Triển khai Kế hoạch số 2485/KH-ĐA ngày 01/4/2013 về thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”, Ban chỉ đạo Đề án chọn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên để thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo điểm Đề án năm 2013.
Để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng nhiệm vụ chỉ đạo điểm, góp phần thiết thực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn, Ban chỉ đạo Đề án hướng dẫn như sau:
1. Phạm vi chỉ đạo điểm
Năm 2013, việc thực hiện chỉ đạo điểm tập trung vào hoạt động tổ chức 01 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho thanh niên và cán bộ đoàn viên thanh niên.
Cuộc thi được tổ chức tại một xã/phường/thị trấn trên địa bàn các tỉnh, thành phố chọn điểm.
2. Nội dung các công việc cần triển khai: Căn cứ phạm vi chỉ đạo điểm, đề nghị Sở Tư pháp khẩn trương phối hợp với Tỉnh/Thành Đoàn thực hiện các công việc sau đây:
2.1. Chọn điểm 01 (một) xã/phường/thị trấn để tổ chức cuộc thi, chú trọng địa bàn có điểm “nóng” về tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh niên, thiếu niên…
2.2. Xây dựng Kế hoạch tổ chức cuộc thi
Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Tỉnh/Thành Đoàn xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi trước ngày 30/6/2013.
Kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, thời gian, nội dung, phân công trách nhiệm (Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã/phường/thị trấn được chọn điểm và việc phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên cùng cấp để tổ chức cuộc thi) trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nội dung sau:
a. Đối tượng dự thi: là đoàn viên, thanh niên ở xã, phường, thị trấn. Mỗi chi đoàn thanh niên cử 01 (một) đội tham gia cuộc thi.
b. Thời gian tổ chức cuộc thi: Cuộc thi được tổ chức từ tháng 8 đến tháng 10/2013, chậm nhất là ngày 18/10/2013.
c. Nội dung, hình thức tổ chức cuộc thi:
Chủ đề, nội dung của cuộc thi gồm:
- Kiến thức pháp luật, chú trọng các nội dung về quyền, nghĩa vụ, các quy định về hôn nhân - gia đình, phòng chống bạo lực, mua bán người, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, công việc, sinh hoạt, học tập của thanh niên trên địa bàn.
- Kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức xã hội, tập trung trao đổi, giới thiệu những cách làm hay, những kinh nghiệm trong công tác vận động, giáo dục ý thức công dân và pháp luật cho thanh thiếu niên; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, hiệu quả đã, đang được vận dụng, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn; nêu gương điển hình về chấp hành pháp luật, thanh niên hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng…
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức sân khấu, bao gồm các phần thi sau:
- Thi trắc nghiệm về kiến thức pháp luật: Người dự thi trực tiếp bốc câu hỏi thi, Ban tổ chức cuộc thi đọc câu hỏi và đưa ra các phương án trả lời để người dự thi lựa chọn một trong các phương án đó.
- Thi xử lý tình huống (có thể là tình huống pháp luật hoặc tình huống về vận dụng kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật): Người dự thi trực tiếp chọn tình huống pháp luật, vận dụng hiểu biết, kiến thức của mình để xử lý tình huống đó.
- Thi năng khiếu, sáng tạo: là phần thi tự chọn do người dự thi đăng ký trước với Ban tổ chức, gồm các tiết mục tự biên (hát, ngâm thơ, diễn kịch, tiểu phẩm…) có nội dung giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên (cá nhân hoặc tập thể biểu diễn), hoặc tuyên truyền các gương sáng chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, thanh niên hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng thành công trên địa bàn nhờ có sự đóng góp của người dự thi, đội thanh niên, chi đoàn thanh niên ở cơ sở; giới thiệu những cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thanh thiếu niên…
d. Giải thưởng cuộc thi: Căn cứ vào số lượng đội thi tham dự, Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện nơi có xã/phường/thị trấn được chọn điểm xây dựng cơ cấu giải thưởng phù hợp với điều kiện thực tế nhưng đảm bảo phải có: giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích, để việc tổ chức cuộc thi có ý nghĩa, đạt kết quả tốt.
