Thông cáo báo chí công tác tư pháp Quý II năm 2016

20/07/2016
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016, MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
1. Kết quả công tác chủ yếu Quý II và 6 tháng đầu năm 2016
Trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
1.1. Công tác xây dựng văn bản đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2016, đối với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 73/169 văn bản (41 nghị định, quyết định; 28 thông tư và 04 thông tư liên tịch), đạt 43.19%. Còn 96/169 văn bản (10 nghị định, quyết định; 74 thông tư; 06 thông tư liên tịch giữa các Bộ và 06 liên tịch giữa bộ với ngành) chưa được ban hành.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 151 dự thảo VBQPPL, 61 điều ước quốc tế; góp ý 447 dự thảo văn bản, trong đó có 163 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Bộ đã hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Sáu tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.443 văn bản, bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (22 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 36 văn bản của địa phương). Bộ đã thông báo kiểm tra đối với 54 văn bản, còn 04 văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản tiếp thu, tự xử lý sau khi Bộ Tư pháp tổ chức họp và trao đổi về các nội dung trái pháp luật. Đến nay, 09 văn bản đã được xử lý; 16 văn bản đã có hướng xử lý; 33 văn bản đang xử lý.
1.2. Công tác kiểm soát TTHC, đến hết tháng 6/2016, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 46 TTHC, nâng tổng số TTHC đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa lên 4.527/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 95.85%).
Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 322 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý; thực hiện thẩm định 606 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 53 thủ tục, sửa đổi 149 thủ tục. Riêng Quý II/2016, Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 190 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 31 thủ tục, sửa đổi 110 thủ tục không hợp lý.
1.3. Công tác thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm 2016 (từ 01/10/2015 đến hết ngày 31/5/2016): Về việc: Tổng số thụ lý là 643.722 việc, tăng 4,79% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số có điều kiện thi hành là 526.562 việc, giảm 11,64% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong 296.041 việc (tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 56,22% (tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2015). Về tiền: Tổng số thụ lý là trên 127.481 tỷ 139 triệu đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số có điều kiện thi hành là trên 100.600 tỷ 867 triệu đồng, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong trên 14.083 tỷ 361 triệu đồng (tăng 26,92% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 14,00% (tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2015).
Toàn hệ thống THADS cũng đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946-19/7/2016). Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt mẫu biểu trưng và ca khúc chung của hệ thống THADS. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức: Hội thi chung kết cuộc thi Chấp hành viên giỏi và Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS dự kiến diễn ra vào chiều thứ Bảy, ngày 16/7/2016.
1.4. Công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước:
- Về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, tính đến hết tháng 6 năm 2016, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 956.581 trường hợp (giảm hơn 4,87% so với cùng kỳ năm 2015), đăng ký khai sinh lại cho 250.715 trường hợp (tăng gần 6,0% so với cùng kỳ năm 2015); khai tử cho 288.090 trường hợp (tăng gần 4,4% so với cùng kỳ năm 2015), đăng ký kết hôn cho 397.715 cặp (giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 7.503 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An. Đến ngày 05/7/2016, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 và cấp số định danh cho cá nhân 130.487 trường hợp đăng ký khai sinh mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.708 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.699 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 05 hồ sơ xin nhập và 04 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời 1.940 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan.
- Công tác lý lịch tư pháp tập trung ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đảm bảo nhận và trả kết quả cấp phiếu LLTP cho công dân tốt hơn, đúng thời hạn hơn. Đến nay, có 40 Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp đã triển khai cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, các Sở Tư pháp đã cấp được 155.272 Phiếu LLTP (tăng 24.691 Phiếu so với cùng kỳ năm 2015). Bộ Tư pháp cấp 199 Phiếu LLTP của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam; tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được: 113.320 thông tin; cung cấp 29.107 thông tin cho các Sở Tư pháp; đưa vào lưu trữ 33.450 hồ sơ LLTP bằng giấy.
- Về lĩnh vực nuôi con nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 1.026 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (giảm 223 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015); 257 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015). Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Quy chế về việc phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm hướng đến giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tìm được mái ấm gia đình theo quy định của pháp luật. Có 49 địa phương tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trong đó có 43 địa phương có cơ sở nuôi dưỡng với 71 cơ sở.
- Về công tác bồi thường nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý 69 vụ việc (trong đó có 17 vụ việc thụ lý mới, giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm 2015), đã giải quyết xong 15/69 vụ việc. Số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 08 tỷ 721 triệu 392 nghìn đồng (giảm 5 tỷ 678 triệu 061 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2015).
