Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2023 như sau:
I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 01 năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2023.
- Nghị định này thay thế Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Căn cứ pháp lý
+ Luật Tổ chức chính phủ và Luật chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2019).
+ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020).
- Căn cứ thực tiễn
+ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước theo định hướng cải cách hành chính, theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật.
+ Chức năng nhiệm vụ của Bộ đã được rà soát, xác định rõ ràng, cụ thể, không bỏ sót và không chồng chéo với các Bộ, ngành khác; đề cao trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi toàn quốc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của Nghị định số 79/2017/NĐ-CP cơ bản hợp lý, phù hợp với chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
+ Ngày 28/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành, như: Luật Du lịch năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao năm 2018, Luật Thư viện năm 2019… Vì vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu: Bố cục Nghị định: gồm 06 Điều, cụ thể: (1) Điều 1. Vị trí và chức năng; (2) Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn; (3) Điều 3. Cơ cấu tổ chức; (4) Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp; (5) Điều 5. Hiệu lực thi hành; (6) Điều 6. Trách nhiệm thi hành.
Nội dung cơ bản của Nghị định
- Về vị trí và chức năng
+ Theo quy định của Nghị định số 79/2017/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.
+ Quy định về tên gọi, vị trí, chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là phù hợp với nội dung, phạm vi quản lý của Bộ. Vì vậy, Nghị định giữ nguyên quy định về chức năng của Bộ như Điều 1 của Nghị định số 79/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.”
- Về nhiệm vụ và quyền hạn
+ Nghị định kế thừa quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với các văn bản mới được ban hành sau Nghị định số 79/2017/NĐ-CP và phù hợp với thực tiễn quản lý.
Cụ thể như sau:
- Đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn chung: Giữ nguyên các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 đến khoản 5 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP.
- Đối với nhiệm vụ về di sản văn hóa:
+ Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại điểm b khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP như sau: Thay cụm từ
“Di sản văn hóa và thiên nhiên” thành “di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”,
“Di sản thế giới” thành
“Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới” theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; bổ sung quy định về
“ghi danh di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam vào các danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO” theo quy định tại Điều 17, Điều 20 Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003); Điều 19 Luật Di sản văn hóa năm 2001.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung điểm c khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐCP thành “
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và quy hoạch khảo cổ sau khi được phê duyệt” để phù hợp với quy định tại mục 12, 13 Phụ lục II Luật Quy hoạch năm 2017.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung điểm d khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung điểm đ khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích quốc gia; thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia;” theo quy định tại Điều 5 và Điều 11 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP;
“thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt” theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
“thẩm định kế hoạch quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phân bố trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thẩm định và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;” theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 27/9/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam;
“phê duyệt quy chế bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP.
+ Sửa đổi từ “đưa” thành
“ghi danh” tại điểm e khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Điều 17, Điều 20 Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003).
+ Bỏ cụm từ
“điều kiện thành lập” tại điểm h khoản 6 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản tư liệu” tại điểm i khoản 6 Điều 2 dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 368/VPCP-KGVX ngày 15/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong đó giao:
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017, trong đó bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản tư liệu theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
- Đối với nhiệm vụ về nghệ thuật biểu diễn:
+ Lược bỏ nội dung quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP do đã được quy định tại nhiệm vụ, quyền hạn chung.
+ Sửa đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ” để phù hợp với quy định tại Điều 27 Nghị định số 144/2020/NĐCP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
+ Sửa đổi nội dung quy định tại điểm d khoản 7 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Chấp thuận, dừng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; hủy kết quả cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại của tổ chức thuộc cơ quan Trung ương theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Hướng dẫn sưu tầm, bảo tồn và tổ chức thực hiện giới thiệu, quảng bá các giá trị nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam cấp quốc gia và tinh hoa nghệ thuật biểu diễn thế giới” theo tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Đối với nhiệm vụ về điện ảnh:
+ Lược bỏ cụm từ
“quy hoạch” tại điểm a khoản 8 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 63-NQ/CP ngày 26/8/2019 của Chính phủ về danh mục các quy hoạch hết hiệu lực.
+ Bổ sung cụm từ
“tuần phim” tại điểm b, lược bỏ cụm từ
“lưu trữ” tại điểm c khoản 8 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai thực hiện.
+ Bổ sung cụm từ
“thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ” tại điểm d khoản 8 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để làm rõ phạm vi thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đối với nhiệm vụ về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm:
+ Lược bỏ nội dung quy định tại điểm a khoản 9 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với Luật quy hoạch.
+ Tại điểm c khoản 9 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP, lược bỏ cụm từ
“văn hóa nghệ thuật” theo quy định Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm; Bổ sung cụm từ
"thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ" để phân định rõ thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn về triển lãm theo quy định tại Điều 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm và không chồng chéo nhiệm vụ hướng dẫn về triển lãm các lĩnh vực khác của các Bộ, ngành có liên quan.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Quản lý tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy mô toàn quốc hoặc khu vực; tiếp nhận văn bản thông báo đối với vận động sáng tác, trại sáng tác, thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam do các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và tổ chức nước ngoài tổ chức; tiếp nhận văn bản thông báo đối với đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam” để phù hợp với quy định tại Điều 10 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Điều 9, Điều 10 Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Cấp, thu hồi giấy phép trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP, Nghị định số 72/2016/NĐCP, Nghị định số 23/2019/NĐ-CP.
- Đối với nhiệm vụ về quyền tác giả, quyền liên quan:
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm a khoản 10 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Xây dựng, ban hành, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
+ Thay cụm từ
“thuộc về sở hữu Nhà nước” thành
“mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước đại diện quản lý theo quy định của pháp luật” tại điểm d khoản 10 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.
+ Thay cụm từ
“hoạt động đại diện, tư vấn” thành
“hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn” tại điểm e khoản 10 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với điểm e, điểm l Điều 5 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Phụ lục Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật” để phù hợp với quy định tại tại Khoản 4 Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022; Quyết định số 1459/2014/QĐ-CTN ngày 27/6/2014 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia hạn tuyên bố áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Điều II, III của Phụ lục Công ước Berne; bên cạnh đó, quy định này nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác, sử dụng tác phẩm của nước ngoài tại Việt Nam theo ưu đãi mà Phụ lục Công ước Berne dành cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Công ước Berne quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 10, Điều 11 Luật Sở hữu trí tuệ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Đối với nhiệm vụ về thư viện:
+ Lược bỏ nội dung quy định tại điểm a khoản 11 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với Luật Quy hoạch.
+ Sửa đổi nội dung quy định tại điểm b khoản 11 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện; chỉ đạo và hướng dẫn việc tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, phát triển văn hóa đọc; hướng dẫn thực hiện đánh giá hoạt động thư viện theo tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Điều 37, 48 Luật Thư viện năm 2019; Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về đánh giá hoạt động thư viện.
+ Sửa đổi nội dung quy định tại điểm c khoản 11 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Hướng dẫn điều kiện thành lập và hoạt động thư viện theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, trả lời hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở trung ương và thư viện công cộng tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; trả lời việc xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư theo quy định của pháp luật” theo quy định tại Điều 23 Luật Thư viện năm 2019 và Điều 4 Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.
+ Sửa đổi nội dung quy định tại điểm d khoản 11 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Đối với nhiệm vụ về văn hóa cơ sở, tuyên truyền cổ động:
+ Thay cụm từ
“Văn hóa quần chúng” bằng cụm từ
“văn hóa cơ sở” để đảm bảo đầy đủ nội dung nhiệm vụ.
+ Chỉnh sửa nội dung quy định tại điểm b khoản 13 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được phê duyệt;” để phù hợp với quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.
