Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 09/8 đến ngày 25/8/2011

25/08/2011
 

1. Tổ chức đón Đồng chí Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ

Ngày 22/8, Bộ đã long trọng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động và bổ nhiệm đồng chí Phạm Quý Tỵ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Đến dự buổi lễ, có đồng chí Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Bính Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội và đại diện Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; về phía Bộ Tư pháp, có Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cơ quan Bộ, Chánh Văn phòng Đảng uỷ Bộ Tư pháp. Thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã bày tỏ sự vui mừng được đón đồng chí
Phạm Quý Tỵ về công tác tại Bộ Tư pháp. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp có 5 Thứ trưởng, điều này thể hiện sự đánh giá ngày càng cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về vai trò của Bộ, ngành Tư pháp.

2. Hội nghị chuyên đề về một số lĩnh vực công tác tư pháp

Ngày 19/8, Hội nghị chuyên đề công tác tư pháp đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 03 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã tập trung trao đổi về triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP, về những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật của 04 lĩnh vực chuyên đề (về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế, về việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 22 Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi) và đề xuất hướng giải quyết.

3. Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010

Ngày 17/8, tại Quảng Bình, Ban Chỉ đạo Chương trình 212 đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010. Đến dự Hội nghị có Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 212, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền, Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và đại điện của 32 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Bộ trưởng đã phát biểu khai mạc Hội nghị; Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền trình bày Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010. Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Quốc hội sớm nghiên cứu và ban hành Luật PBGDPL, Chính phủ phê duyệt và cho triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2012 - 2016, các Bộ, ngành và UBND các cấp quan tâm và đầu tư cho công tác PBGDPL…

4. Làm việc với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về công tác tư pháp, thi hành án dân sự

Ngày 24/8, Đoàn công tác của Bộ do Bộ trưởng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái về tăng cường hiệu quả công tác tư pháp và thi hành án dân sự tại địa phương. Nhìn chung, công tác tư pháp, THADS đến nay ở Yên Bái đã có nhiều kết quả thực hiện đúng quy định, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý Nhà nước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, công tác tư pháp và THADS thời gian qua cũng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế mà nguyên nhân có thể kể đến là điều kiện khó khăn chung của địa phương, chất lượng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là đối với cán bộ tư pháp cấp huyện và xã.

5. Tình hình xây dựng đề án, văn bản

5.1. Luật Giám định tư pháp: Ngày 15/8/2011, Bộ trưởng đã ký Tờ trình số 27/TTR-BTP trình Chính phủ dự án Luật.

5.2. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký: Ngày 16/8, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm việc với Vụ Hành chính tư pháp về nột số nội dung của dự thảo Nghị định. Vụ Hành chính tư pháp đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Dự thảo theo chỉ đạo của Thứ trưởng. Hiện nay đang trình Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo trước khi tổ chức thẩm định.

5.3. Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng: Ngày 11/8, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nghe Vụ Bổ trợ tư pháp báo cáo về nội dung dự thảo Nghị định. Thứ trưởng kết luận: Vụ Bổ trợ tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh nội dung dự thảo Nghị định, chuẩn bị hồ sơ thẩm định trình lại Thứ trưởng trước khi trình Bộ trưởng cho ý kiến.

5.4. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Ngày 18/8, Bộ trưởng chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành.

5.5. Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật: Ngày 24/8, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định tổ chức họp. Đa số các ý kiến nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, tên gọi dự thảo Nghị định. Các ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng, dự thảo Nghị định cần làm rõ hơn để tránh sự chồng chéo giữa việc kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật với các chức năng của Thanh tra Chính phủ và chức năng của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Việc quy định đối tượng bị theo dõi thi hành pháp luật trong dự thảo Nghị định cần được làm rõ hơn; việc xử lý kết quả thi hành pháp luật cần quy định theo hướng gọn hơn, rõ ràng và khả thi hơn; cần cân nhắc thêm về Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật.

5.6. Đề án giải quyết án dân sự tồn đọng: Ngày 12/8, Thứ trưởng
Nguyễn Đức Chính nghe Tổng cục THADS báo cáo về nội dung dự thảo Đề án.
Thứ trưởng kết luận: Tổng cục THADS cần phân loại rõ án tồn đọng (chủ động và theo đơn yêu cầu); đưa ra được các kiến nghị cụ thể để xử lý đối với lượng án này (có số liệu cụ thể, đánh giá số liệu, giải pháp xử lý, các tiêu chí đưa ra…); xác định công việc cụ thể và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ về những nội dung liên quan; thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền về một số tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành án dân sự; các kiến nghị phải rõ ràng, cụ thể, có tính thực thi, nêu rõ trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào.

5.7. Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam: Ngày 17/8, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nghe Vụ Bổ trợ tư pháp báo cáo về công tác chuẩn bị thẩm định đề xuất của các địa phương về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng. Thứ trưởng kết luận: Báo cáo cần bổ sung một số nội dung như: xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, các trọng điểm kinh tế của địa phương...

5.8. Đề án thu phí cấp phiếu lý lịch tư pháp: Ngày 09/8, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm việc với Trung tâm LLTPQG về Đề án. Trung tâm đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo và đang trình Bộ trưởng.