Thông cáo báo chí công tác tư pháp Quý III/2017

28/12/2017
  I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QUÝ III/2017 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC QUÝ IV/2017
          1. Kết quả công tác chủ yếu Quý III/2017
          Trong Quý III/2017, Bộ Tư pháp đã tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Một số kết quả nổi bật như:
1.1. Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 đề án, văn bản. Thực hiện thẩm định 59 dự thảo VBQPPL[1]; 10 đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ và 15 điều ước quốc tế; đã kiểm tra 855 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 54 văn bản sai về nội dung (07 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 47 văn bản của địa phương). Hiện nay, có 23 văn bản đã được xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định.
Bộ Tư pháp đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc sát sao các Bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện. Tính đến ngày 30/9/2017, đối với văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, đã ban hành được 83/96 văn bản (39 nghị định, 03 quyết định, 40 thông tư, 01 thông tư liên tịch), đạt 86,46%. Số lượng văn bản nợ ban hành giảm dần so với các năm trước (giảm 44 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016). Riêng Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết nào.
1.2. Công tác thi hành án dân sự năm 2017 (tính từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017): Về việc, đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016; về tiền, đã thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ 747 triệu 665 nghìn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016. Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, năm 2017, Hệ thống THADS đã thi hành vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,30%). Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong trên 4.400 việc, tương ứng với số tiền trên 27.701 tỷ 223 triệu 513 nghìn đồng (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng so với năm 2016).
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Trong Quý III/2017, các cơ quan THADS trên toàn quốc đã đưa vào vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, công bố các TTHC, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
1.3. Công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi: Bộ tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến nay, có 17 tỉnh/thành phố sử dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và 15 tỉnh/thành phố sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch (phiên bản đầy đủ). Riêng trong Quý III/2017, trên toàn hệ thống đã ghi nhận 219.925 trường hợp đăng ký khai sinh (trong đó có 150.951 trường hợp đăng ký khai sinh được cấp Số định danh cá nhân) và 36.717 trường hợp đăng ký khai tử.
Bộ đã trình Chủ tịch nước giải quyết 575 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 570 hồ sơ xin thôi quốc tịch và 05 hồ sơ xin nhập quốc tịch); trả lời 246 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan; giải quyết được 99 trường hợp trường hợp xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
- Công tác lý lịch tư pháp: Bộ đã cấp 286 Phiếu LLTP (117 Phiếu số 1 và 169 Phiếu số 2); tiếp nhận, kiểm tra, phân loại 41.891 bản LLTP điện tử và 9.810 Phiếu cung cấp thông tin LLTP bổ sung bằng điện tử; đồng thời, đã thực hiện cập nhật 34.391 bản LLTP, 10.689 thông tin LLTP bổ sung và đưa vào lưu trữ 9.467 hồ sơ LLTP bằng giấy.
- Công tác bồi thường nhà nước: Bộ Tư pháp đã khẩn trương tổ chức quán triệt, xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi); đồng thời tiếp tục thực hiện việc theo dõi, rà soát, thu thập hồ sơ và phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời khi có yêu cầu hoặc giải quyết các vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài, được báo chí, dư luận quan tâm. Tính đến hết ngày 30/9/2017, Bộ đã chỉ đạo xem xét giải quyết xong 06 vụ việc trong lĩnh vực THADS, với tổng số tiền hơn 1 tỷ 283 triệu đồng.
- Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm: Trong Quý III, Bộ đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 210.399 trường hợp yêu cầu (gồm 140.036 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và 70.363 văn bản yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông).
1.4. Công tác bổ trợ tư pháp: Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư. Tiếp tục thực hiện theo dõi, đôn đốc việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại, chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng tại các địa phương (đến nay, có 87 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; 08 địa phương đã ra Quyết định, ban hành Kế hoạch, Đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng). Trong Quý III/2017, Bộ đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 312 trường hợp, thu hồi 01 trường hợp; bổ nhiệm công chứng viên đối với 12 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên 20 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá cho 162 trường hợp; bổ nhiệm Thừa phát lại cho 26 trường hợp, từ chối bổ nhiệm 01 trường hợp.
1.5. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế: Tính đến 30/09/2017, tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi qua đầu mối Bộ Tư pháp là 1.861 yêu cầu. Bộ Tư pháp đã nhận được 753 yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện. Ngày 29/8/2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất. Trong khuôn khổ Hội nghị, đã ký kết văn kiện hợp tác năm 2017-2018 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia; Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp Việt Nam) và Học viện Đào tạo Tư pháp Hoàng gia (Bộ Tư pháp Campuchia) ký Biên bản hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp của hai nước.
