Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2019Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2019 như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 11 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 14 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ;
2. Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
3. Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
4. Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014//NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai;
5. Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón;
6. Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
7. Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
8. Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền;
9. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
10. Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;
11. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
12. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
13. Nghị định số 92/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019 - 2020;
14. Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, cụ thể: (1) Phạm vi và đối tượng áp dụng; (2) Thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động; (3) Chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; (4) Doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; (5) Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; (6) Doanh thu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; (7) Chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; (8) Báo cáo tài chính; (9) Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; (10) Cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; (11) Đối tượng cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới; (12) Điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; (13) Phương thức thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam; (14) Trách nhiệm của đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; (15) Trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; (16) Trách nhiệm của Bộ Tài chính.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, cụ thể: (1) Đối tượng áp dụng; (2) Hình thức xử phạt; (3) Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài; (4) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hoạt động môi giới, đại lý bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm và văn phòng đại diện; (5) Xử phạt đối với các hành vi vi phạm cùng cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; (6) Hành vi vi phạm quy định về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
2. Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 11 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục các vấn đề hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân và của hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tài trợ phổ biến cũng như các hành vi bất hợp pháp khác có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 43 điều quy định cụ thể: (1) Quy định chung về: Áp dụng Nghị định phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các luật liên quan và điều ước quốc tế; Nguyên tắc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Chính sách phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Thanh tra, kiểm tra; Bảo mật thông tin; Nguồn kinh phí; (2) Tổ chức phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (3) Phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (4) Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (5) Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (6) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với công dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam; tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và tàu bay mang quốc tịch Việt Nam dù đang ở bất cứ nơi nào; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
3. Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 12 năm 2019.
Nghị định này thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Nghị định này bãi bỏ quy định tại Điều 4 của Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được trích dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng và Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 23 điều quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ; Quy định phá dỡ tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài bị chìm đắm tại Việt Nam; (2) Quản lý hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; (3) Nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Mẫu các văn bản liên quan đến nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, gồm: (1) Văn bản đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng vào hoạt động; (2) Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng vào hoạt động; (3) Văn bản đề nghị quyết định lại đưa cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng vào hoạt động; (4) Văn bản đề nghị phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển; (5) Quyết định phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển; (6) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; (7) Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
4. Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014//NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 94/2014//NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, cụ thể: (1) Thành lập Quỹ; (2) Đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp; (3) Quản lý thu, kế hoạch thu nộp Quỹ; (4) Nội dung chi của Quỹ; (5) Phân bổ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; (6) Thẩm quyền chi Quỹ; (7) Báo cáo, phê duyệt quyết toán; (8) Thay đổi cụm từ “tổ chức kinh tế hạch toán độc lập” thành cụm từ “tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn” tại khoản 1 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6; khoản 1, khoản 4 Điều 8 và Điều 15 của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
5. Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về quản lý phân bón hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định này bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao quy định chi tiết quy định chi tiết khoản 5 Điều 36, khoản 4 Điều 37, khoản 3 Điều 38, khoản 2 Điều 40, khoản 4 Điều 41, khoản 3 Điều 42, khoản 3 Điều 44, khoản 4 Điều 45, khoản 4 Điều 46 và khoản 2 Điều 49 về quản lý phân bón của Luật trồng trọt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 29 điều quy định về quản lý phân bón, cụ thể: (1) Quy định chung về: Phân loại phân bón; Thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này; (2) Cấp, cấp lại, gia hạn, hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành và quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón; (3) Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; (4) Nhập khẩu phân bón, kiểm tra nhà nước về nhập khẩu phân bón, lấy mẫu và quảng cáo phân bón; (5) Trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón; (6) Điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, gồm: (1) Ban hành các biểu mẫu (Đơn đề nghị cấp/cấp lại/gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng phân bón; Quyết định về việc công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Đơn đề nghị công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón; Bản thuyết minh điều kiện thực hiện khảo nghiệm phân bón; Quyết định về việc công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón; Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất phân bón hoặc buôn bán phân bón; Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón; Tờ khai kỹ thuật; Giấy phép nhập khẩu phân bón; Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu; Biên bản lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu; Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu; Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón; Đơn đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phân bón; Văn bản xác nhận nội dung quảng cáo); (2) Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón; (3) Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn bị bãi bỏ.
6. Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Nghị định này bãi bỏ các quy định sau: (1) Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; (2) Các Điều 4, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23; quy định liên quan đến thủ tục tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng thủy nội địa tại các Điều 5, 6, 7, 10 của Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; (3) Điều 8 Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không; (4) Điểm l khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; (5) Cụm từ “sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi” tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; (6) Nội dung quy định về kiểm tra chuyên ngành tại khoản 5, khoản 6 Điều 60 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 43 điều quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể: (1) Quy định chung về: Chức năng của Cổng thông tin một cửa quốc gia; Nguyên tắc vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia; Các giao dịch điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia; Thẩm quyền và mức độ truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia; Lưu trữ và bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu; Trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia; (2) Quy định về thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia; (3) Thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia; (4) Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; (5) Thủ tục hành chính đối với tàu bay nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh; (6) Thủ tục hành chính đối với tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, đến, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi và hoạt động trong vùng biển Việt Nam; (7) Thực hiện thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ; (8) Thực hiện các điều ước quốc tế về trao đổi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia; (9) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện vận tải; (3) Tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu, tổ chức cung cấp chữ ký và chứng thư số, tổ chức cung cấp phần mềm.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, gồm: (1) Chỉ tiêu đăng ký thông tin đối với người khai đã có tài khoản tại các hệ thống xử lý chuyên ngành; (2) Chỉ tiêu đăng ký thông tin đối với người khai cấp tài khoản mới.
7. Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp có văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải có biện pháp bảo đảm có vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định tại Điều 2 Nghị định này.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các quy định về vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng; (2) Điều 3 Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng; Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng; Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể: (1) Mức vốn pháp định (Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng); (2) Quy định chuyển tiếp; (3) Trách nhiệm thi hành.
8. Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 11 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, cụ thể: (1) Đối tượng áp dụng; (2) Chủ sở hữu hưởng lợi; (3) Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; (4) Giao dịch liên quan tới công nghệ mới; (5) Bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền; (6) Báo cáo giao dịch đáng ngờ; (7) Trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin; (8) Báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; (9) Chuyển giao thông tin; (10) Trao đổi thông tin; (11) Trì hoãn giao dịch; (12) Phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản.
9. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Nghị định này thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 59 điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể: (1) Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả; (2) Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép; (3) Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành; (4) Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp; (5) Vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ; (6) Vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; (7) Vi phạm quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; (8) Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; (9) Vi phạm quy định về thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ; (10) Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (11) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (12) Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi; (13) Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; (14) Vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo; (15) Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền; (16) Vi phạm quy định về mua, bán và xử lý nợ; (17) Vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; (18) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; (19) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
10. Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Nghị định này bãi bỏ Điều 13, Điều 17 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Điều 20 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều quy định về:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cụ thể: (1) Xác nhận vốn; (2) Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không; (3) Điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác; (4) Điều kiện về tổ chức bộ máy; (5) Điều kiện về vốn; (6) Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển; (7) Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung; (8) Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung; (9) Hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung; (10) Những thay đổi đối với doanh nghiệp phải thông báo; (11) Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng không; (12) Biện pháp quản lý quyền vận chuyển hàng không; (13) Quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam; (14) Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không; (15) Điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; (16) Thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; (17) Điều kiện cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam; (18) Điều kiện của cơ sở thiết kế, sản xuất hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam; (19) Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; (20) Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; (21) Giáo viên của cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; (22) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; (23) Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, cụ thể: (1) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại; (2) Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại; (3) Sử dụng thương hiệu.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, gồm: (1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; (2) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; (3) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
11. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhằm bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động, từng bước tiếp cận mức sống tối thiểu của người lao động, phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể: (1) Mức lương tối thiểu vùng; (2) Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn; (3) Áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; (2) Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; (3) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; (4) Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
12. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2020.
Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định này bãi bỏ điểm đ khoản 3 và điểm i khoản 6 Điều 57 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai; tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật về đất đai.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 44 điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể: (1) Quy định chung về: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Áp dụng mức phạt tiền; Việc xác định số lợi bất hợp pháp; Xác định diện tích đất vi phạm và mức phạt hành vi vi phạm hành chính; (2) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (3) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này gồm các đối tượng dưới đây có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo; (2) Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
13. Nghị định số 92/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019 – 2020
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 01 năm 2020 cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng nêu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đăng ký từ ngày 26 tháng 02 năm 2019 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế suất cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019 – 2020.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ký tại Phnôm Penh, Campuchia ngày 26 tháng 02 năm 2019 (sau đây viết tắt là Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 - 2020) và điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 – 2020, cụ thể: (1) Danh mục hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan theo Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 – 2020; (2) Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%; (3) Thuế suất và hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia; (4) Hàng hóa nông sản.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, gồm: (1) Danh mục các mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia nhập khẩu vào việt nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; (2) Danh mục các mặt hàng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan có xuất xứ từ Campuchia; (3) Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng ưu đãi theo thỏa thuận Việt Nam – Campuchia.
14. Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Nghị định này thay thế Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Trường hợp quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật trước đây nhưng chưa kiện toàn theo quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn 06 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực quỹ phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 20 và các điểm b, c khoản 2 Điều 25 của Nghị định này gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) và Hội đồng quản lý quỹ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 50 điều quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung về: Mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ; Chính sách của Nhà nước đối với quỹ; Tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của quỹ; Quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ; Các hành vi bị nghiêm cấm; (2) Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thành lập quỹ; (3) Tổ chức và hoạt động của quỹ; (4) Tài sản, tài chính của quỹ; (5) Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên; đình chỉ có thời hạn và giải thể quỹ; (6) Quản lý nhà nước đối với quỹ; (7) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với công dân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài có liên quan.
15. Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2)
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định này được thực hiện từ năm 2016.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 02 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2), cụ thể: (1) Nguồn vốn thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất, quyết toán vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, mức vay, phương thức cho vay, giải ngân vốn vay và thủ tục quy trình vay vốn; (2) Tổ chức thực hiện.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2019, Bộ Tư pháp xin thông báo./.