL (Theo Quyết định số 2164/QĐ-BTP ngày 29/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành “Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013”), trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của các đơn vị, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã có văn bản số 25/BC-KTrVB ngày 25/01/2014 báo cáo Bộ trưởng kết quả hệ thống hóa văn bản. Sau khi xem xét Báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản QPPL và kết quả hệ thống hóa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 480/QĐ-BTP ngày 03/3/2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013.

Theo đó, kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013, bao gồm:

i. Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013;

ii. Danh mục tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đối tượng hệ thống hóa thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013;

iii. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013;

iv. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013;

v. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp quy định tại Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được sắp xếp thành 20 lĩnh vực, cụ thể là:

(i) Lĩnh vực Bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại);

(ii) Lĩnh vực Bồi thường nhà nước;

(iii) Lĩnh vực Dân sự - Kinh tế;

(iv) Lĩnh vực Đăng ký giao dịch bảo đảm;

(v) Lĩnh vực Hình sự - Hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

(vi) Lĩnh vực Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;

(vii) Lĩnh vực Hợp tác quốc tế;

(viii) Lĩnh vực Kế hoạch - Tài chính;

(ix) Lĩnh vực Kiểm soát thủ tục hành chính;

(x) Lĩnh vực Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL;

(xi) Lĩnh vực Lý lịch tư pháp;

(xii) Lĩnh vực Nuôi con nuôi;

(xiii) Lĩnh vực Pháp luật quốc tế;

(xiv) Lĩnh vực Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở;

(xv) Lĩnh vực Thi đua - Khen thưởng;

(xvi) Lĩnh vực Thi hành án dân sự;

(xvii) Lĩnh vực Tổ chức cán bộ;

(xviii) Lĩnh vực Trợ giúp pháp lý;

(xix) Lĩnh vực Xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, pháp chế;

(xx) Lĩnh vực khác.

Quá trình tổ chức triển khai Quyết định số 2164/QĐ-BTP ngày 29/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành “Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013” (sau đây gọi là Kế hoạch số 2164) cho thấy, một số đơn vị đã tích cực phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản tại đơn vị như Cục Bồi thường Nhà nước, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia... bảo đảm thời gian, tiến độ theo yêu cầu. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa tích cực triển khai hệ thống hóa văn bản, do đó,  không bảo đảm thời hạn, mặc dù đã được thường xuyên đôn đốc.

Về chất lượng hệ thống hóa văn bản, theo Kế hoạch số 2164, phạm vi văn bản hệ thống hóa là tất cả các văn bản được ban hành đến hết ngày 31/12/2013 qua rà soát xác định còn hiệu lực (bao gồm cả các văn bản được ban hành nhưng đến hết ngày 31/12/2013 chưa có hiệu lực và các văn bản hết hiệu lực một phần).

Qua việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra kết quả hệ thống hóa văn bản của các đơn vị, Cục Kiểm tra văn bản thấy rằng, bước đầu, các đơn vị đã tập hợp tương đối đầy đủ các văn bản thuộc trách nhiệm của đơn vị mình. Qua công tác rà soát, các đơn vị đã xác định được văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và ban hành mới đối với các văn bản không còn phù hợp hoặc chưa có pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa xác định được đầy đủ các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị, việc xác định hiệu lực văn bản chưa chính xác.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, có một số khó khăn, vướng mắc như:

- Rà soát, hệ thống hóa văn bản là nhiệm vụ đã được các đơn vị thực hiện nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay mới được triển khai bài bản theo một quy trình thống nhất. Vì vậy, khi triển khai thực hiện, các đơn vị còn gặp nhiều lúng túng vì chưa nắm được rõ bản chất, yêu cầu và trình tự, thủ tục rà soát, hệ thống hóa văn bản.

- Quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản đòi hỏi phải xác định được chính xác tình trạng hiệu lực của văn bản, sự phù hợp, thống nhất của văn bản trong hệ thống văn bản QPPL. Đây là một việc hết sức khó khăn, mặc dù kỹ thuật xây dựng văn bản ngày càng được hoàn thiện, nhưng rất nhiều văn bản được ban hành chưa tuân thủ đúng quy định về kỹ thuật xây dựng văn bản, đặc biệt là quy định về hiệu lực của văn bản. Ngoài ra, có văn bản được sửa đổi, bổ sung rất nhiều lần (chưa có văn bản thay thế) gây khó khăn cho việc xác định các nội dung hết hiệu lực và còn hiệu lực.

- Quá trình hệ thống hóa văn bản đòi hỏi phải tập hợp được đầy đủ các văn bản phục vụ hệ thống hóa. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật chính thức nào có được đầy đủ các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp ban hành từ trước đến nay. Việc lưu trữ các văn bản thuộc nguồn văn bản phục vụ rà soát, hệ thống hóa theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP tại chính các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, một số đơn vị không xác định được chính xác các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa của đơn vị mình, không cung cấp được thông tin liên quan đến văn bản.

- Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản là công tác khó, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, nhiều đơn vị khi triển khai Kế hoạch hệ thống hóa chưa lường trước được mức độ khó khăn trong công tác này, dẫn đến tình trạng chủ quan, không chủ động thực hiện từ sớm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng của kết quả hệ thống hóa văn bản.

- Về sự phối hợp của các đơn vị: Như đã trình bày ở trên, khi triển khai thực hiện hệ thống hóa, nhiều đơn vị chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác này cũng như chưa lường trước được mức độ khó khăn của công việc, do đó, chưa xác định đúng trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản của đơn vị mình theo quy định pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị thường lấy lý do bận nhiều công việc chuyên môn nên dành rất ít thời gian để thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa. Vì vậy, việc phối hợp giữa Cục Kiểm tra văn bản với một số đơn vị thiếu chặt chẽ, thậm chí hết sức khó khăn.

- Việc chuyển giao nhiệm vụ giữa các đơn vị trong Bộ hoặc giữa Bộ Tư pháp với các Bộ ngành khác cũng gây khó khăn cho việc tập hợp và xác định tình trạng hiệu lực của văn bản.

Từ những kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ đầu nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kiến nghị Bộ trưởng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành hoặc liên tịch ban hành của Bộ Tư pháp; đặc biệt là các quy định về kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Thứ hai, đề nghị Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ:

a) Tăng cường ý thức trách nhiệm, thường xuyên rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý được giao; kịp thời phát hiện quy định mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, cũng là cơ sở để tạo thuận lợi cho việc hệ thống hóa văn bản các kỳ tiếp theo;

b) Bố trí công chức có kinh nghiệm, trình độ thực hiện nhiệm vụ rà soát thường xuyên và định kỳ hệ thống hóa văn bản QPPL; Phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ này;

c) Chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL làm cơ sở cho việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác lưu trữ văn bản QPPL phục vụ công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL;

d) Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL, khẩn trương soạn thảo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới để trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định;

Trường hợp các văn bản chưa được đưa vào kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản, đề án của Bộ hoặc cơ quan cấp trên thì khẩn trương nghiên cứu, sớm đề xuất đưa vào kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản, đề án.

đ) Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL được công bố, tiến hành rà soát ngay các văn bản QPPL theo Hiến pháp, xác định nội dung trái với Hiến pháp, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để phù hợp với Hiến pháp./.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật