Thông cáo báo chí công tác tư pháp Quý II năm 2015

20/07/2016
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QÚY II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015, MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015
1. Kết quả công tác chủ yếu Quý II và 6 tháng đầu năm 2015
Trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2015, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
1.1. Công tác xây dựng văn bản đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan đã tập trung soạn thảo đúng tiến độ, trình Quốc hội thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 40/95 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật, đạt 42,11% (riêng Quý II ban hành được 19 văn bản). Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11/13 đề án, văn bản, đạt tỷ lệ 84,61% (riêng Quý II trình 06 văn bản).
Tính đến cuối tháng 6/2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định 136 văn bản (trong đó có 48 điều ước quốc tế); thực hiện góp ý 415 văn bản, trong đó có 175 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Sáu tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.542 VBQPPL (Quý II là 678 văn bản), kết quả phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 Bộ Tư pháp phát hiện 81 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền).
1.2. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính: Tính đến cuối tháng 6/2015, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.431 trên tổng số 4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 93,8%); các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động đối với 1.253 TTHC (tăng 369 TTHC so với 6 tháng đầu năm 2014), trong đó, các Bộ, ngành đánh giá 877 TTHC (tăng 336 TTHC so với 6 tháng đầu năm 2014); ban hành các quyết định công bố 23.712 TTHC để cập nhật vào CSDL gia về TTHC; tiếp nhận và xử lý 532 phản ánh kiến nghị về hành vi hành chính, quy định hành chính.
Tại Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2015 đã tiếp nhận, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 17 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; tham gia ý kiến đối với 424 TTHC tại 44 dự thảo VBQPPL.
1.3. Công tác thi hành án dân sự và thí điểm chế định Thừa phát lại:
- Kết quả THADS 8 tháng năm 2015 (số liệu từ 01/10/2014 đến hết ngày 30/5/2015) như sau:
+ Về việc: đã giải quyết xong 296.096 việc, đạt tỉ lệ 62,43%, tăng 1,38% so với cùng kỳ.
+ Về tiền: đã giải quyết xong trên 23.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 34,62%, tăng 3,99% so với cùng kỳ.
- Đối với công tác thí điểm chế định Thừa phát lại, với 51 Văn phòng Thừa phát lại và 237 Thừa phát lại, tính đến hết tháng 5 năm 2015 đạt doanh thu hơn 85 tỷ đồng.
1.4. Công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Về lĩnh vực hộ tịch, ước tính 6 tháng đầu năm 2015, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 997.755 trường hợp (giảm 2,53% so với 6 tháng đầu năm 2014), đăng ký khai sinh lại cho 223.605 trường hợp; khai tử cho 276.885 trường hợp (giảm khoảng 1% so với 6 tháng đầu năm 2014), đăng ký kết hôn cho 451.437 cặp (giảm 4,52% so với 6 tháng đầu năm 2014), trong đó có 7.492 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 11,93% so với 6 tháng đầu năm 2014).
- Về lĩnh vực LLTP, tình trạng chậm cấp phiếu LLTP đã từng bước được khắc phục. Đặc biệt, mô hình “Kiềng 3 chân” (Trung tâm - Cục C53 -  Sở Tư pháp) được thử nghiệm tại Trung tâm LLTPQG và 10 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã mang lại hiệu quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các Sở Tư pháp cấp được 130.586 Phiếu LLTP, trong đó có 96.411 Phiếu LLTP số 1 và 34.175 Phiếu LLTP số 2.
Ngày 30/6/2015, Trung tâm LLTPQG và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác về chuyển phát hồ sơ yêu cầu và kết quả cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện. Theo đó, Bưu điện sẽ thiết lập một dịch vụ chuyển phát riêng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng dịch vụ để yêu cầu cấp Phiếu LLTP, tạo thuận lợi hơn cho cá nhân, góp phần cải cách hành chính, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân.
- Về lĩnh vực nuôi con nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2015, Ngành Tư pháp đã giải quyết đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho 1.249 trường hợp và cho 245 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Về công tác bồi thường nhà nước, 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương đã thụ lý giải quyết 73 vụ việc (trong đó có 24 vụ việc thụ lý mới), giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2014, đã giải quyết xong 30/73 việc (đạt tỉ lệ 41%) với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 7.185.453.287 đồng, tăng 4.618.601.287 đồng so với cùng kỳ năm 2014.
- Về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, đến hết tháng 6/2015, tổng số yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm được giải quyết đạt khoảng 177.000 đơn (tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 - tăng 95%), trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trung bình 43,2%.
1.5. Công tác bổ trợ tư pháp: Ước tính 6 tháng đầu năm 2015, các luật sư tham gia 166.350 việc, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 95.587 việc, tương ứng tăng 135%). Các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 2.018.009 hợp đồng, giao dịch, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 455.783 hợp đồng, giao dịch, tương ứng tăng 29,17%). Các tổ chức bán đấu giá ước tính đã tổ chức thành công 7.856 cuộc bán đấu giá (tăng 472 cuộc so với cùng kỳ năm 2014).
