Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 09 năm 2023

02/11/2023
Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2023 như sau:
I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 9 năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 69/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
2. Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
3. Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức;
4. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 69/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 9 năm 2023.
Quy định chuyển tiếp:
- Các trường hợp áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
+ Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm và đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày 15 tháng 11 năm 2022;
+ Đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm; đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng có hiệu lực trước ngày 15 tháng 11 năm 2022 nhưng chưa xử lý kỷ luật hành chính.
- Đối với các hành vi vi phạm đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện quy trình để xử lý; đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, còn trong thời hiệu nhưng chưa xử lý thì áp dụng quy định của Nghị định này.
- Không xem xét lại: Quyết định xử lý kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực, trừ trường hợp giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật; quyết định khác về việc xử lý kỷ luật đã có hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
- Trường hợp đã giao quyền, giao phụ trách trước ngày Nghị định này có hiệu lực và đã quá 12 tháng tính từ ngày quyết định giao quyền, giao phụ trách có hiệu lực thì trong vòng 03 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cấp có thẩm quyền phải thực hiện bố trí nhân sự theo quy định của Đảng và pháp luật; không tiếp tục thực hiện giao quyền, giao phụ trách đối với vị trí này.
+ Trường hợp đã giao quyền, giao phụ trách trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa đủ 12 tháng tính từ ngày quyết định giao quyền, giao phụ trách có hiệu lực và còn trên 03 tháng tính đến hết thời hạn 12 tháng thì thực hiện nốt đối với thời gian còn; trường hợp còn từ 03 tháng trở xuống thì thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều này; không tiếp tục thực hiện giao quyền, giao phụ trách đối với vị trí này.
+ Trường hợp đã giao quyền, giao phụ trách trước ngày Nghị định này có hiệu lực và người đang được giao quyền, giao phụ trách đã nhận thông báo nghỉ hưu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
+ Trường hợp đặc biệt do chưa có nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện thay thế cần kéo dài hơn so với thời gian quy định tại khoản này thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định về thời gian kéo dài phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật.
- Trường hợp đã được quy hoạch hoặc đang thực hiện quy trình quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, xử lý kỷ luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng quy định tại thời điểm thực hiện.    
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ. Bên cạnh đó, qua gần 03 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như việc xác định thời điểm nghỉ việc, nghỉ hưu, hướng chế độ hưu trí đối với người quản lý doanh nghiệp. Do đó, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP là cần thiết.  
c) Nội dung chủ yếu: Bố cục của Nghị định: Nghị định gồm 04 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản, điểm tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP.
- Phạm vi điều chỉnh: Thực hiện như quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP
- Đối tượng áp dụng: Ngoài các đối tượng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP, Nghị định này còn quy định thêm trường hợp áp dụng đối với các đối tượng khác tại Điều 2 như sau: “Cơ quan có thẩm quyền thành lập, quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức khác theo quy định của pháp luật mà không phải cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc áp dụng quy định về đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người quản lý quỹ, người quản lý tổ chức theo quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Nghị định này”.
- Nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định
+ Sửa đổi quy định về tập thể lãnh đạo doanh nghiệp để thống nhất trong triển khai, thực hiện;
+ Sửa đổi quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước bảo đảm phù hợp với Quy định số 132-QĐ/TW;
+ Sửa đổi quy định về nguyên tắc, điều kiện thực hiện quy hoạch, hồ sơ quy hoạch bảo đảm phù hợp với Quy định số 50-QĐ/TW;
+ Sửa đổi quy định về điều kiện bổ nhiệm; trình tự, thủ tục thực hiện bổ nhiệm với nguồn nhân sự tại chỗ và nguồn nhân sự từ nơi khác; hồ sơ bổ nhiệm bảo đảm phù hợp với Quy định số 80-QĐ/TW;
+ Bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển bảo đảm phủ hợp với Quy định số 65-QĐ/TW;
+ Sửa đổi quy định về miễn nhiệm, từ chức bảo đảm phù hợp với quy định số 41-QĐ/TW;
+ Sửa đổi các quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật bảo đảm phù hợp với Quy định 69-QĐ/TW và Nghị quyết số 76/2022/QH15;
+ Bổ sung cách xác định thời điểm nghỉ hưu, thời điểm hưởng chế độ hưu trí bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật về lao động.
2. Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 9 năm 2023.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ ban hành về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 (VBF), Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng kinh kế văn hoá Đài Bắc và một số địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cao Bằng,… phản ánh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung như: Các loại hình tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng lao động nước ngoài; điều kiện lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật, di chuyển nội bộ doanh nghiệp; người lao động nước ngoài làm việc tại nhiều địa điểm,…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới nên cần sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thời gian tới.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó tại điểm a khoản 4 mục III. Nhiệm vụ và giải pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam như: nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới so với Nghị định số 152/2020/NĐ-CP. Trong thời gian qua các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài vẫn đề nghị tiếp tục được áp dụng các giải pháp nêu trên và đề nghị quy định cụ thể trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
- Mục đích ban hành:
+ Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới.
+ Tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tình hình Việt Nam, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thời gian tới.
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và kinh nghiệm trong công việc vào các vị trí công việc mà người lao động Việt Nam không đáp ứng được phù hợp với thị trường lao động.
+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Về giải thích từ ngữ: Sửa đổi, bổ sung giải thích một số khái niệm người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành quy định tại Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP. 
- Về giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài: Sửa đổi, bổ sung các quy định trong trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; bổ sung một số đối tượng không phải thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. 