1.6. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp: Trong Quý III/2017, Thanh tra Bộ đã ban hành 18 quyết định thanh tra (06 Quyết định thanh tra theo kế hoạch; 09 Quyết định thanh tra đột xuất; 02 Tổ xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo; 01 Quyết định thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại), ban hành 18 kết luận thanh tra và tiếp tục hoàn thiện 13 kết luận thanh tra. Qua công tác thanh tra, đã ban hành 02 quyết định thu hồi tiền và ban hành 12 quyết định XPVPHC.
Công tác tiếp công dân được thực hiện đúng quy định. Bộ Tư pháp đã tiếp 70 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 51 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 73%). Lãnh đạo Bộ đã có 03 buổi tiếp với 6 lượt công dân đến từ một số địa phương liên quan đến công tác THADS, chứng thực, bồi thường nhà nước, đồng thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan giải quyết các vụ việc của người dân một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo như đánh giá của Ban Dân nguyện tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp là Bộ thực hiện tốt việc công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
          Quý III/2017, Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời trả lời 07/07 kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, đạt tỷ lệ 100% .
1.7. Tình hình triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Luật trợ giúp pháp lý, Luật tiếp cận thông tin: Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch triển khai; đã và đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị quán triệt; bên cạnh đó, để đảm bảo các Luật được thi hành ngay từ thời điểm có hiệu lực, Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý IV/2017
2.1. Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nhất là các báo cáo Bộ Tư pháp được phân công giúp Chính phủ trình Quốc hội gồm: (i) Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp; (ii) Báo cáo về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh theo Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội; (iii) Báo cáo về công tác thi hành án và (iv) Báo cáo về hoạt động tương trợ tư pháp.
2.2. Tổ chức triển khai thi hành các luật mới được thông qua, nhất là công tác tập huấn chuyên sâu nội dung cơ bản của các luật như Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); rà soát, sửa đổi các VBQPPL liên quan. Tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, trong đó đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực như Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật tiếp cận thông tin; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Hoàn thiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trong Quý IV/2017.
2.3. Triển khai hiệu quả Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó, thực hiện xong việc rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ.
2.4. Thực hiện nhiệm vụ thẩm định các VBQPPL đảm bảo tiến độ và chất lượng; triển khai Quy chế thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và tình hình xử lý các văn bản đã được kết luận sai về nội dung; hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
2.5. Triển khai công tác THADS năm 2018; tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài; chuẩn bị tốt để thi hành các vụ án lớn, trọng điểm mới được xét xử.
2.6. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp giải quyết tốt các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. Tập trung thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực như công chứng, đấu giá.
2.7. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017 bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai các hoạt động tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông theo Kế hoạch.
2.8. Tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ tư pháp giữa Việt Nam - Lào. Tổng kết công tác tư pháp năm 2017, triển khai công tác tư pháp năm 2018.
II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CÁC VĂN BẢN MỚI ĐƯỢC BAN HÀNH DO BỘ TƯ PHÁP CHỦ TRÌ SOẠN THẢO
1. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC
Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi và bổ sung một số quy định như: Đối tượng bị xử phạt VPHC là tổ chức; thẩm quyền XPVPHC của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành; quy định về giao quyền cho cấp phó; lập biên bản VPHC; đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới quyết định về XLVPHC; thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc; xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch; thu, nộp hộ tiền phạt VPHC; xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật VPHC là hàng cấm; lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và một số biểu mẫu trong XLVPHC. Một số điểm mới cơ bản như sau:
- Về đối tượng bị XPVPHC: Nghị định đã bổ sung những điều kiện để xác định một tổ chức bị XPVPHC. Cụ thể, tổ chức bị XPVPHC khi có đủ các điều kiện sau: (1) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) Hành vi VPHC do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị XPVPHC. Đồng thời, theo Nghị định, tổ chức bị XPVPHC phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
- Về việc giao quyền cho cấp phó: Nghị định đã bổ sung quy định theo hướng cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 Luật XLVPHC.