+ Bổ sung cụm từ
“tuyên truyền lưu động” tại điểm c và điểm đ khoản 13 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện và Thông tư liên tịch số 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 11/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức bắn pháo hoa nổ của các địa phương; tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bắn pháo hoa nổ theo quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế tại Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép” để phù hợp với quy định tại Điều 22 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
- Bổ sung nhiệm vụ về
“Thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo quy định của pháp luật”. Do, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hương ước, quy ước đã được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
- Đối với nhiệm vụ về văn hóa dân tộc:
+ Tách nội dung văn hóa dân tộc tại khoản 13 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành một khoản riêng để phù hợp với tính chất quan trọng của lĩnh vực văn hóa dân tộc trong giai đoạn 2021-2030 theo chủ trương, định hướng của Quốc hội và Chính phủ tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 10/NQCP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
+ Gộp điểm g và điểm h khoản 13 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành 01 điểm để tránh trùng lặp nội dung và chỉnh sửa, bổ sung thành
“Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam” để phù hợp với quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
+ Bổ sung nhiệm vụ “
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện ngày hội, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc theo khu vực và toàn quốc; hướng dẫn hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam” để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP.
- Đối với nhiệm vụ về văn học:
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các cuộc thi về văn học cấp quốc gia” theo quy định tại điểm e khoản 5 Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; khoản 26 Phụ lục I Quyết định số 156 QĐ/TTgCP ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
- Đối với nhiệm vụ về công tác gia đình:
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm d khoản 15 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chuẩn gia đình văn hóa” để phù hợp với quy định tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; thay cụm từ
“tiêu chí gia đình văn hóa” thành
“tiêu chuẩn gia đình văn hóa” theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu
“Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”,
“Làng văn hóa”,
“Ấp văn hóa”,
“Bản văn hóa”,
“Tổ dân phố văn hóa”.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Hướng dẫn, tổ chức kỷ niệm các ngày về gia đình Việt Nam theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Điều 14 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/02/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình; Điều 4 Quyết định 363/QĐ-TTg ngày 08/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tháng hành động quốc gia về phòng, chống bao lực gia đình; Điều 2 Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
“Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Xây dựng, triển khai các tài liệu tuyên truyền về gia đình và giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” để phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP; Chỉ thị số 06-CT/TW; điểm đ khoản 1 Phần III Điều 1 Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
- Đối với nhiệm vụ về thể dục, thể thao cho mọi người:
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật” để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Quy định tiêu chí đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng” để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật” để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
- Đối với nhiệm vụ về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp:
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm a khoản 17 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; Đại hội thể thao toàn quốc” để phù hợp với quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm d khoản 17 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Quyết định tổ chức giải thi đấu vô địch, giải thi đấu vô địch trẻ từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; tổ chức giải thi đấu vô địch quốc gia, giải thi đấu vô địch trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao theo đề nghị của các liên đoàn thể thao quốc gia; quy định quản lý các hoạt động thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam; phê duyệt điều lệ Đại hội thể thao toàn quốc” để phù hợp với quy định tại khoản 15, 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018.
+ Bổ sung nội dung
“quy định chương trình tập huấn chuyên môn thể thao cho nhân viên chuyên môn của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao” tại điểm g khoản 17 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tập huấn chuyên môn thể thao đối với người hướng dẫn tập luyện thể thao.
- Đối với nhiệm vụ về tài nguyên du lịch và quy hoạch hệ thống du lịch:
+ Bổ sung cụm từ
“hệ thống” để phù hợp với quy định tại mục 13 Phụ lục 01 Luật Quy hoạch.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm b khoản 18 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống du lịch;” để phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Du lịch năm 2017.
- Đối với nhiệm vụ về khu du lịch, điểm du lịch:
+ Lược bỏ cụm từ
“phân loại” tại điểm b khoản 19 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Luật Du lịch năm 2017.
+ Bổ sung nhiệm vụ về
“Điều phối, liên kết các hoạt động du lịch liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Du lịch năm 2017.
- Đối với nhiệm vụ về kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch, xúc tiến du lịch:
+ Ghép khoản về
“xúc tiến du lịch” vào khoản về
“kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch” thành 01 khoản chung để đảm bảo thống nhất nội dung.
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm a khoản 20 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Quản lý, tổ chức thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép, thẻ hướng dẫn viên du lịch và các văn bản chứng nhận khác về hoạt động du lịch” để phù hợp với quy định tại điểm h khoản 2 Điều 73 Luật Du lịch năm 2017.