1.5. Công tác bổ trợ tư pháp: Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 485 trường hợp, cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho cho 21 trường hợp luật sư nước ngoài. Cả nước hiện có tổng số 9.897 luật sư và 3.626 tổ chức hành nghề luật sư.
Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công kỳ kiểm tra tập sự hành nghề công chứng lần thứ nhất cho hơn 200 thí sinh trên cả nước; bổ nhiệm công chứng viên cho 16 trường hợp; cả nước có 895 tổ chức hành nghề công chứng (145 phòng công chứng và 750 văn phòng công chứng) với 2.094 công chứng viên đang hành nghề; cả nước có 17 Hội công chứng viên đã được thành lập, đi vào hoạt động. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam hội nhập, giao lưu và phát triển, thực hiện nghĩa vụ với Liên minh công chứng quốc tế (UINL) mà Việt Nam là thành viên.
Sáu tháng đầu năm, các tổ chức bán đấu giá ở các địa phương đã tổ chức đấu giá thành 9.594 cuộc, nộp ngân sách hơn 293,36 tỷ đồng. Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên cho 176 trường hợp và tiến hành thu hồi 06 trường hợp; cả nước hiện có 865 đấu giá viên đang hành nghề.
1.6. Công tác tiếp công dân tiếp tục được Bộ thực hiện thường xuyên, đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp 142 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (giảm 33% so với 6 tháng đầu năm 2015), trong đó Lãnh đạo Bộ đã tiếp 21 lượt công dân; tiếp nhận 749 đơn thư (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 180 đơn (158 đơn khiếu nại, 22 đơn tố cáo) thuộc thẩm quyền (chiếm 25%), 569 đơn không thuộc thẩm quyền (chiếm 75%).
 
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2016
2.1. Tập trung xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản.
Theo dõi, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra các Bộ, Ngành trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản theo kế hoạch năm 2016.
2.2. Tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL; triển khai đồng bộ các luật có hiệu lực trong năm 2016. Tiếp tục tập trung triển khai Bộ luật dân sự năm 2015.
2.3. Đẩy mạnh công tác THADS, thi hành án hành chính, phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thụ lý đơn và giải quyết yêu cầu thi hành án. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và hệ thống Thi hành án dân sự (ban hành kèm theo Quyết định số 1431/QĐ-BTP ngày 05/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
2.4. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Luật Hộ tịch, trong đó mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu điện tử toàn quốc, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân. Thực hiện thí điểm giải pháp tự động hóa xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo đúng quy định của Luật Hộ tịch.
2.5. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo đơn giản hóa, bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp, giảm thiểu chi phí tuân thủ TTHC. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước và ban hành Quyết định quy định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân.
2.6. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt Luật Đấu giá tài sản sau khi được Quốc hội thông qua.
2.7. Trình Quốc hội Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với nhiều chính sách mới nhằm kịp thời thể chế hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của công tác TGPL trong giai đoạn tới. Cụ thể như sau:
1.1. Luật này chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội về TGPL do Nhà nước bảo đảm (như quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, tổ chức trong hoạt động TGPL). Các quan hệ xã hội dịch vụ pháp lý thiện nguyện do tổ chức, cá nhân thực hiện bằng nguồn lực của họ sẽ được điều chỉnh tại các VBQPPL khác có liên quan như pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật...
1.2. Khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua, đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng công việc của Trợ giúp viên pháp lý, Dự thảo Luật quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý; thực hiện chỉ tiêu vụ việc tố tụng; quy định về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý.
1.3. Kế thừa các đối tượng được TGPL theo Luật TGPL 2006, Dự thảo mở rộng người được TGPL, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nhu cầu thực tế phát sinh của người dân (trẻ em bị buộc tội, người thuộc hộ cận nghèo, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...). Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng được thực hiện trên cơ sở tính toán phù hợp với khả năng đáp ứng của Nhà nước.
1.4. Để nâng cao chất lượng các vụ việc TGPL, tạo dựng hình ảnh của Trợ giúp viên pháp lý, Dự thảo Luật quy định theo hướng chuẩn hóa tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân Luật, có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, có giấy chứng nhận kiểm tra tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý, có sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao).
1.5. Hình thức TGPL trong Dự thảo Luật được quy định theo hướng thu hẹp hơn so với quy định hiện hành nhằm để bảo đảm tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, Dự thảo Luật quy định hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.
2. Về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)
2.1. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, Dự thảo bổ sung các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như: Buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống để phù hợp với quy định của Luật khiếu nại 2011; bổ sung trường hợp người bị bắt, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử; áp dụng biện pháp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật...