1.6. Về công tác tiếp công dân: Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã tiếp 245 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (tăng 64,4% so với cùng kỳ 2014). Các khiếu nại, tố cáo của công dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực THADS và không có đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tại Bộ Tư pháp.
Thực hiện Luật Tiếp công dân, trong 6 tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tổ chức ba đợt tiếp công dân đến từ một số địa phương liên quan đến lĩnh vực THADS, đồng thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài như vụ bà Phạm Thị Hồng Tự (Hải Phòng) khiếu nại về việc THADS; bà Trần Thị Tin (Lâm Đồng) khiếu nại về việc bồi thường trong THADS và bà Vi Thị Yên (Lâm Đồng) khiếu nại về việc xét xử của tòa án.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2015
2.1. Xây dựng, trình Báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ về việc tổng kết 10 năm thi hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết thi hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 22/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các luật, pháp lệnh trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, Luật Ban hành QĐHC, Luật Tiếp cận thông tin, Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp). Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Luật Ban hành VBQPPL. Đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm số lượng "nợ đọng" các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
2.2. Đẩy nhanh việc thi hành các vụ việc THADS có điều kiện thi hành, bảo đảm đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2015 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10; thực hiện tốt việc tổng kết thí điểm, đánh giá đầy đủ, toàn diện, làm cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét, tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại.
2.3. Tập trung đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm của năm và các nhiệm vụ cải cách TTHC tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ. Tập trung hoàn thành dứt điểm việc đơn giản hóa TTHC được quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ và công tác rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
2.4. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về XLVPHC và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với: Nghị định CSDL quốc gia về XLVPHC; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng CSDL quốc gia về XLVPHC.
2.5. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch; xây dựng, hoàn thiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
2.6. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Dự án Xây dựng hệ thống thông tin và dịch vụ điện tử trong hoạt động công chứng; hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về hòa giải thương mại và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
2.7. Tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ IV và Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp; tổ chức có hiệu quả Ngày pháp luật 2015, gắn với công bố kết quả Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ  
1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
1.1. Đơn giản hóa hệ thống VBQPPL: Theo quy định của Luật, đã giảm được 04 hình thức VBQPPL (gồm thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chỉ thị của UBND các cấp). Đối với nghị quyết liên tịch, Luật chỉ giữ lại hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam (bỏ nghị quyết liên tịch với cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội).
1.2. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL: Luật đã tách bạch giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL. Theo đó, Luật đã bổ sung quy trình phân tích, đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo đối với 4 loại văn bản (luật, pháp lệnh, nghị định ban hành để thực hiện thẩm quyền độc lập của Chính phủ, nghị quyết ban hành để thực hiện thẩm quyền độc lập của HĐND cấp tỉnh).
Luật cũng khẳng định rõ giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, theo đó, trong trường hợp Bộ Tư pháp kết luận dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Chính phủ thì trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo. Đồng thời, Luật bổ sung quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội đối với các dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp và quy định theo hướng nâng cao vai trò của Chính phủ qua việc Chính phủ phải có ý kiến đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình.
1.3. Mở rộng tính dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành VBQPPL: Luật đã bổ sung nhiều quy định hợp lý, cụ thể hơn trong việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình ý kiến góp ý bằng việc bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải công khai báo cáo giải trình, tiếp thu...
1.4. Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật: Để khắc phục tình trạng này, Luật quy định dự thảo văn bản quy định chi tiết phải trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh; đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
1.5. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC trong VBQPPL: Để khắc phục việc quy định các TTHC mới, đặc biệt là đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và VBQPPL do các cấp chính quyền địa phương ban hành, Luật quy định: (i) Việc kiểm soát quy định TTHC được thực hiện từ ngay giai đoạn lập đề nghị xây dựng VBQPPL và được quy định là một loại tài liệu trong hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra; (ii) Nghiêm cấm quy định TTHC trong thông tư của Chánh án TANDTC, thông tư của Viện trưởng VKSNDTC, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC với Viện trưởng VKSNDTC, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND các cấp, VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (trừ trường hợp được giao trong luật).
2. Dự án Luật Đấu giá tài sản
2.1. Về đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản: Dự thảo Luật quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng đấu giá viên. Theo đó, để trở thành đấu giá viên người có trình độ cử nhân luật hoặc kinh tế có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên phải tham dự khóa đào tạo nghề đấu giá, qua thời gian tập sự hành nghề đấu giá và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Đối với đấu giá viên hành nghề trong tổ chức đấu giá, không được hành nghề độc lập với tư cách cá nhân. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp đấu giá, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản không đồng thời kinh doanh các ngành, nghề khác.
2.2. Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Nhằm thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản phải đấu giá, tránh tình trạng quy định tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo, dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng đảm bảo tính chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho việc xử lý tài sản nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Theo đó, dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục đấu giá chung, áp dụng đối với tất cả các loại tài sản. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có một số quy định về việc đấu giá một số loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
2.3. Về thù lao đấu giá, chi phí đấu giá: Dự thảo Luật quy định thù lao dịch vụ đấu giá do các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế giá dịch vụ thị trường. Thù lao dịch vụ đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được xác định theo khung do Bộ Tài chính quy định./.