Thông cáo báo chí công tác tư pháp quý I năm 2014

26/04/2014
 

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU TRONG QUÝ I NĂM 2014 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CỦA BỘ TƯ PHÁP QUÝ II NĂM 2014

1. Kết quả công tác chủ yếu trong quý I năm 2014

Trong quý I/2014, Bộ, Ngành Tư pháp đã tập trung tổ chức triển khai tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014 của Bộ, Ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, bám sát 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Các lĩnh vực công tác được triển khai đồng bộ, đạt được những kết quả tích cực như:

1.1. Triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 (ngày 17/01/2014); tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; ban hành Quyết định số 416/QĐ-BTP ngày 24/02/2014 về Kế hoạch của Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện việc rà soát và xác định các quy định, văn bản QPPL có nội dung trái hoặc chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013[1] và rà soát văn bản QPPL về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013.

Ngày 05/4/2014 Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu để giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 cho báo cáo viên, tuyên truyền viên các bộ, ngành, địa phương bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh.

Theo Dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 tháng triển khai thi hành Hiến pháp.

1.2. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm, trong đó Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong quý I/2014, Bộ Tư pháp đã trình 11/13 đề án, văn bản (đạt 84,6%). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã ban hành 06 đề án, văn bản và duyệt, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Bộ tiếp tục hoàn chỉnh các dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự; hoàn thành 11 thông tư, thông tư liên tịch; tổ chức tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Phiên họp chuyên đề tháng 3 của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Bộ cũng đã thẩm định đã thẩm định xong 35 văn bản quy phạm pháp luật, 22 Điều ước quốc tế; cấp 14 ý kiến pháp lý cho điều ước quốc tế, các văn kiện thoả thuận vay vốn nước ngoài; tiếp nhận 1634 lượt yêu cầu ủy thác tư pháp, 05 yêu cầu công nhận và cho thi hành các bản án của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.

Qua theo dõi, thống kế của Bộ Tư pháp[2], trong quý I/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 90 văn bản (38 nghị định, 06 quyết định, 41 thông tư và 05 thông tư liên tịch), bao gồm: 58 văn bản nợ từ cuối năm 2013 chuyển sang (25 nghị định, 06 quyết định, 24 thông tư và 03 thông tư liên tịch); 31 văn bản quy định chi tiết 05 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 (11 nghị định, 18 thông tư và 02 thông tư liên tịch) và 01 Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Kết quả ban hành tính đến ngày 07/4/2014 như sau:

 + Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15/44 văn bản (13 nghị định, 02 quyết định), đạt 34,1%. Riêng Luật xử lý vi phạm hành chính, đã ban hành thêm 02 nghị định, nâng tổng số văn bản quy định chi tiết đã ban hành lên 52/53 văn bản. Còn 29/44 văn bản chưa được ban hành (25 nghị định, 04 quyết định) chiếm 65,9%.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 08/46 văn bản, đạt 17,4%; còn 38/46 văn bản chưa ban hành (34 thông tư, 05 thông tư liên tịch), chiếm 82,6%. Tổng số văn bản đã ban hành 23/90 văn bản, đạt 25,56 %; còn 67/90 văn bản chưa ban hành, chiếm 74,44 %.

Như vậy, trong thời gian qua, mặc dù các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhưng có thể nhận thấy tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong quý I/2014 chưa có nhiều chuyển biến. Số lượng văn bản chậm ban hành, nợ đọng còn lớn, nhất là việc xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch; một số văn bản ở vào tình trạng “nợ đọng” kéo dài vẫn chưa được khắc phục.

1.3. Về lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã công bố công khai 15 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đã kiểm soát, đăng tải 5.367 hồ sơ văn bản, hồ sơ thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính nâng tổng số hồ sơ đang được công khai tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính là 112.583 hồ sơ thủ tục hành chính và 10.704 hồ sơ văn bản có liên quan.

1.4. Về lĩnh vực tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công việc thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và tiếp tục kiện toàn lãnh đạo cấp Vụ của các đơn vị thuộc Bộ.

1.5. Kết quả THADS từ 01/10/2013 đến 28/02/2014 tiếp tục đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm 2013:

- Về việc: tổng số thụ lý 466.234 việc (tăng 29.553 việc = 6,77% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó: số cũ chuyển sang là 239.439 việc; số thụ lý mới là 226.795 việc. Kết quả phân loại, số có điều kiện giải quyết là 338.565 việc, chiếm 72,62% trong tổng số thụ lý, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số có điều kiện, đã giải quyết được 156.034 việc, đạt tỷ lệ 46,09%, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2013.

