Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 4 năm 2018Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 4 năm 2018 như sau:I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 4 năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 12 Nghị định của Chính phủ và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
2. Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa;
3. Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
4. Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;
5. Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
6. Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
7. Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt;
8. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
9. Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp;
10. Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
11. Nghị định số 60/2018/NĐ ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
12. Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
2. Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
3. Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 5 năm 2018.
Nghị định này thay thế Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ…; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Theo Nghị định, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gồm 19 đơn vị trực thuộc, trong đó có 14 đơn vị giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 đơn vị sự nghiệp.
2. Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về: (1) Giải thích từ ngữ; (2) Quản lý nhà nước; (3) Thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài; (4) Thông báo liên thông giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài; (5) Địa vị pháp lý, điều lệ hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ báo cáo, thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa; (6) Điều kiện, hồ sơ đề nghị, thẩm tra và cấp giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; (7) Nội dung giấy phép, sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; (8) Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; (9) Trung tâm thanh toán bù trừ; (10) Quyền, nghĩa vụ của Trung tâm thanh toán bù trừ; (11) Hàng hóa mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa; (12) Thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính; (13) Nghĩa vụ công bố thông tin của Sở Giao dịch hàng hóa; (14) Thu hồi Giấy phép.
- Ban hành kèm theo Nghị định này 03 phụ lục, gồm: (1) Phụ lục 1 về: (i) Mẫu giấy đề nghị cấp giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; (ii) Mẫu Giấy đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; (iii) Mẫu Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; (2) Phụ lục 2 về: (i) Báo cáo hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa; (ii) Báo cáo danh sách thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa; (3) Phụ lục 3 về: Mẫu giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa.
3. Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2018.
Nghị định này thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và có cơ sở để tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển ngành nghề nông thôn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 25 điều quy định các hoạt dộng phát triển ngành nghề nông thôn và một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề cụ thể: (1) Công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; (2) Quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn; (3) Quản lý và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; (4) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồn: (1) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; (2) Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận.
4. Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 4 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều quy định: (1) Thay thế Phụ lục II Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ bằng Phụ lục II Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép kèm theo Nghị định này; (2) Ap dụng Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và (3) Điều khoản chuyển tiếp.
5. Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 4 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương; khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành nhằm hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 18 điều quy định một số nội dung hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật tổ chức chính quyền địa phương cụ thể: (1) Giải thích từ ngữ; (2) Các hành vi bị nghiêm cấm; (3) Nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến; (4) Thẩm quyền lập và niêm yết danh sách phát phiếu lấy ý kiến cử tri; khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri; (5) Mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền; (6) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về việc lấy ý kiến cử tri; (7) Mẫu phiếu, thời gian, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri; (8) Quyền và nghĩa vụ của cử tri; (9) Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; (10) Tiếp nhập, xử lý kiến nghị về kết quả lấy ý kiến cử tri; (11) Kinh phí tổ chức lấy ý kiến.
- Nghị định này áp dụng đối với: các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
- Ban hành kèm theo Nghị định này Mẫu Phiếu lấy ý kiến cử tri.
6. Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 4 năm 2018; trừ khoản 4 Điều 7 của Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2020 đối với tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20 tháng 9 năm 2017.
Nghị định này bãi bỏ: (1) Điều 19, 20, 21, 23, 24, 25 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; (2) khoản 18, 19, 20, 21, 22, 23 Điều 1 Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp và Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 23 điều quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón cụ thể: (1) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; (2) Quy định về mức phạt tiền; (3) Hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón, buôn bán phân bón, nhập khẩu phân bón, lấy mẫu phân bón; phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón, khảo nghiệm phân bón, sử dụng phân bón; (4) Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bón, người có thẩm quyền của các lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường.
Nghị định này áp dụng đối với: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón trên lãnh thổ Việt Nam.
7. Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật đường sắt; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tằng đường sắt.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 40 điều quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt cụ thể: (1) Giải thích từ ngữ; (2) Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; (3) Thẩm quyền, trình tự đổi tên tuyến, tên ga đường sắt; (4) Điều kiện tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt; (5) Tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia, đô thị; (6) Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt, ga, đề-pô đường sắt, thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt, phía dưới mặt đất của công trình đường sắt, kè đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt; đường sắt tại khu vực đường ngang; đường sắt trong trường hợp đường sắt chạy gần, liền kề hoặc giao nhau khác mức với công trình đường bộ; đường sắt trong trường hợp đường sắt và luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải chạy gần, liền kề nhau; đường sắt trong trường hợp đường sắt và lưới điện cao áp chạy gần nhau; đường sắt trong trường hợp đường sắt đi gần công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đường sắt trong trường hợp đường sắt đi gần công trình di tích lịch sử - văn hóa; (7) Quản lý, sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt gồm: Xác định ranh giới đất, hồ sơ quản lý đất, nội dung quản lý đất, xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất, hoạt động, sử dụng đất, xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt; (6) Trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt gồm: (i) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ; (ii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; (iii) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; (7) Giải quyết tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Nghị định này áp dụng đối với: tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và các hoạt động lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt có ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 phụ lục, gồm: (1) Phụ lục 1 về: Mẫu các văn bản sử dụng trong bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt: (i) Văn bản đề nghị tháo dỡ tuyến (đoạn tuyến, ga) đường sắt quốc gia, (ii) Quyết định tháo dỡ tuyến (đoạn tuyến, ga) đường sắt quốc gia; (iii) Văn bản đề nghị tháo dỡ tuyến (đoạn tuyến, ga) đường sắt đô thị; (iv) Quyết định tháo dỡ tuyến (đoạn tuyến, ga) đường sắt đô thị; (2) Phụ lục 2 về: Chi tiết xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
8. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 4 năm 2018.
Nghị định này thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật chuyển giao công nghệ; khắc phục những hạn chế bất, bất cập trong thực tiễn thi hành của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 20 điều quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cụ thể: (1) Giải thích từ ngữ; (2) Nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; (4) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; (5) Hỗ trợ tập trung đất đai; (6) Tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; (7) Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ, đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; (8) Nguồn vốn hỗ trợ; (9) Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư; (10) Trình tự thủ tục đầu tư; (11) Hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ; (12) Trách nhiệm của bộ, ngành trung ương và địa phương.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Doanh nghiệp nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định này; (2) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 phụ lục, gồm: (1) Phụ lục 1 về: Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn; (2) Phụ lục 2 về: Các mẫu văn bản sử dụng trong hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn: (i) Quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; (ii) Đề nghị hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; (iii) Công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thẩm tra ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp; (iv) Công văn cam kết hỗ trợ của Ủy ban nhân dân với doanh nghiệp; (v) Biên bản nghiệm thu hoàn thành dự án đầu tư hoặc hạng mục dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; (vi) Công văn của doanh nghiệp về việc tạm ứng (thanh toán) kinh phí.
9. Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với chính sách của Nhà nước theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 40 điều quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất cụ thể: (1) Quy định chung về bảo hiểm nông nghiệp như: (i) Giải thích từ ngữ, (ii) Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp, (iii) Nguyên tắc thực hiện và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; (2) Quy định cụ thể về thực hiện bảo hiểm nông nghiệp như: (i) Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp; (ii) Đồng, tái, bồi thường, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp, (iii) Giải quyết tranh chấp, (iv) Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp; (3) Kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm; (4) Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp như: (i) Đối tượng bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, địa bàn được hỗ trợ, (ii) Mức, nguồn kinh phí hỗ trợ, (iii) Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, (iv) Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong từng thời kỳ, (v) Phương thức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, (vi) Hồ sơ, trình tự, thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, (vii) Chấm dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, (viii) Lập dự toán ngân sách, (ix) Phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí, (x) Điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, (xi) Phương thức triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, (xii) Hợp đồng bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, (xiii) Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê chuẩn/thay đổi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, (xiv) Theo dõi doanh thu, chi phí; (5) Trách nhiệm của Bộ tài chính, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, của Hội Nông dân Việt Nam, của doanh nghiệp bảo hiểm.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (2) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Ban hành kèm theo Nghị định này các biểu mẫu, gồm: (1) Đơn đề nghị xem xét, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ; (2) Bản kê khai về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; (3) Quyết định Phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm; (4) Thông báo không còn được hỗ trợ bảo hiểm/thay đổi diện hộ nghèo, cận nghèo; (5) Đề nghị chi trả phí bảo hiểm; (6) Bảng kê hợp đồng bảo hiểm; (7) Đơn đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; (8) Báo cáo tình hình chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp; (9) Báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; (10) Bảng tổng hợp số lượng hộ, diện tích cây trồng , số lượng vật nuôi, diện tích nuôi thủy sản tham gia bảo hiểm nông nghiệp; (11) Bảng tổng hợp số lượng hộ, diện tích cây trồng , số lượng vật nuôi, diện tích nuôi thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; (12) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp; (13) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
10. Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.
