Thông cáo báo chí công tác tư pháp Quý III năm 2016 I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QÚY III VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC QUÝ IV NĂM 2016
1. Kết quả công tác chủ yếu Quý III năm 2016
Trong Quý III/2016, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Sau đây là một số kết quả cụ thể:
1.1. Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL. Trong Quý III/2016, các Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 01 đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; trong đó, có 03 luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 64 văn bản (27 nghị định, 01 quyết định, 32 thông tư, 04 thông tư liên tịchquy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 VBQPPL và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời, góp ý 277 văn bản. Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản (79 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 636 văn bản của địa phương); kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận kiểm tra đối với 30 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật nói trên của Bộ Tư pháp, đến nay, có 07 văn bản đã được các Bộ, ngành và địa phương xử lý; 07 văn bản đã có hướng xử lý, 16 văn bản đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.>1.2. Công tác kiểm soát TTHC tiếp tục đạt kết quả và từng bước vào cuộc sâu hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Trong Quý III/2016, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 28 dự thảo VBQPPL quy định 121 TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 41 thủ tục, sửa đổi 48 thủ tục không hợp lý (chiếm 73,55% tổng số TTHC quy định tại dự thảo văn bản); thực hiện thẩm định 37 dự thảo VBQPPL (gồm: 02 dự thảo luật, 27 dự thảo nghị định, 07 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 dự thảo thông tư liên tịch) quy định 168 TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 37 thủ tục, sửa đổi 93 thủ tục không hợp lý (chiếm 77,38% tổng số TTHC quy định tại các dự thảo văn bản).
Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt phương án đơn giản hóa trên 800 TTHC liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí tiết kiệm được từ các phương án đơn giản hóa khoảng trên 400 tỷ đồng/năm.
1.3. Kết quả công tác THADS năm 2016 (từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016): về việc, số giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78.53%; về tiền, đã giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 29.097 tỷ 865 triệu 317 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 33.74%. Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, năm 2016, hệ thống THADS đã thi hành vượt chỉ tiêu được giao cả về việc (8.53%) và về tiền (3.74%).
Bộ Tư pháp đang tiến hành các thủ tục để ra Thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thông báo từ chối tiếp công dân đối với 10 vụ việc liên quan đến lĩnh vực THADS đã giải quyết theo đúng quy định pháp luật, bao gồm: vụ ông Nguyễn Xuân Dục và bà Nguyễn Thị Đoài - Phú Thọ; vụ ông Nguyễn Văn Đức, bà Phan Thị Nhung - Phú Thọ; vụ ông Vũ Văn Hiến, bà Lê Thị Hường - Nghệ An; vụ ông Lương Ngọc Kính - Quảng Ninh; vụ ông Hoàng Sỹ Công và bà Lê Thị Cơi - Thanh Hóa; vụ ông Phùng Viết Chanh - Hà Nội; vụ ông Phạm Trọng Nghĩa - Tiền Giang; vụ bà Lưu Thị Phương - Hà Nội; vụ ông Lê Văn Điển - Hà Nội và vụ bà Vi Thị Yên - Lâm Đồng.
Bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân, thì hiện nay một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ quan THADS không thi hành được Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đó là do ý thức tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án còn hạn chế, tình trạng không chấp hành án có chiều hướng gia tăng. Điển hình có thể kể đến vụ việc của ông Bùi Văn Dần và bà Nguyễn Thị Hoan (trú tại khu 1, Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Theo nội dung Bản án tuyên, bà Hoan phải trả cho bà Dung số tiền 149.132.000đ và lãi suất chậm thi hành án. Do bà Hoan không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án đã kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của vợ chồng bà. Sau khi bán đấu giá tài sản, do vợ chồng bà Hoan không tự nguyện giao tài sản nên cơ quan THADS đã cưỡng chế, giao tài sản cho ông Trần Đức Toàn (trú tại khu 5, Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, tối cùng ngày, gia đình bà Hoan tái chiếm lại tài sản mà cơ quan thi hành án đã giao. Mặc dù, các cơ quan Trung ương và địa phương đã giải quyết các khiếu nại, tố cáo của vợ chồng bà Hoan theo đúng quy định pháp luật nhưng vợ chồng bà vẫn không chấp hành án. Đặc biệt, ngày 15/4/2016, Tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xét xử ông Dần 04 tháng tù, bà Hoan 04 tháng tù treo về tội xâm phạm chỗ ở của công dân (tái chiếm đất của ông Toàn), nhưng đến nay, vợ chồng bà vẫn liên tục khiếu nại. Đây được coi là một vụ việc điển hình mà đương sự cố ý chây ỳ, không chấp hành án nhưng vẫn liên tục khiếu nại, tố cáo kéo dài kể cả khi Tòa án đã truy cứu trách nhiệm hình sự.