+ Bổ sung cụm từ
“hướng dẫn viên du lịch” tại điểm b khoản 20 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Du lịch năm 2017.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“Quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ” để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 31, khoản 4 Điều 59 Luật Du lịch năm 2017.
+ Bổ sung cụm từ
“thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập” tại điểm b khoản 21 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định điểm b khoản 3 điều 69 Luật Du lịch năm 2017.
+ Chỉnh sửa, bổ sung nội dung điểm c khoản 21 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về du lịch” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 73 Luật Du lịch năm 2017.
- Đối với nhiệm vụ về hợp tác quốc tế:
+ Chỉnh sửa cụm từ
“Chính phủ” thành
“cấp có thẩm quyền” tại điểm a khoản 24 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
- Đối với nhiệm vụ về tổ chức cán bộ:
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại khoản 34 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP thành
“Quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
- Đối với nhiệm vụ, quyền hạn chung:
+ Chỉnh sửa nội dung quy định tại khoản 25 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐCP thành
“Quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
+ Chỉnh sửa, bổ sung một số cụm từ tại khoản 27, 28 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Bổ sung nhiệm vụ
“chuyển đổi số” tại khoản 29 Điều 2 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP để đảm bảo không bỏ trống nhiệm vụ.
+ Bổ sung nhiệm vụ “
Thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật” để phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP.
Về cơ cấu tổ chức và phương án sắp xếp tổ chức bộ máy
- Theo quy định tại Nghị định số 79/2017/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm 21 cơ quan hành chính và 05 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước.
- Qua rà soát đánh giá, cơ cấu tổ chức của Bộ cơ bản hợp lý, phù hợp với chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu quản lý nhà nước theo từng chuyên ngành góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Mặt khác, các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ cơ bản đáp ứng đủ tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
- Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và thực hiện Thông báo số 74/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 07/7/2022, Thông báo số 88/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 24/8/2022 của Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Công văn số 3022/BNV-TCBC ngày 02/7/2022, Công văn số 3992/BNV-TCBC ngày 19/8/2022 của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ như sau:
- Tổ chức lại Tổng cục Du lịch thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
+ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về du lịch trên phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật.
+ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
- Tổ chức lại Tổng cục Thể dục thể thao thành Cục Thể dục thể thao
+ Cục Thể dục thể thao là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về thể dục, thể thao trên phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công về thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật.
+ Cục Thể dục thể thao có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
- Sáp nhập Vụ Thi đua, Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ
+ Vụ Tổ chức cán bộ là tổ chức thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bộ và công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.
- Giữ nguyên các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 3 Nghị định số 79/2017/NĐ-CP, gồm:
+ Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Đào tạo, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ Thư viện, Vụ Văn hóa dân tộc, Vụ Gia đình;
+ Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
+ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;
+ Cục Di sản văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
+ Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, gồm: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Báo Văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.
- Đối với tổ chức cấp phòng trong cơ quan hành chính thuộc Bộ
+ Theo quy định tại Nghị định 79/2017/NĐ-CP, tổng số phòng thuộc Cục, Vụ thuộc Bộ là 72 phòng. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện sắp xếp giảm 27 phòng. Theo đó, Nghị định quy định về tổ chức phòng trong cơ quan hành chính như sau:
+ Không tổ chức phòng trong Vụ. Riêng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ (sau khi thực hiện sáp nhập Vụ Thi đua, Khen thưởng) có nhiều mảng công tác, khối lượng công việc lớn và số lượng biên chế công chức được giao trên 30 người đáp ứng theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, đề nghị tổ chức 04 phòng trong Vụ Kế hoạch, Tài chính và 04 phòng trong Vụ Tổ chức cán bộ.
+ Lược bỏ quy định về số lượng phòng thuộc các Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP. Điều khoản chuyển tiếp - Để không xảy ra khoảng trống pháp lý và đảm bảo thời gian để thực hiện các thủ tục sắp xếp, tổ chức lại (về tài chính, tài sản, nhân sự, con dấu, tài khoản...) đối với Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Vụ Thi đua, Khen thưởng, dự thảo Nghị định quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
+ Vụ Thi đua, Khen thưởng tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ.
+ Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao.
+ Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi sắp xếp, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2023, Bộ Tư pháp xin thông báo./.