Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 10 đến ngày 16/5/2010

19/05/2010

I. Đoàn công tác Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ

Trong các ngày từ 08 đến 16/5/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã dẫn đầu Đoàn công tác Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ nhằm nghiên cứu khảo sát việc thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật tại Hoa Kỳ và một số nội dung khác liên quan đến công tác tư pháp mà hai bên cùng quan tâm. Tham gia Đoàn khảo sát có đại diện một số cơ quan, tổ chức như: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Phòng thương mại Việt - Mỹ và Dự án hỗ trợ thúc đẩy thương mại USAID/STAR.

II. Xây dựng đề án văn bản

1. Nghị định sửa đổi Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước: ngày 10/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Các vấn đề chung về Kế hoạch xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 122/2004/NĐ-CP. Theo đó, dự kiến trình Chính phủ vào Quý IV/2010.

2. Đề án thành lập Hội đồng Học viện Tư pháp: ngày 10/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Học viện Tư pháp về Dự thảo Đề án. Theo đó, Hội đồng có sự tham gia của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Đề án tổng thể đào tạo cán bộ tư pháp: ngày 11/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Tổ biên tập Đề án. Theo đó, dự kiến tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành vào Dự thảo Đề án trong tháng 5 và tổ chức đoàn khảo sát nước ngoài vào cuối tháng 6/2010.

4. Thông tư Đăng ký trực tuyến và thiết kế phần mềm về đăng ký trực tuyến: trong khi chờ Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm được ban hành, Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng Thông tư riêng hướng dẫn đăng ký trực tuyến đảm bảo nguyên tắc chung theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngày 12/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch về một số nội dung của Dự thảo Thông tư như: phạm vi điều chỉnh của Thông tư; kiểm tra, xác minh thông tin đối với những vấn đề liên quan đến tàu bay, tàu biển; cấp tài khoản đăng ký trực tuyến và hình thức cung cấp thông tin.

5. Dự thảo Đề án thành lập Trường Trung cấp Luật Hậu Giang: ngày 13/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ về Dự thảo Đề án. Theo đó, dự kiến Bộ Tư pháp hoàn chỉnh hồ sơ thành lập Trường để gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến trong tháng 5 và khai giảng khóa I của Trường vào quý IV/2010.

6. Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên: ngày 13/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì họp Ban Soạn thảo và Tổ thư ký Đề án. Theo đó, dự kiến cơ cấu của Đề án gồm 4 phần (sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu - sản phẩm và Nội dung - Giải pháp) và 3 phụ lục (Phụ lục 1: về đánh giá thực trạng thanh thiếu niên hiện nay; Phụ lục 2: về đánh giá trong thời gian vừa qua các Ban, ngành, đoàn thể đã làm được những gì; Phụ lục 3: về Kinh phí thực hiện).

7. Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tập sự hành nghề luật sư: ngày 14/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Bổ trợ tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về Dự thảo Thông tư. Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như: tên gọi của Thông tư; thành phần Ban Thư ký Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; phí kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; vai trò của Sở Tư pháp trong việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; thời gian tối thiểu để được thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư; việc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự; quan hệ giữa tổ chức hành nghề luật sư và người tập sự.

8. Đề cương dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật: ngày 14/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ phổ biến giáo dục Pháp luật về Dự thảo Đề cương. Theo đó, kết cấu Đề cương dự kiến gồm 6 Chương (Chương I- Những quy định chung; Chương II- Cơ quan, tổ chức, cá nhân PBGDPL; Chương III- Đối tượng được thụ hưởng; Chương IV- Nội dung và phương thức PBGDPL; Chương V- Quản lý Nhà nước trong hoạt động PBGDPL; Chương VI- Điều khoản thi hành).