1.4. Về công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước:
- Công tác hộ tịch đã được thực hiện theo đúng quy định. Trong Quý III năm 2016, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện phần mềm đăng ký khai sinh và cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em để tiến hành mở rộng phạm vi thí điểm thêm 13 tỉnh, thành phố; đồng thời kết hợp triển khai thí điểm bước đầu phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung (phiên bản đầy đủ) tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1509 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam; 06 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và trả lời 1497 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch.
- Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã giải quyết 125 trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
- Về công tác lý lịch tư pháp, đã tiếp nhận 71.920 thông tin các loại; cung cấp 15.866 thông tin LLTP cho các Sở Tư pháp. Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia đã thực hiện tiếp nhận và thụ lý 77 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP và thực hiện cấp 69 Phiếu LLTP cho người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam hoặc người Việt Nam không xác định được nơi cư trú. Hỗ trợ 36 Sở Tư pháp thực hiện 21.160 yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích, góp phần bảo đảm cho việc cấp Phiếu LLTP đúng và sớm hơn thời hạn Luật định.
- Về công tác bồi thường nhà nước, trong năm 2016 (từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016 theo kỳ báo cáo Quốc hội), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc (có 53 vụ việc thụ lý mới). Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, đạt tỉ lệ 41.9%, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 26 tỷ 351 triệu 209 nghìn đồng, còn 61 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 30 vụ án dân sự (có 16 vụ án thụ lý mới) theo quy định tại Điều 22 Luật TNBTCNN đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Đã giải quyết xong 16 vụ việc với số tiền là 27 tỷ 298 triệu 492 nghìn đồng, còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Như vậy, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 53 tỷ 514 triệu 523 nghìn đồng, tăng 10 tỷ 978 nghìn 073 đồng so với năm 2015.
1.5. Công tác bổ trợ tư pháp: Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Tính đến hết tháng 9/2016, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1.148 trường hợp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên khoảng 70 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, hành nghề quản tài viên; bổ nhiệm Thừa phát lại cho 98 trường hợp... Về cơ bản, hoạt động cấp phép trong các lĩnh vực quản lý của đơn vị đã được thực hiện theo quy định của pháp luật, không có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà cho công dân, tổ chức khi tiến hành thủ tục cấp phép.
1.6. Trong năm 2016, tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi đi qua đầu mối Bộ Tư pháp là 3.338 yêu cầu. Bộ Tư pháp đã nhận được 666 yêu cầu uỷ thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện.
Ngày 27/9/2016, Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào (mở rộng) lần thứ ba đã được tổ chức thành công dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp hai nước. Hội nghị đã đánh giá toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước trong thời gian qua trên các lĩnh vực: (1) Tình hình thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ hai; (2) Công tác quản lý, đăng ký quốc tịch và hộ tịch ở các địa phương vùng biên và tình hình thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú của người dân ở vùng biên giới hai nước; (3) Tăng cường phối hợp trong công tác THADS các địa phương vùng biên và đẩy mạnh tương trợ tư pháp theo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào ký ngày 6/7/1998; (4) Đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cho các địa phương của Lào. Trong khuôn khổ Hội nghị, hai Bộ Tư pháp đã ký kết các văn kiện hợp tác nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là Chương trình hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý IV năm 2016
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong năm 2016, một số nhiệm vụ chính như sau:
2.1. Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, hoàn thiện trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua đối với 02 dự án luật (Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13); cho ý kiến đối với 02 dự án luật (Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)) và Báo cáo của Chính phủ về công tác Thi hành án năm 2016. Gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu 05 báo cáo, bao gồm: (1) Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; (2) Báo cáo của Chính phủ về công tác bồi thường của Nhà nước năm 2016; (3) Báo cáo của Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp; (4) Báo cáo về hình hình thi hành Luật Thủ đô (giai đoạn 2013-2016); (5) Báo cáo về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp.