- Về tiền: tổng số thụ lý là gần 68.420 tỷ đồng (tăng trên 23.000 tỷ đồng = 50,91% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó, số cũ chuyển sang là trên 41.604 tỷ đồng, số thụ lý mới là trên 26.815 tỷ đồng. Kết quả phân loại, số có điều kiện giải quyết là gần 49.136 tỷ đồng, chiếm 71,82% trong tổng số thụ lý, tăng 18,35% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong gần 8.888 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,09%.

            Về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, nhằm triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và Quyết định số 510/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thí điểm tại 13 địa phương như: (1) tổ chức 2 lớp tập huấn tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại (tại phía Bắc và phía Nam) với tổng số 288 học viên tham dự để tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại; cấp chứng chỉ cho 273 trường hợp đạt kết quả; (2) quyết định bổ nhiệm đối với 53 trường hợp làm Thừa phát lại cho thành phố Hồ Chí Minh và 126 trường hợp làm Thừa phát lại cho 12 địa phương mở rộng thí điểm, nâng tổng số Thừa phát lại được bổ nhiệm lên 179 trường hợp.

- Tính đến ngày 31/3/2014, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước là 39 Văn phòng. Trong đó:

+ Tại 12 địa phương thí điểm đã thành lập được 29 Văn phòng, cụ thể như sau: Vĩnh Phúc (3 Văn phòng), Bình Dương (3 Văn phòng), Quảng Ninh (4 Văn phòng), Vĩnh Long (1 Văn phòng), Tiền Giang (2 Văn phòng), Bình Định (1 Văn phòng),  Hải Phòng (1 Văn phòng), Đồng Nai (3 Văn phòng), Hà Nội (5 Văn phòng), Thanh Hóa (3 Văn phòng), Nghệ An (1 Văn phòng), An Giang (2 Văn phòng). Các địa phương chưa đủ số lượng Văn phòng theo Quyết định phê duyệt Đề án của Bộ Tư pháp đang tiếp tục làm các thủ tục để thành lập thêm Văn phòng.

- Tính đến thời điểm ngày 11/3/2014, có thêm 3 Văn phòng Thừa phát lại chính thức hoạt động.

1.6. Về lĩnh vực quốc tịch, trong Quý I, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất và trình Chủ tịch nước giải quyết 2.062 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trong đó: 2.055 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 04 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam và 03 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời 771 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch cho Sở Tư pháp các địa phương, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Bộ đã hoàn thiện, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án Luật Hộ tịch.

1.7. Về lĩnh vực lý lịch tư pháp, tính đến ngày 31/3/2014, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận được hơn 50.000 thông tin lý lịch tư pháp, thông tin về thay đổi, cải chính hộ tịch; đã xử lý và đưa vào lưu trữ hơn 20.000 hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và hơn 12.900 thông tin lý lịch tư pháp vào cơ sở dữ liệu lý lịch điện tử; đã tiếp nhận và cấp 10 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam.

1.8. Về lĩnh vực nuôi con nuôi, trong Quý I/2014, Bộ Tư pháp nhận được 105 hồ sơ con nuôi có yếu tố nước ngoài, giải quyết được 98 trường hợp, trong đó có 51 trường hợp là nữ, 47 trường hợp là nam; đã cấp Giấy phép hoạt động cho 03 tổ chức con nuôi nước ngoài.

1.9. Về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, trong Quý I/2014, các Trung tâm Đăng ký đã tiếp nhận và chứng nhận 47.178 đơn yêu cầu, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2013.

1.10. Về lĩnh vực luật sư, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư để giải quyết những vướng mắc và cho ý kiến về các tài liệu, chương trình Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tư pháp đã cấp 253 Chứng chỉ hành nghề luật sư, 11 Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài, Giấy phép thành lập 02 chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài và 03 công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, góp phần nâng tổng số người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư lên 10.566 người và số tổ chức hành nghề luật sư lên 3293 tổ chức.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2014

2.1. Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Bộ về thi hành Hiến pháp: Tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung của Hiến pháp cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, thủ trưởng tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành; hoàn thành việc rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp tại Bộ Tư pháp. Khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định nhằm góp ý, tham mưu đối với các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp.

2.2. Chuẩn bị tốt nội dung và tham dự kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện các đề án, văn bản trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 7, cụ thể là: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự; Luật Hộ tịch; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh năm 2014 và khóa XIII của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tiếp tục tập trung xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

2.3. Chỉ đạo các đơn vị tập trung chỉnh lý, hoàn thiện và trình 12 đề án, văn bản phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2014.

2.4. Phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, chỉ đạo một số đoàn luật sư tổ chức đại hội.

2.5. Tổ chức tập huấn toàn quốc về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính; tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực này.

