I. Về kết quả công tác tư pháp Quý IV và cả năm 2017; một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018
Trong Quý IV và cả năm 2017, Bộ, Ngành Tư pháp đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Kết quả công tác đã được thể hiện thông qua 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp
[1] và trong Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018 đã được trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018. Trên cơ sở kết quả tổng kết và các nhiệm vụ công tác tư pháp được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ, Ngành Tư pháp xác định 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 như sau:
1. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019 trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương. Chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 6.
2. Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tiếp tục theo dõi tình hình thi hành Bộ luật dân sự, Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Luật đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong thi hành. Chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, án tham nhũng; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.
4. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp; tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các Đề án định hướng phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động của Ngành, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.
6. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài. Thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế. Nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Bộ, ngành trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017 - 2021, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các nước ASEAN; chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình” thể chế pháp lý đa phương mà Việt Nam là thành viên.
7. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
8. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin thực chất, hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác, đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nêu trên cũng đã được cụ thể hóa thành 86 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và 32 nhiệm vụ đề nghị tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu triển khai thực hiện tại
Chương trình hành động của Ngành Tư pháp[2] triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP. Cho đến thời điểm này, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp và các tổ chức pháp chế đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị năm 2018 và đang tích cực tổ chức thực hiện với quyết tâm cao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
II. Một số văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, ban hành
Trong Quý IV/2017 và đầu tháng 01/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản như:
1. Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý
- Ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật này. Nghị định gồm 22 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý về: (1) Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; (2) Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (3) Chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; (4) Thủ tục thanh toán vụ việc trợ giúp pháp lý; (5) Thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Theo Nghị định, người được trợ giúp pháp lý có khó khăn về tài chính quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Đối với việc thành lập chi nhánh, Nghị định quy định chặt chẽ theo hướng việc thành lập phải căn cứ các điều kiện về thành lập Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và dựa vào nhu cầu trợ giúp pháp lý dài hạn của người dân tại nơi dự kiến thành lập, phải có Trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Nghị định cũng quy định cụ thể việc xác định các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để các địa phương có cơ sở áp dụng.
- Trước đó, ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông tư gồm 36 điều quy định chi tiết 03 vấn đề được Luật giao: (1) Về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; (2) Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; (3) Việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý và mẫu Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý; đồng thời hướng dẫn 02 nội dung: (1) Giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý và (2) Mẫu giấy tờ dùng trong hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Như vậy, các văn bản quy định chi tiết Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cho đến nay đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện cho việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý (có hiệu lực từ 01/01/2018).
2. Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới
Nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập và tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác nuôi con nuôi trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định; rà soát và đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật; thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật …
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về nuôi con nuôi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi; chỉ đạo, tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em; củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em; đôn đốc các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá nhu cầu và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo đúng quy trình, nghiệp vụ công tác xã hội và quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
3. Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL
Để triển khai thi hành có hiệu quả Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 27/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL. Quyết định gồm 04 chương, 35 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL; nguyên tắc phân công nhiệm vụ thẩm định, trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong việc thẩm định, theo dõi, xử lý sau thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản.
So với Quyết định trước đây, Quyết định này có một số điểm mới cơ bản như sau: (1) Quy định rõ và đơn giản hóa quy trình phân công và tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi hoàn thành báo cáo thẩm định; đồng thời quy định việc tiếp nhận văn bản điện tử đối với hồ sơ thẩm định; (2) Quy định theo hướng linh hoạt việc phân công các đơn vị chủ trì thẩm định hơn so với trước đây; theo đó, trường hợp thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản cần có sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị thì một đơn vị được phân công chủ trì, các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp thẩm định về nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị mình, trong đó phải có sự tham gia phối hợp của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra VBQPPL; (3) Bổ sung quy định mới về trách nhiệm của các đơn vị trong việc chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản không do Chính phủ trình theo quy định tại Điều 44 và Điều 62 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015; (4) Bổ sung quy định các báo cáo thẩm định đã được Lãnh đạo Bộ ký ban hành sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp…
4. Về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự
Triển khai thi hành Luật báo chí năm 2016 và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 05/01/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-BTP
về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự. Quy chế gồm 03 chương, 14 điều, quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự. Một trong những điểm mới cơ bản của Quy chế so với trước đây đó là: Để bảo đảm việc phát ngôn, cung cấp thông tin được kịp thời hơn, đồng thời phù hợp với quy định của Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngoài Chánh Văn phòng Bộ được giao là Người phát ngôn thường xuyên của Bộ Tư pháp, Quy chế còn quy định việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị này trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Ngoài ra, Quy chế còn bổ sung một số quy định về quy trình tổ chức họp báo, về việc điểm tin, xử lý thông tin báo chí phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ…
Trên đây là Thông cáo báo chí phục vụ Họp báo Quý IV năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí.
Xin trân trọng cám ơn./.
[1] Phê duyệt theo Quyết định số 2691/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
[2] Ban hành theo Quyết định số 85/QĐ-BTP ngày 10/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp