Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 24/3 đến 01/4/2012

10/04/2012
 

Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 24/3 đến ngày 01/4/2012

1. Về công tác tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Ngày 30/3, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp Tổ nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thảo luận về dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2012 của Tổ, trong đó gồm 4 nhóm việc chính: họp Tổ nghiên cứu; nghiên cứu theo chuyên đề; tổ chức hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên kết luận chỉ đạo về các nội dung: xây dựng kế hoạch sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, tổ chức tọa đàm, đề xuất các vấn đề của Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung; theo dõi thông tin trên báo chí về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu.

2. Tình hình xây dựng, kiểm tra đề án, văn bản

2.1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ngày 27/3, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên làm việc với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính về Dự án Bộ luật. Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng đã chỉ đạo các nội dung liên quan đến việc tổng kết theo báo cáo chuyên đề về thi hành Bộ luật Hình sự; báo cáo chung về tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự; định hướng sửa đổi Bộ luật.

2.2. Luật Thủ đô. Ngày 28/3, Thứ trưởng Lê Thành Long cùng đồng chí Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) chủ trì cuộc họp Tổ biên tập dự án Luật. Ngày 30/3, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo chủ trì họp Ban soạn thảo dự án Luật. Tại Phiên họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có chỉ đạo liên quan đến các nội dung: làm rõ các vấn đề đang đặt ra đối với dự án Luật Thủ đô; chuẩn bị đánh giá tác động từng mục của dự Luật; chế tài cụ thể để điều tiết hợp lý lĩnh vực dân cư; về xử phạt hành chính; về tài chính. Phiên họp đã thống nhất, sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua dự thảo Luật tại phiên họp tháng 6-2012.

2.3. Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2013: Ngày 26/3, Thứ trưởng Lê Thành Long làm việc với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật về Chương trình. Thứ trưởng chỉ đạo các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị dự thảo: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án mà Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2013; Tờ trình UBTV Quốc hội về đề nghị của Chính phủ và các tài liệu kèm theo để gửi UBTV Quốc hội và UBPL Quốc hội; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phân công các đơn vị thuộc Bộ chủ trì, phối hợp soạn thảo các luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Quốc hội khoá XIII.

2.4. Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp: Ngày 28/3, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền làm việc với Học viện Tư pháp về việc chỉnh lý Đề án, Thứ trưởng kết luận các nội dung về việc triển khai xây dựng báo cáo kết quả việc thực hiện Thông báo số 03 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; xin ý kiến Bộ trưởng về việc tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo; xem lại chức năng, nhiệm vụ của Ban 3 Văn phòng Ban CĐCCTPTW; xin ý kiến chỉ đạo về cách thức sửa Đề án (Đề án tổng thể và 3 đề án thành phần).

2.5. Họp liên ngành về giải quyết vướng mắc trong công tác chứng thực, ngày 29/3, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng kết luận các nội dung: Về việc chưa thống nhất giữa Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; về vấn đề liên quan đến việc công chứng, chứng thực Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân được nêu tại Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 và Thông tư số 75/2011/TT-BCA ngày 17/11/2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp.

2.6. Về Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng: Ngày 29/3, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ chủ trì cuộc họp liên ngành về Nghị quyết số 23. Thứ trưởng kết luận: giao Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chuẩn bị Báo cáo gửi Bộ trưởng và văn bản gửi Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trao đổi về các nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật của Nghị quyết trên.

3. Buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Hà Hùng Cường với Đoàn thanh niên cơ quan Bộ diễn ra ngày 26/3/2012 nhân dịp hưởng ứng Năm Thanh niên, tháng Thanh niên và kỷ niệm 81 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền, đồng chí Nguyễn Duy Lãm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và một số Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tham dự. Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng nhấn mạnh việc: “Tin vào cán bộ trẻ, giao việc, sử dụng, khơi dậy cho cán bộ phát huy lợi thế, tiềm năng, hoan nghênh mọi sáng kiến của cán bộ trẻ, nâng đỡ, suy tôn những người có khả năng phát huy, bồi dưỡng… cán bộ trẻ là giải pháp quan trọng”. Hàng năm nên vinh danh 10 gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ (như Trung ương Đoàn đang làm).

4. Một số hoạt động trọng tâm khác

4.1. Ngày 27/3, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trao cờ thi đua xuất sắc năm 2011 cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và trao tặng 42 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” nhằm tôn vinh các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác Tư pháp trên địa bàn thành phố.

4.2. Ngày 29/3, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chủ trì cuộc họp liên ngành với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát NDTC về kiến nghị rút lại nội dung bảo lưu về dẫn độ theo Công ước Palecmo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Chủ tịch nước. Thứ trưởng kết luận các nội dung liên quan đến việc thể hiện chính sách nhất quán trước khi tổ chức buổi họp liên ngành; xây dựng phương án để trình Chính phủ.

4.3. Ngày 29/3, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng Họp Tổ công tác liên ngành về vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài về Kế hoạch công tác năm 2012 của Tổ công tác. Thứ trưởng kết luận các nội dung liên quan đến việc xây dựng kế hoạch chi tiết, thời gian và thành phần thực hiện; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về tình hình cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài; xây dựng kế hoạch khảo sát tại một số tỉnh; rà soát các quy định của pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế có liên quan đến vấn đề trên và thực hiện việc thống kê, điều tra xã hội học, biên soạn các tài liệu để tuyên truyền./.