2.6. Tiếp tục chỉ đạo việc tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn “đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” trong 30 năm đổi mới qua thực tiễn của Bộ Tư pháp.

2.7. Chuẩn bị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2014.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Một số định hướng tại các dự án luật

1.1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó nhấn mạnh một số định hướng xây dựng BLHS như sau:

Thứ nhất, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên;

Thứ hai, mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm;

Thứ ba, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi;

Thứ tư, thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta. Đồng thời, hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trọng Bộ luật hình sự, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

1.2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất)

Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), trong đó nhấn mạnh một số định hướng xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:

(1) Đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là việc phân tích, đánh giá chính sách, đánh giá tác động, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm liên tục của Chính phủ trong quy trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; (2) Tiếp tục thu gọn hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo hướng một chủ chể chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật; (3) Gắn kết chặt chẽ giữa ban hành pháp luật và thi hành pháp luật; (4) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng: (i) bỏ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ nhưng cần có định hướng chỉ đạo công tác lập pháp của các cơ quan nhà nước; (ii) giữ lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm nhưng cần xây dựng theo hướng bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành; (5) Phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy; đổi mới và hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp, ủy quyền lập quy; hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của cấp huyện và cấp xã; (6) Tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận của xã hội.

1.3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự

1.3.1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự, như: Bổ sung quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành (khoản 16, 17 Điều 1). Theo đó, Tòa án chủ động ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành đối với phần bản án, quyết định về: (1) hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; (2) trả lại tiền, tài sản cho đương sự; (3) tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; (4) thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước. Ngoài các trường hợp trên, Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự.

Với những quy định được sửa đổi, bổ sung như trên, việc phân công trách nhiệm giữa Tòa án với cơ quan thi hành án trong việc thi hành bản án, quyết định của tòa án là rõ ràng, hợp lý; đồng thời đảm bảo để Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp - có đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn và công cụ pháp lý để kiểm soát đầu vào (quyết định đưa bản án, quyết định có hiệu lực ra thi hành), đầu ra (báo cáo, thống kê về án thi hành xong) của quá trình thi hành án; tăng cường trách nhiệm và hoàn thiện quy trình, thủ tục pháp lý để Tòa án, theo chức năng của mình, giải thích, làm rõ nội dung bản án, quyết định do mình tuyên và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan trong trường hợp làm thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Tòa án, Thi hành án và Kiểm sát trong việc thi hành án được bảo đảm tốt hơn phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013.

1.3.2. Về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án

Để bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành thuận lợi hơn, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi Luật theo hướng quy định như Pháp lệnh THADS năm 2004, theo đó trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án thuộc về Chấp hành viên, đồng thời bổ sung quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh. Tuy nhiên, để bảo đảm sự chủ động tham gia vào quá trình thi hành án của người được thi hành án, người được thi hành án cũng có quyền xác minh điều kiện thi hành án (tự mình hoặc thông qua việc yêu cầu Chấp hành viên, Thừa phát lại xác minh và chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án) nhằm đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án.

1.3.3. Về tiền chậm thi hành án

Nhằm tăng cường tính răn đe của pháp luật, khắc phục tình trạng người phải thi hành án trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bản án, quyết định của Tòa án, góp phần hạn chế tình trạng án tồn đọng, Dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng ngoài các khoản tiền phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án, cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản án, quyết định, kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án hoặc người được người thi hành án ủy quyền xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

1.3.4. Về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự

Xã hội hóa công tác THADS là chủ trương của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp. Trong quá trình xây dựng Luật thi hành án dân sự năm 2008, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được đưa vào Luật mà Quốc hội mới chỉ ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về việc tổ chức thi hành Luật THADS trong đó giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Hiện nay, việc thực hiện thí điểm thừa phát lại mới chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ và các thông tư liên tịch giữa các Bộ với TANDTC, Viện KSNDTC, thiếu các nguyên tắc ở tầm luật để bảo đảm hiệu lực của việc xã hội hóa hoạt động thi hành án. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung một số quy định trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa sâu, rộng hoạt động THADS theo hướng  người được thi hành án, người phải thi hành án có thể yêu cầu tổ chức có thẩm quyền (ngoài cơ quan THADS) ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án; người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc thi hành án theo ủy quyền của Chấp hành viên, cơ quan THADS.

1.3.5. Về vai trò, trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án dân sự

Dự thảo Luật bổ sung một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ công tác THADS trên địa bàn như: bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo thực hiện hoặc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS trên địa bàn; phối hợp với Bộ Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tư pháp quản lý Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS theo quy định; hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí và điều kiện làm việc cho cơ quan THADS; bổ sung quy định công chức Tư pháp - hộ tịch và các cán bộ, công chức cấp xã khác có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự trên địa bàn.