Bãi bỏ cụm từ “sau thông quan” tại khoản 2 Điều 40, khoản 4 Điều 61, khoản 5 Điều 66, Điều 58, Điều 78, Điều 80 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định này được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định này gồm 03 điều sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về: (1) Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; (2) Kiểm tra, xác định trị giá hải quan; (3) Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (4) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển tại cảng biển; (5) Thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm; tàu biển, tàu bay tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sửa chữa, bảo dưỡng; máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, vật dụng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập khác; (6) Thời hạn cung cấp thông tin hồ sơ hải quan; (7) Hồ sơ hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; (8) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan; (9) Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, Thuyền trưởng và Hãng tàu hoặc người được Hãng tàu ủy quyền; (10) Hồ sơ hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh; (11) Thời hạn nộp hồ sơ hải quan; (12) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy xuất cảnh, nhập cảnh; (13) Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù; phương tiện vận tải đường thủy xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường sông; (14) Trang bị phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Ban hành lèm theo Nghị định này Mẫu Đơn đề nghị chuyển tải lưu kho, chia tách lô hàng, thay dổi phương thức vận chuyển phương tiện vận tải, đóng chung container, chung phương tiện chứa hàng với hàng xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa quá cảnh.
11. Nghị định số 60/2018/NĐ ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2018.
Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật thống kê 2015.
Ban hành kèm theo Nghị định này phụ lục Biểu mẫu báo cáo (dành cho các Bộ, ngành, cơ quan trung ương…).
12. Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 6 năm 2018.
Quyết định số 09/2015/QĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định này được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 09/2015/QĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 41 điều quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; không Điều chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia quy định tại Luật hải quan, cụ thể: (1) Tổ chức, mối quan hệ công tác và trụ sở bộ phận một cửa; (2) Phạm vi tiếp nhận và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; (4) Đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính; (5) Nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành, địa phương; (6) Kinh phí và trách nhiệm thi hành.
Nghị định này được áp dụng đối với: (1) Các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính (Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính và tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính); (2) Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định này, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; (3) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành; (4) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; (5) Các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác áp dụng Nghị định này trong giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân.
13. Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2018 và áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 12 điều quy định về hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cụ thể: (1) Cấp bù chênh lệch lãi suất đối với tổ chức tín dụng: Điều kiện được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất; mức chênh lệch lãi suất cấp bù, thời gian cấp bù chênh lệch lãi suất; chế độ báo cáo; (2) Cấp bù chênh lệch lãi suất đối với ngân hàng chính sách xã hội; (3) Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng.
Ban hành kèm theo Quyết định này các mẫu: (1) Kế hoạch cho vay Chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; (2) Báo cáo số liệu đề nghị quyết toán cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện cho vay Chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; (3) Báo cáo tình hình thực hiện cho vay Chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; (4) Báo cáo tình hình thực hiện cho vay Chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
14. Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định này bãi bỏ Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều quy định về: (1) Tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận có thời hạn đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) Hiệu lực, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (3) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Ban hành kèm theo Quyết định này các biểu mẫu: (1) Văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) Thuyết minh doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (3) Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
15. Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2020.
Trong thời hạn Quyết định này có hiệu lực, tạm dừng thực hiện Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Hết thời hạn hiệu lực nếu chưa có Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 07 điều quy định việc tiêu hủy đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng cụ thể: (1) Nguyên tắc thực hiện; (2) Điều kiện tham gia đấu giá; (3) Trách nhiệm của doanh nghiệp trúng đấu giá; (4) Tổ chức thực hiện.
Quyết định này áp dụng đối với: (1) Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá để xuất khẩu theo quy định tại Điều 4 Quyết định này; (2) Các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc quản lý hoạt động tiêu hủy và thí điểm đấu giá thuốc lá.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 4 năm 2018, Bộ Tư pháp xin thông báo./.