I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU TRONG QUÝ I NĂM 2015 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CỦA BỘ TƯ PHÁP QUÝ II NĂM 2015
1. Kết quả công tác chủ yếu trong Quý I năm 2015
Trong quý I/2015, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
1.1. Công tác xây dựng văn bản đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Trong Quý I/2015, Bộ Tư pháp đã trình 5/5 văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ 100%.
Trong Quý I/2015, đối với 95 văn bản nợ đọng quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 22 văn bản (17 nghị định, 01 quyết định, 04 thông tư), đạt 23,16%, tỷ lệ ban hành cao hơn so với Quý I năm 2014.
Bộ Tư pháp đã kiểm tra 864 văn bản (165 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 699 văn bản của địa phương), phát hiện 62 văn bản (10 văn bản của cấp Bộ, 52 văn bản của địa phương) vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.
Ngày 29/01/2015, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 23/BC-BTP về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Theo đó, Bộ Tư pháp đã phân loại, thực hiện kiểm tra 249 văn bản của 16 Bộ; 276 văn bản của 51 địa phương. Qua kiểm tra đã phát hiện 09 văn bản của các Bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.
1.2. Về lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, trong Quý I/2015, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ 143/188 thủ tục hành chính quy định tại 22 dự thảo văn bản (chiếm 76,06%).
1.3. Về kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) 6 tháng đầu năm 2015 (từ 01/10/2014 đến hết ngày 31/3/2015):
- Về việc: Tổng số thụ lý là 530.907 việc (tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó số cũ chuyển sang là 247.531 việc; số thụ lý mới là 283.376 việc. Số có điều kiện giải quyết là 389.422 việc (tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2014); chiếm 73,35% trong tổng số thụ lý (giảm 1,54% so với cùng kỳ năm 2014). Số giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 214.072 việc (tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2014); đạt tỉ lệ 54,97% (tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2014).
- Về tiền: Tổng số thụ lý là 102.021.961.582 nghìn đồng (tăng 38,65% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó số cũ chuyển sang là 56.102.916.098 nghìn đồng; số thụ lý mới là 45.919.045.484 nghìn đồng. Số có điều kiện giải quyết là 59.446.305.586 nghìn đồng (tăng 13,62% so với cùng kỳ năm 2014); chiếm 58,27% trong tổng số thụ lý (giảm 12,84% so với cùng kỳ năm 2014). Số giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 16.105.376.997 nghìn đồng (tăng 19,48% so với cùng kỳ năm 2014); đạt tỉ lệ 27,09% (tăng 1,33% so với cùng kỳ năm 2014).
1.4. Về lĩnh nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã tiếp và giải quyết 121 hồ sơ xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi; đã tiếp nhận và giải quyết đối với 16 trường hợp đề nghị hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, đã ban hành 14 văn bản hướng dẫn, hỗ trợ đối với 14 trường hợp.
1.5. Về công tác tiếp công dân, Bộ Tư pháp đã tiếp 116 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 82 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 71%), 34 lượt công dân đến khiếu nại không thuộc thẩm quyền (chiếm 29%). Các khiếu nại, tố cáo của công dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực THADS. Trong Quý I/2015, không có đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tại Bộ Tư pháp.
Thực hiện Luật Tiếp công dân, ngày 03/4/2015, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp công dân đến từ một số địa phương liên quan đến lĩnh vực THADS, đồng thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài như vụ bà Phạm Thị Hồng Tự (Hải Phòng) khiếu nại về việc thi hành án dân sự; bà Trần Thị Tin (Lâm Đồng) khiếu nại về việc bồi thường trong thi hành án dân sự và bà Vi Thị Yên (Lâm Đồng) khiếu nại về việc xét xử của tòa án.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II năm 2015
2.1. Tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh việc triển khai cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
2.2. Chuẩn bị chu đáo các dự án luật, các báo cáo Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo phục vụ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, nhất là dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật dân sự (sửa đổi); tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản, Luật Ban hành quyết định hành chính.
2.3. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong hoạt động lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và hoàn thiện việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch.
2.4. Tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ 10 văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2015; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành các văn bản còn nợ đọng.
2.5. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 và Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
2.6. Phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II.
2.7. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong Kế hoạch hướng tới tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ IV.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Một số nội dung cụ thể của dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)
1.1. Về TNHS của pháp nhân và phạm vi TNHS của pháp nhân: Theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với Công ty cổ phần). Trong trường hợp này, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân thì sẽ không thể xác định được người phải chịu TNHS. Hơn nữa, sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể.
Nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của pháp nhân đối với hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm mang tính chất tội phạm, dự thảo BLHS bổ sung Chương XI (Những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội), trước mắt tập trung vào nhóm tội hiện đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó, dự thảo Bộ luật chỉ quy định giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
1.2. Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình: Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng và phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng dự án BLHS (sửa đổi). Về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS về hình phạt tử hình theo hướng: (i) Quy định rõ, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Theo đó, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng) phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; (ii) Mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; (iii) Mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; (iv) Thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.
1.3. Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ có tác dụng góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này. Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế.
Do đó, dự thảo BLHS đã bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này (khoản 4 Điều 35 và khoản 5 Điều 35).
1.4. Về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên: Vấn đề tuổi chịu TNHS, BLHS hiện hành quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định này thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu TNHS là khá rộng. Hơn nữa, thực tế cho thấy, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa..., còn bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình...). Do đó, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Vì vậy, TNHS của các em cần giới hạn trong phạm vi các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể.
Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức phức tạp, do vậy dự thảo Bộ luật đã đưa ra hai phương án để thảo luận (Phương án 1: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng và Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành.
1.5. Về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong BLHS hiện hành nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh trong Chương XVI Bộ luật hình sự hiện hành, dự thảo BLHS đã cập nhật, bổ sung thêm một số loại vi phạm mới mang tính chất “cố ý làm trái” trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo đó, dự thảo BLHS đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: (i) Sản xuất, kinh doanh, thương mại; (ii) Thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; (iii) Lĩnh vực kinh tế khác. BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất “cố ý làm trái” trong các lĩnh vực khác như: bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 263), xây dựng (Điều 306),... Bên cạnh đó, trong chương các tội phạm về chức vụ đã quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 364), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 365), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 366), tội giả mạo trong công tác (Điều 368). Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS.
2. Về dự án Luật Đấu giá tài sản
2.1.Về chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp: Dự thảo Luật quy định việc chuyển đổi các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại một số địa phương, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản vẫn giữ vai trò nòng cốt, tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chính trị trong việc đấu giá một số loại tài sản khó bán, giá trị thấp, phải bán đi bán lại nhiều lần như tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tài sản thi hành án, tài sản là quyền sử dụng đất tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt tại các tỉnh chưa có doanh nghiệp đấu giá tài sản thì việc tiếp tục duy trì hoạt động của các Trung tâm là phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, Dự thảo quy định linh hoạt theo hướng Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hoạt động và thực hiện việc đấu giá tài sản theo quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản. Trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Trung tâm sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
2.2. Về đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá: Để nâng cao tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp đấu giá tài sản, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực đấu giá tài sản, không được đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác; doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, thực hiện việc đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.
2.3. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề, dự thảo Luật quy định theo hướng kéo dài thời gian đào tạo nghề đấu giá từ 3 tháng theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP lên 6 tháng; đồng thời bổ sung quy định về tập sự hành nghề đấu giá 6 tháng đối với đấu giá viên.
2.4. Về thù lao đấu giá, chi phí đấu giá: Trên cơ sở quan điểm về thù lao dịch vụ đấu giá được thực hiện theo cơ chế thị trường, Nhà nước không ấn định phí, chỉ nên đưa khuôn khổ để các bên thỏa thuận và có cơ chế kiểm soát của nhà nước. Dự thảo Luật quy định thù lao đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo cơ chế thị trường; thù lao đấu giá do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có tài sản, tránh thất thoát tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, người thế chấp tài sản, người có tài sản phải thi hành án, dự thảo Luật quy định trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, thù lao dịch vụ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định.
3. Về việc thi hành án giao tài sản trúng đấu giá cho Công ty Phương Trang, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Theo 17 bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì bà Phạm Thị Hồng, trú tại 357 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phải thi hành án với tổng số tiền 86.694.157.851 đồng, 68,5 lượng vàng 24K và lãi suất chậm thi hành án, chưa kể các khoản tiền án phí. Do bà Hồng không tự nguyện thi hành, Chi cục THADS thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kê biên nhà, đất tại số 357 Phan Đình Phùng và uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng bán đấu giá tài sản. Ngày 20/02/2009, Công ty Phương Trang đã trúng đấu giá và nộp đủ số tiền mua tài sản là 37.244.940.158 đồng. Sau đó, bà Hồng có đơn khiếu nại việc định giá, bán đấu giá tài sản.
Do còn có quan điểm khác nhau về nội dung vụ việc, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để thống nhất giải quyết dứt điểm vụ việc.
Ngày 09/10/2014, Đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã làm việc với đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan tại địa phương và thống nhất giao Cục THADS tỉnh Lâm Đồng, Chi cục THADS thành phố Đà Lạt xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao tài sản cho Công ty Phương Trang. Để đôn đốc và triển khai việc thi hành giao tài sản đấu giá, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản đề nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế giao tài sản xong trước ngày 23/12/2014.