1.3.6. Về mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước 

Nhằm khắc phục tình trạng lượng án tồn đọng rất lớn, nhất là những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước, dự thảo Luật bổ sung thêm các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ; các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải thi hành án không còn tài sản; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án; đồng thời, dự thảo Luật bỏ điều kiện phải thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành thì mới được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án và nâng mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (khoản 33 Điều 1).

2. Về mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân

Nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 896) là đổi mới việc quản lý dân cư, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân thì một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản Đề án 896 đưa ra là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp Số định danh cá nhân (Xác định nội hàm, giá trị pháp lý của Số định danh cá nhân - “chìa khóa” để tra cứu thông tin của từng cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi thực hiện thủ tục hành chính, cá nhân chỉ cung cấp số định danh, không phải xuất trình giấy tờ cá nhân); hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó chứa đựng những thông tin cơ bản của các cá nhân; được xây dựng thống nhất trong toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương…).

Như vậy, việc xây dựng dự án Luật Hộ tịch và dự án Luật Căn cước công dân trong bối cảnh triển khai Đề án 896 phải bảo đảm sự gắn kết, đồng bộ giữa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án 896 và 2 dự án luật này, đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa 2 dự án luật với nhau, theo đó, hai dự án Luật này cần được chỉnh lý theo hướng sau:

- Luật Căn cước: (1) Quy định nội hàm và giá trị pháp lý của Số định danh cá nhân; (2) Quy định cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên (Theo thông lệ quốc tế cũng như lịch sử Việt Nam thì căn cước công dân là các thông tin cơ bản, đặc điểm nhận dạng - những đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Mục đích của việc cấp, quản lý thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ của công an, góp phần phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên là phù hợp, bởi đến lứa tuổi này đặc điểm bên ngoài của cá nhân mới ổn định, cá nhân có thể tự thực hiện một số giao dịch bằng giấy tờ chứng minh nhân thân của mình mà không cần có người đại diện, đồng thời là tuổi bị chịu trách nhiệm hình sự).

- Luật Hộ tịch:

+ Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành, thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp - hộ tịch nhập thông tin khai sinh vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân được lấy từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được công chức Tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và trích lục khai sinh.

Khi làm thủ tục cấp Thẻ căn cước hoặc các thủ tục hành chính khác, công dân chỉ cần thông báo số định danh cá nhân của mình (đã được ghi trong Sổ hộ tịch và trích lục khai sinh).

+ Trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa vận hành, thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp – hộ tịch nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cấp trích lục khai sinh.

Khi làm thủ tục cấp Thẻ căn cước, xuất trình trích lục khai sinh. Thông tin công dân được nhập vào cơ sở dữ liệu căn cước và có số căn cước.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu về căn cước sẽ là cơ sở dữ liệu ngành cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số căn cước sẽ là số định danh cá nhân.

3. Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh

Những định hướng cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành tại Dự thảo Nghị quyết:

Một là, về quy định thủ tục hành chính, tập trung xây dựng, chuẩn hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi được phép hoạt động trên cơ sở đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và không hiệu quả; đồng thời, áp dụng tối đa cơ chế một cửa liên thông tập trung đối với những giai đoạn thực hiện có cùng mục tiêu quản lýnhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau cùng thực hiện.

Hai là, về thực hiện thủ tục hành chính, tập trung vào tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác công bố, công khai thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công khai kết quả giải quyết, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Các nhiệm vụ tại dự thảo Nghị quyết sẽ là định hướng cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư và bảo đảm thi hành có hiệu lực, hiệu quả Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 (việc hoàn thành thực thi các nhiệm vụ tại Nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí không cần thiết, không hợp lý cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính gắn với giảm rủi ro trong thực hiện dự án đầu tư, trong đó đối với dự án phải thực hiện quy trình đầy đủ, phức tạp nhất dự kiến giảm được 12 thủ tục (hiện nay có 33 thủ tục hành chính) tương ứng giảm thời gian thực hiện theo quy định hiện nay từ 155 - 865 ngày làm việc xuống còn dự kiến khoảng 80 -  385 ngày làm việc (tương ứng tiết kiệm khoảng hơn 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính của nhà đầu tư), ước tính tương ứng tiết kiệm khoảng 1.241 tỷ đồng/năm; ng cường khả năng giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của nhà đầu tư; ng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.



[1] Công văn số 780/BTP-KTrVB ngày 19/3/2014 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản và việc đôn đốc rà soát văn bản để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Quyết định số 671/QĐ-BTP ngày 25/3/2014 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ Tư pháp.

[2] Báo cáo số 71/BC-BTP ngày 18/3/2014 của Bộ Tư pháp