2.2. Chuẩn bị kịp thời nội dung tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tập trung cao độ hoàn thành Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (07văn bản, đề án). Đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm cơ bản khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống.
2.3. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ; Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
2.4. Hoàn thành việc trình ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; triển khai việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ. Xây dựng, ban hành Quy chế làm việc của Bộ phù hợp với Quy chế làm việc mới của Chính phủ. Triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ; Đề án tinh giản biên chế và Kế hoạch tổng rà soát hồ sơ cán bộ của Bộ Tư pháp.
2.5. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác THADS; khẩn trương chuẩn bị giao chỉ tiêu thi hành án năm 2017 cho các cơ quan THADS địa phương ngay từ đầu năm công tác 2017.
2.6. Tổ chức vòng chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III; hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2016; thực hiện việc bình xét 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của Ngành Tư pháp; tổng kết, đánh giá kết quả công tác năm 2016; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của Bộ, ngành Tư pháp.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)
Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) gồm 09 chương, 78 điều với những nội dung chính và điểm mới như sau:
1.1. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Dự thảo đã kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Luật khiếu nại năm 2011, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015...
1.2. Về cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường: Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng làm rõ hơn cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Bên cạnh đó, Dự thảo quy định nguyên tắc chung xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án và quy định cụ thể cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Đối với các cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, do tính đặc thù của hoạt động này nên được quy định cụ thể tại các điều 38, 39 và 40. Các quy định này góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường, hạn chế tình trạng không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường; tăng cường hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
1.3. Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường: Dự thảo quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa TTHC trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường, cụ thể: (1) Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường (giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày). Đặc biệt, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại; (2) Quy định cụ thể việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án và người tham gia tố tụng, theo đó, việc giải quyết bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật này; (3) Bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai nhằm khắc phục tình trạng tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất.
1.4. Về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả: Dự thảo quy định Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để kịp thời chi trả, tạm ứng trước (nếu xác định được thiệt hại), khắc phục tình trạng quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị thiệt hại phải đợi lâu mới nhận được tiền bồi thường, quy định cụ thể kinh phí bồi thường ở Trung ương và địa phương.
1.5. Về trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước: Dự thảo đã sửa đổi quy định về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả. Quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Đặc biệt, Dự thảo đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
2. Về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) gồm 08 chương, 49 điều với những nội dung chính và điểm mới như sau:
2.1. Về người được TGPL: Dự thảo đã bổ sung các đối tượng được TGPL được quy định trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL hiện hành (bao gồm nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội); bổ sung mới một số đối tượng được TGPL chưa được Luật hiện hành quy định (gồm người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính).
2.2. Về hình thức TGPL: Dự thảo quy định rõ hình thức thực hiện TGPL theo đúng bản chất và yêu cầu của TGPL. Cụ thể, đã kế thừa 03 hình thức TGPL trong Luật hiện hành là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, Dự thảo bỏ quy định “các hình thức TGPL khác” để tránh tình trạng triển khai dàn trải, nặng về hình thức và trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở... như hiện nay.
2.3. Về chất lượng TGPL: Dự thảo quy định theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL. Theo đó, Dự thảo đã đưa ra những quy định nhằm nâng cao điều kiện tiêu chuẩn đội ngũ người, tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL, cụ thể: bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Trợ giúp viên pháp lý là phải qua tập sự hành nghề để có những kỹ năng cần thiết trong công việc; không huy động cộng tác viên TGPL khác (trừ luật sư) như quy định trong Luật hiện hành vì hiệu quả hoạt động trong thời gian qua của những cộng tác viên TGPL không cao; đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn cho các tổ chức tham gia TGPL (bao gồm tổ chức ký hợp đồng TGPL bằng nguồn lực của Nhà nước và đăng ký tham gia bằng nguồn lực của chính mình); quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ liên quan...