Quy định kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.    
- Về xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động: Quy định bổ sung một số đối tượng người lao động nước ngoài không phải làm thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động và giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận; mở rộng các trường hợp người lao động nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào nghiên cứu, giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.
- Về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép lao động: Quy định về giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, trong đó có giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành có mức góp vốn dưới 3 tỷ; quy định riêng đối với một số trường hợp đặc biệt khi cấp giấy phép lao động như đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động và đã được gia hạn một lần mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động.
- Về cấp lại giấy phép lao động: Bổ sung trường hợp được cấp lại giấy phép lao động và giấy tờ liên quan trong hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
- Bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.
- Quy định các trường hợp thay đổi một trong các nội dung sau: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn thì được cấp lại giấy phép lao động.
- Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quản lý lao động nước ngoài.
- Quy định thẩm quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài thống nhất tại địa phương.
3. Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2023.
Quy định chuyển tiếp:
- Các trường hợp áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019:
+ Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm và đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày 15 tháng 11 năm 2022;
+ Đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm, đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng có hiệu lực trước ngày 15 tháng 11 năm 2022 nhưng chưa xử lý kỷ luật hành chính.
- Đối với các hành vi vi phạm đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện quy trình để xử lý; đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, còn trong thời hiệu nhưng chưa xử lý thì áp dụng quy định của Nghị định này.
- Không xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực, trừ trường hợp giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quyết định khác về việc xử lý kỷ luật đã có hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
- Trường hợp giữ chức vụ, chức danh của Hội đồng nhân dân, là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách có hành vi vi phạm trước ngày Nghị định này có hiệu lực, còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật theo quy định.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ngày 15/22/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2022/QH15 quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn quy định bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, chưa đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tấc cán bộ. Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định số 71/2023/NĐ-CP gồm 03 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 26 điều, khoản, điểm tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
- Phạm vi điều chỉnh: Thực hiện như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP
- Đối tượng áp dụng: Ngoài đối tượng áp dụng như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, Nghị định này bổ sung thêm đối tượng áp dụng: “Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ)” phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
- Nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định:
+ Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm đồng bộ với Quy định số 69-QĐ/TW và Nghị quyết số 76/2022/QH15;
+ Sửa đổi các quy định về nguyên tắc áp dụng trong trường hợp có 02 hành vi vi phạm bị xử lý tại một thời điểm; thời hạn xử lý kỷ luật hành chính sau khi có quyết định xử lý kỷ luật đảng; thống nhất về thời điểm có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật đảng với quyết định xử lý kỷ luật hành chính; trường hợp có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới;
+ Sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
+ Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm tại nơi công tác cũ để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện;
+ Sửa đổi quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm xử lý nghiêm mimh, khách quan, chính xác, theo đó, quy định cụ thể các trường hợp không phải thực hiện trình tự họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật;
+ Bổ sung quy định về đương nhiên tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam để giải quyết khó khăn từ thực tiễn, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính.
4. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2023.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Thực hiện chủ trương của Đảng về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, coi việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/09/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trên cơ sở đó, nhằm thế chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, góp phần động viên cán bộ, công chức, viên chức phát huy trí tuệ, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, việc ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Bố cục của Nghị định: Nghị định gồm 05 Chương, 24 Điều, trong đó:
+ Chương I. Những quy định chung gồm 06 điều (từ Điều 1 đến Điều 6).
+ Chương II. Trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo gồm 03 điều (từ Điều 7 đến Điều 9).
+ Chương III. Chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung gồm 04 điều (từ Điều 10 đến Điều 13).
+ Chương IV. Trách nhiệm của cán bộ, cơ quan, tổ chức trong đề xuất và thực hiện đề xuất gồm 06 điều (từ Điều 14 đến Điều 19).
+ Chương V. Tổ chức thực hiện gồm 05 điều (từ Điều 20 đến Điều 24).
- Phạm vi điều chỉnh:
+ Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
+ Trường hợp đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp thí điểm thì thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.
- Đối tượng áp dụng: Nghị định áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành
a) Hiệu lực thi hành: Có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2023.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: “Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu”; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: “Rà soát, giảm số lượng các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Sắp xếp lại các đơn vị, văn phòng chuyên trách giúp việc các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành; chỉ duy trì đơn vị chuyên trách giúp việc hiện có nếu thực sự cần thiết nhưng phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Từ năm 2018, khi thành lập mới ban chỉ đạo, tổ chức liên ngành phải xác định cụ thể thời hạn hoạt động. Kiên quyết không thành lập mới các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế”.
Trên cơ sở rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, của Quốc hội nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp các tổ chức phối hợp liên ngành trong giai đoạn tới, thì việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành (thay thế Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) là cần thiết. Theo đó, việc hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành sẽ làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động để giải quyết có hiệu quả những công việc liên ngành cần phải có sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Bố cục của Quyết định: gồm có 4 chương và 23 điều, trong đó:
- Chương I. Những quy định chung gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7).
- Chương II. Trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức phối hợp liên ngành gồm 06 điều (từ Điều 8 đến Điều 13).
- Chương III. Hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành gồm 06 điều (từ Điều 14 đến Điều 19).
- Chương IV. Điều khoản thi hành gồm 04 điều (từ Điều 20 đến Điều 23).
Phạm vi, đối tượng điều chỉnh: Quyết định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2023, Bộ Tư pháp xin thông báo./.


File đính kèm