I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QUÝ IV NĂM 2015
Trong Quý IV và năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Sau đây là một số kết quả cụ thể:
1. Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL.
- Về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội thông Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; cho ý kiến dự án Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đấu giá tài sản; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 văn bản và ban hành theo thẩm quyền 07 Thông tư, Thông tư liên tịch; giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn thành tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Năm 2015, các Bộ, cơ quan đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội, UBTVQH thông qua 27 dự án luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.001 văn bản; trong đó, đã ban hành 111 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực. Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản; hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
- Về công tác thẩm định VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định 74 dự án, dự thảo VBQPPL và 64 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; nâng tổng số thẩm định cả năm 2015 lên 339 dự án, dự thảo VBQPPL và 132 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
- Về công tác kiểm tra VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra được 421 văn bản, qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 12 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, nâng tổng số văn bản đã kiểm tra cả năm 2015 lên 2.248 văn bản; bước đầu phát hiện 51 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền, chiếm 2,3% tổng số văn bản được kiểm tra trong năm 2015. Qua đó, Bộ đã chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý và đến nay đã có 14 văn bản đã được xử lý, các văn bản khác đang trong thời gian xử lý.
2. Công tác kiểm soát TTHC tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh.
- Về công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính: Năm 2015, các Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 98 TTHC, nâng tổng số TTHC đã hoàn thành thực thi trong nhiệm kỳ 2011-2015 lên 4.481/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 94,9%).
- Về việc tham gia ý kiến, thẩm định TTHC tại dự thảo VBQPPL: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định 32 TTHC tại 07 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 9 thủ tục, sửa đổi 18 thủ tục không hợp lý; tham gia ý kiến đối với 173 TTHC tại 29 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 19 thủ tục, sửa đổi 127 thủ tục không hợp lý.
Tính chung trong cả năm 2015, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định 528 TTHC tại 72 dự thảo VBQPPL, trong đó, kiến nghị không quy định 114 thủ tục, sửa đổi 392 TTHC không cần thiết, không hợp lý, chiếm 95,8% số TTHC quy định tại văn bản; tham gia ý kiến đối với 796 TTHC tại 125 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 121 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 464 thủ tục, chiếm 73,5% số TTHC quy định trong dự thảo.
3. Kết quả công tác THADS hai tháng đầu năm 2016 (tháng 10, 11/2015), cụ thể như sau: Về việc, số thi hành xong là 64.108 việc/277.975 việc có điều kiện thi hành (tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2015). Về tiền, số thi hành xong là 2.555.171.728 nghìn đồng/84.755.412.668 nghìn đồng có điều kiện thi hành (tăng 38,07% so với cùng kỳ năm 2015).
4. Công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, phổ biến, giáo dục pháp luật, đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Về công tác hộ tịch: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 15/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, bảo đảm triển khai thi hành đồng bộ với Luật Hộ tịch.
Trong năm 2015, ước tính cả nước thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký lại việc sinh cho 2.485.512 trường hợp, trong đó có 4.582 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài; khai tử cho 509.815 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 775.093 trường hợp, trong đó có 14.218 trường hợp có yếu tố nước ngoài.
- Về công tác lý lịch tư pháp: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được khoảng 92.000 thông tin LLTP; tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được khoảng 77.000 thông tin; lưu hơn 27.000 hồ sơ LLTP bằng văn bản giấy; hỗ trợ các Sở Tư pháp thực hiện tra cứu được 13.491 yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích.
Trong năm 2015, công tác cấp Phiếu LLTP có bước phát triển đột phá. Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp được 306.817 Phiếu LLTP (tăng hơn 6.709 phiếu so với năm 2014); Bộ Tư pháp đã cấp 166 Phiếu LLTP của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam (trong đó có 40 trường hợp yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính).
- Về công tác nuôi con nuôi: Quý IV/2015, Bộ Tư pháp đã giải quyết được 129 trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Ước tính cả năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2.770 trường hợp nuôi con nuôi trong nước và 528 trường hợp con nuôi có yếu tố nước ngoài. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi đã đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
- Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Ước tính, năm 2015 các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.560.096 cuộc tuyên truyền pháp luật; phát hành miễn phí 40.918.307 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân.
- Về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm: Năm 2015, các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản đã tiếp nhận và giải quyết 383.010 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin. Số đơn đăng ký trực tuyến chiếm 44.2% tổng số đơn đăng ký.
5. Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương được tăng cường, kịp thời nắm bắt tình hình và chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương, các cá nhân, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã cấp 982 Chứng chỉ hành nghề luật sư, 32 Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài, 08 Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Ước tính năm 2015, các luật sư tham gia 211.153 việc; các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 4.497.971 hợp đồng, giao dịch; cả nước đã thực hiện được 134.771 vụ việc giám định, trong đó có 101.071 vụ việc theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (chiếm khoảng 75% tổng số vụ việc).
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Về Bộ luật hình sự và Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật hình sự 1.1. BLHS được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 với những nội dung chủ yếu như sau:
- Quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường: BLHS đã bổ sung quy định TNHS của pháp nhân thương mại; xác định điều kiện truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại và quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu TNHS.
- Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi: BLHS đã bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”; sửa đổi nguyên tắc “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 71 của Bộ luật này” (khoản 4 Điều 69 BLHS 1999) theo hướng ưu tiên đánh giá, áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp giáo dục, giám sát trước, nếu xét thấy không có tác dụng răn đe, phòng ngừa thì mới cân nhắc xem xét áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không phải là hình phạt; xác định rõ hơn TNHS người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung 03 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng TNHS đối với họ.
- Thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế: Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, BLHS đã thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.
- BLHS đã nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên (Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền...), góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình: BLHS đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội, trong đó có 05 tội là bỏ hoàn toàn (Tội hoạt động phỉ, Tội cướp tài sản, Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Tội chống mệnh lệnh, Tội đầu hàng địch); 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tội chiếm đoạt chất ma túy); bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế...
1.2. Để triển khai thi hành BLHS và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành BLHS với những nội dung cơ bản, cụ thể như sau: (1) Rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án; (2) Tổ chức quán triệt, tập huấn, phổ biến, tuyên truyền BLHS và Nghị quyết; (3) Rà soát VBQPPL có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các VBQPPL bảo đảm thi hành hiệu quả BLHS; (4) Tổ chức rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các tài liệu về giáo dục công dân trong các trường trung học phổ thông có nội dung liên quan đến BLHS để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Về Bộ luật dân sự và Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự
2.1. BLDS được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 với những nội dung chủ yếu như sau:
- Quy định BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm, thể hiện qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản này; quy định trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của BLDS được áp dụng; quy định cụ thể hơn hoặc bổ sung các công cụ pháp lý giúp tòa án có đủ căn cứ giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là khi chưa có điều luật để áp dụng (trường hợp này, tòa án có thể được áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng).
- Hoàn thiện hơn các cơ chế pháp lý công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau đây: (1) Quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng; tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp một bên hoặc các bên quan hệ dân sự có yêu cầu; (2) Hoàn thiện các chế định về năng lực hành vi dân sự, giám hộ và đại diện; (3) Hoàn thiện các quy định quyền nhân thân của cá nhân, nhất là trong việc tôn trọng, công nhận và bảo vệ quyền về họ tên, dân tộc, quốc tịch, hình ảnh, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín; ghi nhận cá nhân được chuyển đổi giới tính theo quy định của luật…
- Hoàn thiện các chế định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ và hợp đồng, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau đây: (1) Quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân; Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương bình đẳng với chủ thể khác khi tham gia quan hệ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của BLDS; trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; (2) Hoàn thiện chế định tài sản và quyền sở hữu để bảo đảm tính bao quát, minh bạch trong quy định của pháp luật, huy động và khai thác được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội; bổ sung quyền khác đối với tài sản bao gồm, quyền với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, bảo đảm cho chủ thể có các quyền này được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác; quy định chiếm hữu như là trạng thái pháp lý về nắm giữ, chi phối tài sản, người đang chiếm hữu được suy đoán là người ngay tình; (3) Hoàn thiện các chế định về giao dịch dân sự, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của bên yếu thế, bên thiện chí, ngay tình; hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào các quan hệ dân sự.
2.2 Thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành BLDS, trong đó có hai nhóm hoạt động chủ yếu như sau: (1) Tổ chức rà soát các VBQPPL có liên quan, trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành văn bản mới cho phù hợp với BLDS; (2) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của BLDS; tập huấn chuyên sâu về các nội dung của BLDS cho đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp, cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật, cán bộ làm công tác thực tiễn.
3. Một số nội dung cơ bản và vấn đề về tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại
3.1. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định TPL với những nội dung cơ bản sau: (1) Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016; (2) Giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định TPL trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động TPL và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề TPL; (3) Các tổ chức TPL được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi ban hành Luật Thừa phát lại.
3.2. Để triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với các nội dung cơ bản như sau: (1) Xây dựng các VBQPPL sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về TPL; (2) Tổ chức đào tạo nghề TPL; (3) Tổ chức quán triệt, triển khai, tập huấn Nghị quyết và các văn bản liên quan; tuyên truyền, phổ biến về chế định TPL; (4) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của TPL; (5) Triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP QUÝ I NĂM 2016
Trong Quý I/2016, Bộ Tư pháp tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp Quý I với một số nhiệm vụ chính như sau:
1. Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội khóa XII của Đảng, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLHS (sửa đổi), BLDS (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại và các Kế hoạch triển khai thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng; Nghị quyết về công tác tư pháp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án Luật, Nghị quyết do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng được Quốc hội thông qua; phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc lập danh mục các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10; tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh.
3. Tiếp tục tập trung chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin); chủ động triển khai và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến năm 2016 (Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Chứng thực, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi)).
4. Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2016 bằng hình thức trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương, đánh giá toàn diện, khách quan kết quả và tồn tại, hạn chế năm 2015, nhiệm kỳ 2011 - 2015; xác định phương hướng giai đoạn 2016 - 2020 và trọng tâm công tác tư pháp năm 2016.
5. Triển khai Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
6. Trình Chính phủ đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và khóa XIII; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL.
7. Đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành./.