2.4. Tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước: Kế thừa các quy định của Luật hiện hành, Dự thảo quy định tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước là các Trung tâm TGPL Nhà nước cấp tỉnh - đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp do UBND cấp tỉnh thành lập. Đồng thời, Dự thảo không quy định Chi nhánh với tư cách là một đơn vị tổ chức của Trung tâm cũng như việc thành lập mới các Chi nhánh mà quy định chuyển tiếp việc rà soát các Chi nhánh đã thành lập theo Luật hiện hành để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hoặc giải thể.
2.5. Xã hội hóa hoạt động TGPL: Dự thảo đã đưa ra những quy định nhằm tiếp tục tạo cơ chế để các lực lượng xã hội tham gia công tác TGPL, cụ thể như: bổ sung cơ chế ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL; khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ phát triển hoạt động TGPL...
3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì trong việc rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015. Theo đó, ngoài sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc Phần những quy định chung của BLHS năm 2015 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý, bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn, dự thảo Luật tập trung sửa đổi một số vấn đề sau:
3.1. Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm. Theo đó, đã điều chỉnh mức định lượng tại các điều, khoản thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác. Đặc biệt, dự thảo Luật đã điều chỉnh mức định lượng về khối lượng, thể tích các chất ma túy tại các khoản của các điều luật để tránh trùng lặp và phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
3.2. Sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khung của một số điều luật để bảo đảm sự phân hóa rõ, hợp lý mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau. Cụ thể, dự thảo Luật đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của một số điều luật liên quan đến tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm an toàn giao thông và trật tự công cộng nhằm bảo đảm phân hóa chính sách xử lý đối với từng trường hợp phạm tội, nhất là giữa trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả với trường hợp phạm tội có khả năng gây ra hậu quả.
3.3. Sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể, dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến cấu thành của một số tội phạm quy định tại một số điều luật của BLHS năm 2015 để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ví dụ như bổ sung các chất ma túy mới phát hiện sau khi BLHS năm 2015 được ban hành (chất XLR-11 được tẩm ướp trong cỏ Mỹ và lá KHAT có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; bổ sung quy định về vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự đối với các tội phạm về ma túy.
3.4. Sửa đổi, bổ sung quy định về viện dẫn, các từ ngữ dùng trong điều luật tại 41 điều khoản nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng các quy định này trong thực tiễn.
4. Kết quả thanh tra đối với Công ty cổ phần đấu giá Bắc Trung Nam
Ngày 06/10/2016, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra về việc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại Công ty Cổ phần đấu giá Bắc Trung Nam. Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty này còn nhiều tồn tại, vi phạm như: vi phạm trong việc lập, quản lý, sử dụng sổ theo dõi tài sản bán đấu giá; lưu trữ hồ sơ bán đấu giá và trình tự, thủ tục tổ chức bán đấu giá. Những vi phạm này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả bán đấu giá. Đối với Chi nhánh của Công ty tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh tra cũng đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc lập, quản lý, theo dõi và sử dụng sổ; lưu trữ hồ sơ bán đấu giá và trình tự, thủ tục tổ chức bán đấu giá.
Qua thanh tra, phát hiện các hành vi vi phạm, Thanh tra Bộ Tư pháp đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, cụ thể: (1) Ban hành 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là 8.500.000 đồng và 45.000.000 đồng đối với Công ty; (2) Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mức tiền phạt là 8.500.000 đồng đối với Chi nhánh của Công ty tại TP Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Công ty và Chi nhánh Công ty nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các vi phạm, sai sót, tồn tại theo Kết luận. Có biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ trước ngày 06/11/2016; nghiêm chỉnh chấp hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ. Bên cạnh những sai phạm nêu trên, hiện nay, Công ty còn có nghĩa vụ phải thi hành khoản tiền hơn 03 tỷ theo Bản án số 121/2014/DSPT ngày 20/8/2014 của Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, mặc dù Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục THADS thành phố Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế buộc Công ty thi hành, nhưng đến nay Công ty vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành án./.