Ngày 06/01/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Thông báo kết luận số 04/TB-UBND“Giao Cục THADS tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo; tham mưu, báo cáo tổng hợp tình hình và đề xuất để Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến tổ chức cưỡng chế sau tết Âm lịch”. Ngày 14/02/2015, Bộ Tư pháp tiếp tục có Công văn đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho Công ty Phương Trang. Tuy nhiên, đến ngày 20/3/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 1254/UBND-NC gửi Bộ Tư pháp, nội dung cho rằng theo Cáo trạng số 35/VKSTC-C6(P4) ngày 27/8/2014 của cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Chấp hành viên Nguyễn Long Vân (là Chấp hành viên phụ trách hồ sơ vụ việc) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nên việc giao tài sản cần chờ kết quả xét xử của Tòa án đối với sai phạm của Chấp hành viên.
Bộ Tư pháp thấy rằng, kết quả xét xử đối với sai phạm của Chấp hành viên Nguyễn Long Vân không liên quan đến việc giao tài sản cho Công ty Phương Trang đã được liên ngành Trung ương và địa phương thống nhất như đã nêu trên. Do đó, việc chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản với lý do nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa bảo đảm quyền lợi của người trúng đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 258 Bộ luật dân sự và Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Do vụ việc đã kéo dài, nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí, Bộ Tư pháp đang tiếp tục tích cực phối hợp với địa phương, đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo thống nhất giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật.
4. Về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 một số dự án luật vừa được Quốc hội thông qua, chưa có hiệu lực thi hành
Ngày 03/3/2015, Chính phủ đã có Tờ trình số 59/TTr-CP về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, trong đó Chính phủ đề nghị bổ sung 03 luật là Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật CAND và Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, đến nay chưa có hiệu lực thi hành.
Lý do Chính phủ đề nghị bổ sung các dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 là Bộ Chính trị đã có Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó xác định 05 giải pháp lớn để thực hiện là: (1) Chính sách phát hiện ngay từ cơ sở đào tạo và thực tiễn công tác; (2) Chính sách tuyển dụng trực tiếp không qua thi tuyển; (3) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng; (4) Chính sách sử dụng (bố trí công tác và tạo điều kiện, môi trường làm việc; quy hoạch, bổ nhiệm; tiền lương; bổ nhiệm ngạch, nâng ngạch công chức, nâng hạng viên chức; nhà ở); (5) Chính sách tôn vinh. Tại Mục III của Kết luận, Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình bổ sung, điều chỉnh các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện chính sách này.
Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2015 - 2020. Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung các luật có liên quan nhằm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật CAND và Luật Nhà ở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
5. Về việc giải quyết tố cáo của Nguyễn Trọng Phúc, Thẩm tra viên Cục THADS tỉnh Quảng Ninh
Để giải quyết tố cáo của ông Nguyễn Trọng Phúc, Thẩm tra viên Cục THADS tỉnh Quảng Ninh đối với ông Vũ Văn Vân (nguyên Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, hiện đã nghỉ hưu), Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra số 2211/KL-BTP ngày 16/7/2008. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Phúc vẫn liên tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan báo chí không đồng tình với một số nội dung của Kết luận thanh tra số 2211/KL-BTP nói trên, trong đó có nội dung bổ nhiệm 05 chấp hành viên tại Cục THADS tỉnh Quảng Ninh.
Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác tham mưu về việc kiểm tra, rà soát lại việc xử lý những sai phạm. Tổ công tác đã thực hiện việc kiểm tra, rà soát theo nhiệm vụ được giao. Kết quả cho thấy trong việc thực hiện Kết luận thanh tra, một số cá nhân, tổ chức có trách nhiệm có dấu hiệu chưa quyết liệt, triệt để trong việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2211/KL-BTP dẫn đến Kết luận thanh tra chưa được triển khai sâu rộng, nghiêm khắc trong công tác của THADS tỉnh Quảng Ninh. Về nội dung này, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đang xem xét, làm rõ, xác định trách nhiệm của các cá nhân để có hình thức xử lý tương xứng theo quy định. Đối với việc tố cáo việc bổ nhiệm 05 chấp hành viên tại Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đang chỉ đạo xem xét, kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm bảo đảm khách quan, đúng pháp luật; nếu có vi phạm sẽ xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra và kết luận các nội dung trên, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ trước ngày 15/5/2015 để xử lý dứt điểm vụ việc.
Như vậy, quá trình giải quyết tố cáo, Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn thanh tra, xác minh, làm việc trực tiếp với người tố cáo, người bị tố cáo, các cơ quan, tổ chức có liên quan và có kết luận theo quy định. Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thông tin cho rằng Bộ Tư pháp dàn xếp vụ việc trong im lặng là không có cơ sở./.