2.2. Quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà Luật TNBTCNN hiện hành chưa quy định để bảo đảm phù hợp với BLDS, như quy định nguyên tắc xác định thiệt hại; quy định rõ ràng hơn, bảo đảm tính khả thi trong việc tính thiệt hại, bổ sung một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do bị phạt hợp đồng; quy định về cách thức thực hiện khôi phục danh dự, khôi phục các quyền lợi ích hợp pháp khác và trả lại tài sản.
Đồng thời, lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường, quy định rõ mức thiệt hại được bồi thường (về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần …).
2.3. Cải cách mạnh mẽ trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo nguyên tắc dân sự, theo hướng cải cách mạnh mẽ trình tự, thủ tục, đơn giản hóa TTHC trong việc giải quyết bồi thường, quy định rõ thời hạn trong các thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án, các cơ quan giải quyết bồi thường. Đồng thời, bổ sung các quy định về thủ tục khôi phục danh dự theo hướng cụ thể, rõ ràng để áp dụng thống nhất như xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo.
2.4. Quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm kỷ luật và tăng mức hoàn trả để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ bình thường của cán bộ, công chức. Cụ thể sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ hoàn trả, xác định mức hoàn trả, miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả, thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả và các trường hợp xác định trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể.
Bổ sung các quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Cụ thể đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật khác có liên quan trong việc xem xét, xử lý kỷ luật. Đồng thời, quy định một số đặc thù trong việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại để việc xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm, thống nhất.
2.5. Về cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường, Dự thảo quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Đồng thời, để bảo đảm việc giải quyết bồi thường khách quan, minh bạch, tạo điều kiện cho việc giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, Dự thảo quy định cụ thể các cơ quan giải quyết bồi thường trong các lĩnh vực theo hướng tập trung tương đối như Cơ quan giải quyết bồi thường trong quản lý hành chính; Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an, cơ quan giải quyết bồi thường trong Quân đội và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính...
2.6. Cải cách quy trình cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường theo hướng tập trung vào một đầu mối, theo đó, Dự thảo quy định rõ kinh phí bồi thường theo hướng kinh phí bồi thường là một mục trong mục lục Ngân sách để luôn bảo đảm, chủ động về kinh phí cho công tác bồi thường nhà nước; quy định về việc cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn, bỏ thủ tục thẩm định tại cơ quan tài chính. Cơ quan tài chính có trách nhiệm nhanh chóng cấp phát kinh phí bồi thường khi có quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Ngay sau khi được cấp kinh phí, cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm chi trả cho người bị thiệt hại
3. Về Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Để triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính, ngày 01/7//2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). Nghị định gồm 05 chương, 37 điều với những nội dung chủ yếu sau:
3.1. Về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính: Xuất phát từ đặc thù của việc thi hành án hành chính, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính theo cơ chế “tự thi hành án” mà không thông qua một chủ thể thứ ba tổ chức thi hành án độc lập như trong THADS. Theo đó, Nghị định có các quy định chung về trình tự, thủ tục thi hành án, như: Quy định về tự nguyện thi hành án; về yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án; về thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có quyết định buộc thi hành án; về chỉ đạo, đôn đốc thi hành án; về theo dõi việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh quy định chung về trình tự thủ tục thi hành án, Nghị định cũng quy định việc thi hành án trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 311 của Luật tố tụng hành chính, như: Thi hành án trong trường hợp Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện; thi hành án trong trường hợp Tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính; thi hành án trong trường hợp Tòa án tuyên hủy quyết định buộc thôi việc...
3.2. Về xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án: Nghị định quy định các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án bao gồm: Xử lý kỷ luật (áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức); xử phạt VPHC; truy cứu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm vật chất và các biện pháp xử lý khác. Trong đó, về xử lý kỷ luật trong thi hành án, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức độ hậu quả gây ra của hành vi vi phạm mà bị xử lý bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Riêng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức vi phạm trong thi hành án hành chính được được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Về chế tài xử phạt VPHC, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm vật chất, thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC, Bộ luật hình sự, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, pháp luật dân sự. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về các biện pháp xử lý khác như: Công khai thông tin về việc không chấp hành án; không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính.
3.3. Để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thi hành án hành chính, Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; báo cáo, đề xuất trong trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm và tăng cường quản lý công tác thi hành án hành chính trên thực tế, khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm, hạn chế hiệu quả quản lý công tác thi hành án hành chính hiện nay./.