Phúc đáp Công văn số 322/STP-TTr ngày 07/3/2012 của Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang về việc xin ý kiến chỉ đạo một số vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính. Thanh tra Bộ có ý kiến như sau:
Căn cứ vào nội dung Công văn nói trên thì công chứng viên Hoàng Kim Thịnh đã soạn thảo và công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 789-HĐCNQSDĐ ngày 05/10/2011 giữa bà Trịnh Thị Hải và ông Nguyễn Mạnh Thắng với diện tích 183 m2 đất ở, tài sản gắn liền với đất là nhà xây cấp IV, diện tích 165m2. Tuy nhiên, nghiên cứu các tài liệu gửi kèm theo Công văn cho thấy không có tài liệu thể hiện bà Hải được chứng nhận có quyền sở hữu đối với nhà cấp IV nói trên, đồng thời trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V 006585 do Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Quang cấp ngày 05/07/2002 cho bà Trịnh Thị Hải cũng không thể hiện việc trên diện tích 183 m2 đất ở có nhà cấp IV, diện tích 165m2.
Theo quy định của Luật nhà ở năm 2005, Hợp đồng số 789-HĐCNQSDĐ ngày 05/10/2011 do công chứng viên Hoàng Kim Thịnh soạn thảo và công chứng đã vi phạm điều kiện của nhà ở khi tham gia giao dịch. Điều 91 Luật nhà ở năm 2005 về Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch:
“1. Trong các giao dịch về mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở thì nhà ở phải có các điều kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;
b) Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
c) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Vì vậy, căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Nghị định 60/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, Thanh tra Sở Tư pháp tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công chứng viên Hoàng Kim Thịnh.
Trong trường hợp Thanh tra Sở Tư pháp lập biên bản vi phạm hành chính mà công chứng viên từ chối ký biên bản vi phạm hành chính thì căn cứ Khoản 22, Điều 1 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 về việc lập biên bản vi phạm hành chính, Thanh tra Sở phải lập biên bản và ghi rõ lý do vào biên bản. (Khoản 22, Điều 1 quy định: Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 55. Lập biên bản về vi phạm hành chính
................................
3. Biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản; phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trong trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.”)
Trên đây là ý kiến của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực công chứng tại tỉnh Hà Giang, đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở thực hiện.