2.3. Xây dựng Bộ câu hỏi thi
Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tư pháp cấp huyện nơi có xã/phường/thị trấn được chọn điểm xây dựng Bộ câu hỏi thi (trắc nghiệm, đáp án và các tình huống pháp luật). Để Bộ câu hỏi thi đáp ứng yêu cầu về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn, phù hợp với nhận thức, trình độ của đối tượng dự thi, đơn vị được giao chủ trì xây dựng Bộ câu hỏi thi chú trọng huy động tổ chức Đoàn thanh niên, chuyên gia, báo cáo viên có kinh nghiệm, cán bộ Tư pháp – hộ tịch xã/phường/thị trấn được chọn điểm tham gia xây dựng, góp ý Bộ câu hỏi thi.
Việc xây dựng Bộ câu hỏi thi và đáp án hoàn thành trước ngày 31/7/2013.
2.4. Thành lập Ban tổ chức, Ban Giám khảo, chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ việc tổ chức cuộc thi
Sở Tư pháp chỉ đạo phòng Tư pháp cấp huyện nơi có xã/phường/thị trấn được chọn điểm hướng dẫn cán bộ Tư pháp – hộ tịch tham mưu UBND cùng cấp thành lập Ban tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi, chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc tổ chức cuộc thi (hội trường, âm thanh, khẩu hiệu…).
Việc thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi hoàn thành trước ngày 10/8/2013.
2.5. Tổ chức cuộc thi
Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc chấm thi, xếp giải thưởng, công bố kết quả và tổng kết cuộc thi; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tổ chức cuộc thi sáng tạo, phù hợp và đạt kết quả tốt; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc cuộc thi; báo cáo kết quả để Ban chỉ đạo Đề án Trung ương tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
2.6. Tuyên truyền cuộc thi
Nhằm tuyên truyền các mô hình chỉ đạo điểm về phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên, đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp tổ chức tuyên truyền cuộc thi, đưa tin trên loa truyền thanh xã/phường/thị trấn được chọn điểm tổ chức cuộc thi, phối hợp với các báo, đài truyền thanh cấp huyện viết tin bài, quay phim, ghi hình.... Các băng đĩa ghi hình tổ chức cuộc thi được gửi về Thường trực Đề án Trung ương (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để lựa chọn, làm tài liệu tham khảo cho các địa phương.
3. Kinh phí tổ chức Hội thi:
Bộ Tư pháp hỗ trợ kinh phí để các tỉnh, thành phố chọn điểm tổ chức cuộc thi. Mức kinh phí hỗ trợ là: 40.000.000đ/tỉnh, thành phố (Bốn mươi triệu đồng).
Các nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo hướng dẫn tại phụ lục Hợp đồng ký kết giữa Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp về hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án năm 2013. Các khoản kinh phí khác phát sinh trong quá trình tổ chức Hội thi do địa phương chịu trách nhiệm.
Khoản kinh phí trên sẽ được Bộ Tư pháp gửi đến Sở Tư pháp bằng hình thức chuyển khoản, đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan thuộc Sở, phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp-hộ tịch xã/phường/thị trấn được chọn điểm tổ chức cuộc thi phối hợp để thực hiện.
4. Quyết toán chứng từ, thông tin, báo cáo:
Sở Tư pháp gửi hồ sơ chứng từ quyết toán (theo hướng dẫn tại Phụ lục Hợp đồng) về Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp sau khi hoàn thành hoạt động chỉ đạo điểm, chậm nhất là ngày 31/10/2013 để tổng hợp, quyết toán theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn việc triển khai nhiệm vụ chỉ đạo điểm Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên” năm 2013, đề nghị Sở Tư pháp chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kịp thời. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Sở Tư pháp phản ánh về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để nghiên cứu, hướng dẫn.