Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 02/11 đến ngày 08/11/2009

20/11/2009

I. Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Ngày 04/11/2009, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc và gặp mặt thân mật với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá. Tại buổi gặp mặt, Lãnh đạo Bộ đã thông tin tình hình công tác của Bộ trong thời gian từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII đến nay và tình hình công tác tư pháp, thi hành án dân sự của tỉnh Thanh Hoá. Lãnh đạo Bộ cũng đã trao đổi với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp và vấn đề tăng cường công tác tư pháp, thi hành án dân sự của tỉnh để có thể đáp ứng với những yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp tỉnh Thanh Hoá trong thời gian tới.

II. Xây dựng đề án, văn bản

Trong tuần (từ ngày 02 - 08/11/2009), Bộ Tư pháp tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện các dự thảo đề án, văn bản mà Bộ đang xây dựng như: dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi (phần sở hữu), dự thảo Thông tư về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; một số Thông tư hướng dẫn về thừa phát lại; Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án dân sự và hướng dẫn Nghị định 74/2009/NĐ-CP.

III. Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm

1. Trong các ngày 02, 03/11/2009, Bộ Tư pháp tổ chức 02 Hội nghị tập huấn về công tác quốc tịch tại Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh với thành phần tham dự là đại diện Sở Tư  pháp, Sở Công an, Sở Ngoại vụ và nhiều Sở, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hội nghị đã tập trung vào những nội dung mới của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và những vấn đề quốc tịch mang tính đặc thù của khu vực.

2. Ngày 05/11/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về Đề cương Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung chủ yếu như: nghề luật ở Châu Âu qua góc nhìn từ Đan Mạch; nhu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư trước yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế; những định hướng và giải pháp phát triển tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam; vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư trước yêu cầu phát triển nghề luật sư tại Việt Nam.

3. Ngày 06/11/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về Đề án xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung chủ yếu như: sự cần thiết xây dựng Đề án, các mục tiêu của Đề án; các hoạt động và giải pháp thực hiện Đề án.

IV. Các đề án, văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã được ban hành trong tuần

1. Ngày 02/11/2009, Bộ Tư pháp có Quyết định số 2377/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Đây là văn bản quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Bộ, thể hiện cụ thể, đầy đủ, rõ nét chủ trương, quan điểm của Lãnh đạo Bộ về đổi mới phương thức, lề lối làm việc của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo, đồng thời đề cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Ngày 04/11/2008, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2102/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Ngày 04/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ-TTg ban hành Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 01/7/2009 đến ngày 30/6/2014. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2009.