Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

23/01/2014
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết trên với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

a) Tập trung rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp (sửa đổi), danh mục các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp; đề xuất xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo khoa học, hợp lý, khả thi, chú trọng tới các dự án luật về tổ chức bộ máy, hoàn thiện thể chế kinh tế, các luật về tố tụng và các luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết của Quốc hội về quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013 và Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Tham gia tích cực và có chất lượng vào quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh này.

b) Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp về vốn, tài sản của các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, người dân.

Khẩn trương soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất), dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi); tổng kết thi hành Bộ luật hình sự và báo cáo Chính phủ về một số định hướng lớn sửa đổi Bộ luật hình sự; chỉnh lý, hoàn thiện Luật công chứng (sửa đổi), Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Hoàn thiện các dự án Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật xây dựng (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh khác theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 bảo đảm tiến độ, chất lượng.

c) Tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết 67/2013/QH13 của Quốc hội. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết theo Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội.

d) Tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dự thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo văn bản, chú trọng hơn tới tính khả thi, tính hợp lý của VBQPPL. Phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để soạn thảo, thẩm định các VBQPPL nhằm cụ thể hóa giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ, các VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực pháp luật; tăng cường hơn nữa việc thẩm định thông qua cơ chế Hội đồng thẩm định với sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học vào việc thẩm định VBQPPL.

2. Công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014, trong đó tập trung vào những vấn đề kinh tế, xã hội có nhiều quan tâm như nông nghiệp, nông thôn, đất đai, giáo dục, y tế và XLVPHC, qua đó kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tổ chức chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

b) Thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, gắn kết việc kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản QPPL; đẩy mạnh việc rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính trong toàn quốc. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Triển khai đồng bộ Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2011 - 2020, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự án Luật hộ tịch trình Quốc hội cho ý kiến. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.

c) Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định của Chính phủ và Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phát huy hiệu quả công cụ xử lý hành chính của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quản lý và sử dụng đúng quy định các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính.

3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở

a) Đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội, gắn kết với nội dung hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, chú trọng người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2014 với hình thức và nội dung phù hợp, nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm cộng đồng của người dân, tổ chức, tạo nên sự bền vững của kỷ cương, phép nước. Đề xuất sửa đổi, bổ sung những giải pháp, chỉ tiêu nhiệm vụ đã tỏ ra bất cập, đẩy mạnh xã hội hóa; đồng thời phải đưa trợ giúp pháp lý của Nhà nước theo đúng nghĩa là để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong quá trình tham gia tố tụng, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ pháp luật. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành thông qua Chương trình ”Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” hoặc các hình thức khác.

b) Tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và những VBQPPL mới được ban hành, nhất là những văn bản liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm với đời sống xã hội. Tăng cường tuyên truyền chủ quyền biển đảo, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác trên các vùng biển, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.

b) Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công đồng dân cư.

4. Công tác bổ trợ tư pháp và đăng ký giao dịch bảo đảm

a) Tập trung hoàn thiện dự án Luật Công chứng sửa đổi để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Phối hợp Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới thành lập tổ chức công chứng toàn quốc.

b) Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công chứng, giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài sản để tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, giúp bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ nhanh chóng, phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, nhất là việc bán đấu giá tài sản sung công, tài sản phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, tài sản công, quyền sử dụng đất, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết nợ xấu, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

c) Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp, tiếp tục tháo gỡ một số điểm nghẽn trong công tác này; củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; có cơ chế, chính sách thu hút những người có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc tại các tổ chức giám định, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất, đảm bảo trở thành một công cụ đắc lực phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

5. Công tác Thi hành án dân sự (THADS)

a) Triển khai thực hiện các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự được Quốc hội giao theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác tư pháp, phấn đấu kết quả thi hành năm 2014 đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng. Tập trung xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật THADS, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

b) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

c) Chỉ đạo và triển khai các công việc liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là việc hoàn thiện thể chế, bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập các Văn phòng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án đã được phê duyệt về thí điểm chế định Thừa phát lại tại các địa phương thuộc diện thí điểm.

6. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật

a) Chủ động, tích cực hội nhập đời sống và chuẩn mực pháp lý quốc tế; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp ý kiến đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước ngoài, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hạn chế thấp nhất những rủi ro pháp lý phát sinh; nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài.

b) Phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện các dịch vụ công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước ngoài

7. Các nhiệm vụ công tác khác

7.1. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

a) Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được phê duyệt, hạn chế tối đa chi chuyển nguồn, bảo đảm triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua sắm xe công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng chương trình công tác đối ngoại trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt trong quý I/2014, hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước. Rà soát các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác tại địa phương, bảo đảm gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả.

b) Tổ chức rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ, đảm bảo đến năm 2015 cơ bản hoàn thành các dự án đang thi công dở dang; ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2014. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng.

c) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư của Bộ Tư pháp sử dụng vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

d) Phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cán bộ, công chức và hệ thống các cơ quan, tổ chức trong Ngành Tư pháp.

7.2. Bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04  tháng  02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó quy định Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm thống nhất với Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

b) Bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật; khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Thông tư liên tịch hướng dân việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở; nghiên cứu xây dựng, đề xuất dòng ngân sách riêng về trợ giúp pháp lý.

c) Triển khai có hiệu quả đề án xây dựng các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, chức danh tư pháp; đẩy mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là cho các địa bàn khó khăn về nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành trong năm 2014 giai đoạn 1 các Trường Trung cấp Luật: Buôn Ma Thuật, Vị Thanh; khởi công xây dựng các Trường Trung cấp Luật: Thái Nguyên, Đồng Hới; tích cực chuẩn bị đầu tư Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, phân hiệu Học viện tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đà Nẵng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp các cấp./.