- Về việc xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu (quy định tại Điều 126 Luật XLVPHC): Nghị định đã quy định tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu thì được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế. Đồng thời, Nghị định cũng đã bổ sung quy định mới về việc thu, nộp hộ tiền phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, Giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ của  doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích là một trong những chứng từ thu, nộp tiền phạt…
2. Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm
Triển khai thi hành Bộ luật dân sự năm 2015, đặc biệt là các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm; nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc đăng ký biện pháp bảo đảm được tiến hành chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội, thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 01/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP gồm 05 chương, 70 điều, quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó có một số điểm mới cơ bản sau:
- Về các trường hợp đăng ký: Để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và thống nhất với quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật đất đai năm 2013, Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)…, Nghị định đã: (1) Bổ sung biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thuộc đối tượng đăng ký; (2) Tách bạch rõ 02 trường hợp đăng ký là đăng ký bắt buộc (gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển) và đăng ký theo yêu cầu (gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu).
- Về thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm: Thời điểm có hiệu lực của biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển được đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký; đối với tài sản là động sản khác là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm…
3. Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo
Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro và cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Bám sát quan điểm, mục tiêu đề ra, Đề án đã xác định 06 nhóm nhiệm vụ chính là: (1) Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan; (2) Rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPL về tiền điện tử; (3) Lập đề nghị xây dựng VBQPPL về tài sản ảo, tiền ảo; (4) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPL về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo; (5) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; (6) Nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đồng thời quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Đề án; đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án (nếu cần thiết); tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÁO CHÍ PHẢN ÁNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ, NGÀNH TƯ PHÁP
1. Kết luận kiểm tra liên quan đến việc thi hành án tại số 5 Hồ Biểu Chánh, TP Hồ Chí Minh (vụ bầu Kiên)
Liên quan đến việc thi hành án tại số 5 Hồ Biểu Chánh, TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS thành lập Đoàn kiểm tra ngay sau khi nhận được thông tin các cơ quan báo chí phản ánh. Ngày 15/9/2017, Đoàn kiểm tra đã ra Kết luận kiểm tra số 3389/KLKT-TCTHADS. Trên cơ sở Kết luận kiểm tra, Tổng cục THADS đã có văn bản yêu cầu Cục THADS TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan THADS có liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Kết luận kiểm tra và giải quyết các nội dung đương sự đã có đơn khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
2. Việc báo chí phản ánh một số địa phương chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch của công dân không đúng quy định[2]
Qua theo dõi công tác về chứng thực và phản ánh của báo chí cho thấy, việc báo chí phản ánh một số địa phương chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch của công dân không đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là có thực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch. Để chấn chỉnh tình trạng này và đảm bảo thực hiện tốt Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 25/8/2017, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 873/HTQTCT-CT gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu: (1) Tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; (2) Chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; (3) Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức vi phạm quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
3. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng
Trên cơ sở kiến nghị tại Báo cáo của Bộ Tư pháp, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành liên quan, ngày 15/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8601/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vấn đề này, cụ thể: (1) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện; (2) Giao các Bộ, ngành có liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo trên và ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp 01 bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện; (3) Yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL liên quan, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch; thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo chỉ đạo.
4. Việc báo chí phản ánh em Sùng Thị Chấu, nữ sinh người dân tộc Mông, trúng tuyển Đại học Luật Hà Nội có nguy cơ phải bỏ học vì nhà nghèo[3]
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội tiến hành hoàn thiện thủ tục nhập học cho sinh viên Sùng Thị Chấu. Hiện nay, Trường đã có một số hoạt động cụ thể để tạo điều kiện, hỗ trợ sinh viên Sùng Thị Chấu trong quá trình học tập tại Trường, như: Gặp gỡ, động viên và bố trí cho sinh viên ở nội trú; đề nghị sinh viên hoàn thành thủ tục để giải quyết chính sách miễn giảm học phí và chế độ theo quy định; tặng học bổng của cựu sinh viên và nhà tài trợ cho sinh viên Sùng Thị Chấu tại lễ khai giảng năm học mới... Đồng thời, để giúp sinh viên Sùng Thị Chấu nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, Ban Giám hiệu và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội đã trao đổi và thông tin cho các đoàn viên trong Trường nhằm chia sẻ, động viên với sinh viên Sùng Thị Chấu./.
 
[1] Gồm: 05 dự án luật, 31 dự thảo Nghị định, 23 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
[2] Các báo phản ánh: An ninh Thủ đô, Dân trí, Doanh nghiệp, Người đưa tin, Pháp luật Việt Nam Plus…
 
[3] Các báo phản ánh: Dân trí, Quân đội Nhân dân, Hagiangtv.vn…